Áo dài cách tân - hòa mình với cuộc sống hiện đại

(PLVN) - Không chỉ phong phú về chất liệu, hoa văn… với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ hiện đại, áo dài đã có thêm nhiều kiểu dáng mới tươi trẻ, văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang nét nữ tính và dịu dàng. Áo dài mặc với quần jeans, áo dài mặc với váy… còn gọi là áo dài cách tân. 
Áo dài cách tân - hòa mình với cuộc sống hiện đại

Nếu áo dài truyền thống phù hợp với những dịp kỷ niệm trang trọng với cách đi lại duyên dáng, nhẹ nhàng, lịch thiệp của người mặc thì áo dài cách tân lại rất phù hợp với những dịp đi chơi xuân, sự kiện tập thể, du lịch cần sự năng động, tươi vui. Dù áo dài truyền thống hay cách tân thì người mặc những trang phục ấy đều thấy tự hào và yêu văn hóa Việt.

Thú vị với áo dài cách tân

Điểm độc đáo của áo dài Việt so với những trang phục thời trang đơn thuần khác là sự ứng biến kịp thời, luôn cập nhật, biến đổi để hòa mình vào thời cuộc. Nếu những năm 1950, chiếc áo dài được bà Trần Lệ Xuân thay bằng chiếc cổ thuyền và được ghi dấu như một cột mốc thay đổi áo dài truyền thống. Đó là cách mà thời thế cập nhập xu hướng hiện đại vào văn hoá thời trang.

Năm 2015, một sự “chuyển mình” đầy ngoạn mục của chiếc áo dài. Để giúp tất cả các chị em có thể dễ dàng diện trang phục áo dài, các nhà thiết kế đã nghĩ ra việc cách tân tăng tính ứng dụng áo dài trong đời sống đương đại. Khác với những tà áo dài xưa thường được may dài đến cổ chân phối cùng quần dài rộng thì ngày nay các tà áo dài cách tân được thiết kế với tà ngắn chỉ ngang đến đầu gối, tay lỡ, cổ tròn hoặc cổ thuyền đơn giản hơn nhiều với áo dài truyền thống.

Áo dài cách tân kết hợp với quần âu, quần jean vừa gọn gàng, thuận tiện vừa thể hiện được sự năng động, trẻ trung, nhưng không kém phần tôn dáng, giữ được vẻ đẹp thướt tha, đầy thanh thoát của người phụ nữ. Vải áo dài là những hình vẽ sống động, họa tiết thiên nhiên, tươi vui đầy sắc màu. 

Sự cách tân này đã tạo “luồng gió mới” cho thời trang Việt khiến bao phụ nữ nhiều lứa tuổi “phát cuồng” cộng thêm sự có mặt của áo dài cách tân đúng vào thời điểm Tết đến, Xuân về nên “cơn bão” trang phục này “đổ bộ” khắp nơi.  “Xuân này ta mặc áo dài” - một phát động đầy ý nghĩa khiến cho chiếc áo dài ngày càng được ưa chuộng.

Chị em hào hứng sắm áo dài cách tân đi đón Tết, đi lễ chùa, đi gặp liên hoan, Tân Xuân, ngày lễ Tình nhân, Quốc tế Phụ nữ…  

Hai năm sau, áo dài cách tân trở lại với thiết kế táo bạo hơn, quyến rũ hơn nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống khi kết hợp với chân váy xòe. Sự kết hợp này cũng làm các chị em phụ nữ “rớt tim”. 

Stylis Hoàng Ku nhận xét: "Áo dài đẹp nhất vẫn là chiếc áo dài truyền thống với cổ cao, độ ôm cơ thể vừa phải, tà áo dài gần chạm đất, mặc cùng quần lụa rộng. Nhưng điều đó không có nghĩa áo dài cách tân không đẹp. Ngoài ra, áo dài cách tân có ưu điểm tính ứng dụng cao trong đời sống @. Bản thân tôi cũng lựa chọn trang phục này cho một số nghệ sĩ tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ đón Tết. Tôi thích sự sáng tạo, cách tân của các nhà thiết kế trẻ”.

Theo Hoàng Ku, trang phục vừa mang đến một màu sắc mới cho tà áo dài, trẻ trung và năng động hơn, lại vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Bên cạnh đó, việc cách tân còn mang đến sự thuận tiện cho người mặc, cập nhật xu hướng của thế giới và gần gũi cho giới trẻ.

Ngay từ khi xuất hiện áo dài cách tân - mang hơi hướm của bản sắc dân tộc với chừng mực vừa đủ, dung hoà được vẻ đẹp của cả Á Đông lẫn phương Tây, các nhà thiết kế, các nghệ sĩ, người mẫu, diễn viên, ca sĩ… đã chung sức dấy lên phong trào mạnh mẽ, khuyến khích mọi người, từ thành thị đến nông thôn mặc áo dài. 

Ca sĩ Đoan Trang hồ hởi: “Các nhà thiết kế cùng với nghệ sĩ, trong đó có Đoan Trang và chị Hồng Nhung... đã tạo nên một cái Tết truyền thống - truyền thống của thời hội nhập. Đó là một mùa xuân rất đẹp khi bạn bè quốc tế của chúng tôi nhìn vào, thấy ai cũng mặc áo dài”. 

Muôn sắc áo dài cách tân xuống phố.
 Muôn sắc áo dài cách tân xuống phố.

Trước sự lo ngại về sự “lai căng”, nhà thiết kế Lan Hương, La Hằng cho rằng, trước hết nhà thiết kế phải thực sự xem việc thiết kế áo dài là sáng tạo nghệ thuật. Vẫn biết rằng thời trang là ngành đòi hỏi sự sáng tạo, cá tính, nhưng với áo dài, một trang phục được coi là biểu tượng Việt thì nhà thiết kế ngoài sự chuyên tâm, tỉ mỉ cần một trái tim chân thành.

Á hậu Hoàng My hào hứng: “Những chiếc áo lấy cảm hứng từ áo dài đã giúp mọi người gần gũi với áo dài hơn. Và dù có áo dài cách tân thì chiếc áo dài truyền thống vẫn giữ nguyên giá trị di sản của mình”.

Sứ mệnh riêng biệt…

Dễ nhận thấy, áo dài truyền thống thường xuất hiện tại những sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa đầy trang trọng. Ngoài ra, các cuộc thi áo dài, hoa hậu, người đẹp… phần thi bắt buộc là áo dài truyền thống. Khi tổ chức cuộc thi “Duyên dáng áo dài Việt Nam” tại Lễ hội áo dài, Ban tổ chức nêu rõ tiêu chí: Thí sinh dự thi phải mặc áo dài truyền thống, không mặc áo dài cách tân với xòe hay quần âu… tham dự cuộc thi này. 

Khác với áo dài truyền thống, áo dài cách tân có giá trị ứng dụng vào cuộc sống cao hơn. Sở hữu thiết kế độc đáo, được gọi là không quá “gò bó”, “khuôn mẫu” như những chiếc áo dài truyền thống, hầu như phom người nào cũng có thể tìm được một chiếc áo phù hợp, phụ nữ mọi lứa tuổi có thể mặc đi đến bất cứ đâu mà vẫn giữ được nét duyên dáng của người con gái Việt.

Áo dài cách tân có thể mặc đi du xuân, chúc Tết, đi du lịch hay những cuộc kỷ niệm, gặp mặt cần sự năng động. Chị Nguyên Thoa, 40 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay: “Tôi thường mặc áo dài truyền thống khi có dịp kỷ niệm lớn ở của gia đình hay ở công ty. Còn áo dài cách tân tôi lại có thể thỏa sức mặc tại những ngày xuân, dạo phố, picnic cần sự đi lại nhiều.

Mặc áo dài truyền thống hạn chế sự đi lại bởi phải đi đôi xăng đan gót cao cho uyển chuyển và không bị vấp gấu quần và tà áo. Còn áo dài cách tân, tôi có thể mặc quần âu phối hợp với giày thể thao đi lại, leo bậc thang khi dã ngoại dễ dàng hơn. Cứ mỗi lần liên hoan hay họp lớp ở ngoại thành, chúng tôi lại rủ nhau mặc áo dài cách tân cho thuận lợi, phù hợp với hoạt động ngoài trời đầy năng động.

Cô Nguyễn Xuân, 50 tuổi ( Ý Yên, Nam Định) như tìm được “chìa khóa” trang phục cho mình. Là một người điệu đà, trước đây, cô Xuân thường mua váy để mặc đi làm. Cô không thích mặc quần âu, áo phông vì nghĩ trang phục ấy xuề xòa không tinh tế. Từ khi có áo dài cách tân, tủ quần áo của cô Xuân đã thay đổi.

Cô sắm cho mình những chiếc áo dài họa tiết tinh tế với vải áo nhẹ thoáng khi tiết trời nóng. Hôm kết hợp áo dài cách tân với quần âu, hôm kết hợp với chiếc váy xòe, cô Xuân diện diện trang phục này đi làm mang văn hóa Việt tới cơ quan mà vẫn đảm bảo sự dễ chịu, không gò bó khi làm việc. Cô Xuân đã trở thành “hiện tượng” cơ quan và chị em cũng đua nhau may áo dài cách tân đi làm.

Còn bạn trẻ Hoàng Thu Huế, 19 tuổi (sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cùng các bạn có thể tung tăng dạo phố với chiếc áo dài cách tân phối hợp với chiếc váy xòe và đôi giày đế thấp. Thu Huế cho hay: “Chúng em diện áo dài truyền thống khi tới khai giảng, bế giảng hay những ngày lễ, Tết tại trường học với sự thướt tha, e ấp của nữ sinh. Còn khi đi chơi với bạn bè, chúng em lại mặc áo dài cách tân với váy cho năng động, trẻ trung dễ dàng di chuyển mà không kém phần điệu đà, duyên dáng. Ngay cả khi biểu diễn các tiết mục hát múa ở trường, chúng em cũng có thể mặc áo dài cách tân để tiết mục thêm sắc màu, thú vị”. 

Theo các bạn trẻ, một điểm cộng nữa cho những chiếc áo dài cách tân chính là nhờ các thiết kế có thể thoải mái lựa chọn theo ý riêng của mình. Từ họa tiết, kiểu tay, kiểu cổ… hay thậm chí là chất liệu vải để may áo dài đều được.  Thêm vào đó, chị em cũng có thể thoải mái mix áo dài với các loại quần, phụ kiện để thể hiện phong cách, cá tính thời trang theo cách của riêng mình.

Áo dài cách tân đã đưa trang phục truyền thống vào cuộc sống hằng ngày, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của thế hệ trẻ hơn. Áo dài cách tân dù có phổ biến trong cuộc sống thường nhật nhưng sẽ không thể nào thay thế được vai trò của chiếc áo dài truyền thống vào những dịp đặc biệt. Cả hai đều có những vẻ đẹp và sứ mệnh riêng, cần được đặt vào những hoàn cảnh sao cho phù hợp văn hóa.