Tất cả những nội dung nói trên đang được giới chuyên môn, cơ quan dự thảo và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) quan tâm xem xét trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Báo PLVN đã trao đổi với TS.Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, một chuyên gia có gần 40 năm công tác trong lĩnh vực dầu khí để làm rõ thêm sự cấp thiết của việc sửa đổi luật này.
Nên phân cấp mạnh trong đầu tư
-Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, trữ lượng dầu khí ở Việt Nam?
Trữ lượng dầu khí của nước ta lớn. Nếu tính trữ lượng chúng ta đã đầu tư, phát hiện là khoảng 1,5 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó trữ lượng dầu và khí là tương đương nhau. Ngoài ra, chúng ta có cơ hội để phát hiện thêm lượng dầu khí có tổng trữ lượng không nhỏ hơn trữ lượng đã phát hiện, tức khoảng 1,5 tỷ tấn dầu quy đổi. Trong số này, khí chiếm 70-80%, dầu 20-30%.
Nói chung, tiềm năng dầu khí nước ta còn rất lớn, tiếp tục đóng góp lớn cho ngân sách. Riêng năm 2021, ngành Dầu khí đóng góp trực tiếp cho ngân sách hơn 112.000 tỷ đồng (tức gần 5 tỷ USD). Nếu làm tốt hơn, luật tạo điều kiện thuận lợi hơn thì ngành Dầu khí còn đóng góp lớn hơn cho ngân sách.
-Hiện nay, Bộ Công Thương đang dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Theo ông, luật mới cần thay đổi những gì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dầu khí phát triển?
Tôi cho rằng có mấy nội dung then chốt, cốt lõi cần phải sửa trong Luật Dầu khí mới. Thứ nhất, cần sửa đổi luật theo hướng thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhiều hơn. Luật hiện hành chưa đủ khung pháp lý hấp dẫn nhà đầu tư. Luật mới cần quy định thêm cơ chế chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Đồng thời, có các điều khoản linh hoạt, nhất là về cách tính thuế, tỷ lệ chia phần trăm.... Cần tăng lợi ích cho nhà đầu tư.
Chính vì chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư mà 5 năm qua, chúng ta chưa ký được 1 hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí/năm. Đây là điều rất đáng báo động. Trong khi đó, những dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí thì cứ thực hiện 3, 4 dự án thì mới có 1 dự án thành công.
Thứ hai, vấn đề đầu tư mới trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của PVN và đối tác đang gặp nhiều vướng mắc. Hiện nay, sản lượng khai thác dầu khí đang trên đà suy giảm, năm sau giảm hơn năm trước. Năm 2021, PVN khai thác vượt mức kế hoạch nhưng cũng chỉ được xấp xỉ gần 9 triệu tấn. Dự báo trong năm 2022 chỉ được khoảng hơn 7 triệu tấn. Sản lượng khai thác được dự báo sẽ còn giảm sâu trong những năm tới.
"Chúng tôi đề xuất, Thủ tướng chỉ phê duyệt những dự án phát triển mỏ có quy mô từ 3 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt dự án từ 1-3 tỷ USD, còn dưới 1 tỷ USD thì giao PVN quyết định", TS.Nguyễn Quốc Thập
Hiện nay, số lượng dầu khí đã phát hiện còn khoảng 200 triệu tấn dầu, một con số không nhỏ. Nhưng đặc điểm của 200 triệu tấn dầu thô này chủ yếu nằm ở các mỏ nhỏ, mỏ cận biên và ở những mỏ đang khai thác. Để khai thác được trữ lượng này, cần phải đầu tư công nghệ, gia tăng hệ số thu hồi, cần phải đầu tư thông minh.
Thế nhưng trong thời gian qua, do những vướng mắc về thủ tục, việc đầu tư để khai thác các mỏ mới gặp nhiều khó khăn. Trong suốt 5 năm qua, ngoài mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt thì không có một dự án nào của khâu thượng nguồn được đưa vào khai thác.
-Ông có thể cho biết, hiện thủ tục đầu tư đang vướng ở những khâu nào?
Do luật quy định chồng chéo mà thủ tục đầu tư gặp khó khăn. Cụ thể, năm 2014, Luật 69/2014/QH13 Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp của Quốc hội ra đời.
Luật này quy định, các dự án trên 2.300 tỷ đồng thì thẩm quyền phê duyệt là Thủ tướng chính phủ. Trong khi, Điều lệ của PVN cũng như các quy định khung mẫu tại các nghị định của Luật Doanh nghiệp thì quy định các doanh nghiệp được quyết các dự án đầu tư tới 50% vốn điều lệ. Ngoài ra, Luật Đầu tư thì cho rằng hoạt động đầu tư phải tuân theo luật chuyên ngành, tức Luật Dầu khí, mà Luật Dầu khí hiện hành lại chưa có điểm nào quy định về mức đầu tư.
Do đó, hiện nay khi PVN đầu tư các dự án trên 2.300 tỷ đồng thì gặp nhiều khó khăn, mà các dự án dầu khí đều là các dự án lớn. Thế nên, trong quá trình xem xét, đánh giá, thẩm định các dự án dầu khí, có tình trạng cứ đẩy lên đẩy xuống và cuối cùng không quyết được.
Luật Dầu khí mới cần quy định rằng, PVN được quyền quyết định các dự án đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí có tổng mức đầu tư tới 50% vốn điều lệ. Khi đó PVN sẽ sử dụng luật chuyên ngành đúng tinh thần mà Luật Đầu tư đã quy định, lúc bấy giờ sẽ giải quyết được các vướng mắc còn lại. Nếu dự án vượt mức 50% vốn điều lệ thì PVN phải có trách nhiệm báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Ngoài ra theo tôi, trong nghị định hướng dẫn Luật Dầu khí mới, cần tăng cường phân cấp - từ Thủ tướng, đến bộ và cấp tập đoàn. Chúng tôi đề xuất, Thủ tướng chỉ phê duyệt những dự án phát triển mỏ có quy mô từ 3 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt dự án từ 1-3 tỷ USD, còn dưới 1 tỷ USD thì giao PVN quyết định.
Hiện, PVN đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các dự án dầu khí trên 2.300 tỷ đồng |
Cần khẳng định địa vị pháp lý của PVN
-Trên thực tế, PVN đang là chủ thể quan trọng và thực chất trong các hoạt động dầu khí trong và ngoài nước. Thưa ông, trong luật mới nên xác định vị trí, vai trò của PVN như thế nào?
Luật Dầu khí năm 1993 quy định PVN là đơn vị thay mặt nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí, nhưng đến Luật Dầu khí năm 2008 và có hiện lực đến nay thì vai trò nước chủ nhà của PVN trong các hợp đồng dầu khí không còn được thể hiện trong luật nữa.
Trong dự thảo luật lần này, Bộ Công Thương vẫn giữ phương án như luật năm 2008, tức đại diện nước chủ nhà không còn được thể hiện trong luật.
Tại sao đây lại là vấn đề cần quan tâm? Như đã nói ở trên, các dự án dầu khí đa số thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng chính phủ, PVN chỉ là người được uỷ quyền để ký hợp đồng dầu khí.
Về nguyên tắc, nếu PVN chỉ là người được uỷ quyền ký thì sau khi hợp đồng được ký kết, khi xảy ra các vướng mắc về sau thì PVN không chủ động xử lý được mà phải trình Chính phủ. Trong khi quá trình thực hiện dự án, vướng mắc thường xuyên xảy ra, cần giải quyết sớm mà cứ phải trình lên Chính phủ. Điều này vừa mất thời gian, vừa khiến đối tác “nản”. Cũng do vậy, khi kiện cáo xảy ra thì phía bên kia kiện Chính phủ chứ không kiện PVN và phía Việt Nam muốn kiện họ thì cũng là Chính phủ đứng ra kiện chứ không phải PVN.
Có những vụ tranh chấp, đáng ra kiện PVN thì đối tác kiện Chính phủ, điều này có thể gây mất hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Quá trình làm ăn, nếu xảy ra tranh chấp thì để doanh nghiệp với doanh nghiệp làm việc với nhau sẽ thuận hơn.
Do đó, trong sửa đổi lần này, Luật cần khẳng định vai trò, vị trí pháp lý của PVN là đại diện nước chủ nhà như nhiều quốc gia khác đang làm. Điều này sẽ khiến đối tác yên tâm hơn, đồng thời tạo điều kiện để các bên dễ dàng thực hiện các dự án, xử lý các vướng mắc phát sinh.Nội dung này PVN đã có ý kiến góp ý, Hội Dầu khí Việt Nam cũng đã có ý kiến với Bộ Công thương.
Tôi cho rằng, Luật Dầu khí cần sửa đổi thêm một số nội dung khác nữa, nhưng những bất cập ở trên là mấu chốt, cốt lõi. Nếu sửa được những nội dung này, chắc chắn ngành Dầu khí sẽ phát triển tốt hơn, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của kinh tế đất nước.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét. Dự kiến, luật này sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và trình Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).