Anh Julian Rios Cantu (người Mexico) đã thiết kế được một loại áo lót cảm biến sinh học giúp phát hiện sớm bệnh ung thư vú ở phụ nữ.
Phát minh của chàng sinh viên 17 tuổi này đã giành chiến thắng trong cuộc thi toàn cầu dành cho các sinh viên khởi nghiệp (GSEA) tổ chức tại Đức với giải thưởng trị giá 20.000 USD.
Chiếc áo lót Eva gồm một mạng lưới với 200 bộ cảm biến sinh học nhỏ nên có khả năng lập một bản đồ bề mặt nhằm xác định độ dẫn nhiệt của từng vùng da người mặc.
Khi phát hiện nhiệt độ cao bất thường tại một vùng nào đó có nghĩa là ở đó đang chứa nhiều lưu lượng máu. Điều này cho thấy ở đó đang tồn tại một nhân tế bào được các mạch máu nuôi dưỡng và đó chính là tế bào ung thư.
Chàng trai này cho biết Eva giúp phụ nữ có thể tự kiểm tra để sớm phát hiện bệnh thông qua việc lấy và phân tích dữ liệu về nhiệt độ trên da, sau đó, thông tin này được gửi về một thiết bị hoặc máy tính bất kỳ. Để thực hiện tốt cho việc phân tích, người dùng nên sử dụng Eva từ 60-90 phút/tuần.
Nhờ hoạt động bằng những bộ cảm biến, Eva không gây đau đớn nhiều cho bệnh nhân như khi tiến hành quy trình chụp nhũ ảnh - một kỹ thuật chụp X quang đặc biệt dành cho tuyến vú thường được dùng trong hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú ở phụ nữ.