Trước đây, mô hình kinh tế tuyến tính đa phần được nhiều quốc gia sử dụng trong quá trình phát triển kinh tế, chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên để tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, gây ra nhiều hệ lụy như: tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, môi trường suy thoái do chất thải gia tăng, mất cân bằng hệ sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm… và còn vô vàn những hệ lụy từ quá trình phát triển kinh tế của con người.
Điển hình, hàng năm các trang trại nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đã thải ra hơn 10 tỷ mét khối nước thải có chứa chất hóa học nguy hiểm chưa qua xử lý; hơn 1.000 tấn thuốc trừ sâu và hơn 4.000 tấn thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất lúa… Ngoài ra chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại các địa phương cũng chiếm một lượng lớn đáng được thải ra môi trường.
Trong khi đó, mô hình kinh tế tuần hoàn hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích thiết thực hiệu quả hơn so với nền kinh tế tuyến tính cũ. Việc phát triển mô hình kinh tế mới chú trọng việc quản lý, tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên theo một vòng khép kín bằng nhiều hình thức tái chế và tái sử dụng.
Tối ưu hóa quan hệ mua bán, trước đây chỉ có quan hệ mua đứt, bán đoạn nhưng hiện nay đã được chuyển dịch từ bán hàng sang cung cấp dịch vụ. Người bán thu mua các sản phẩm từ rác thải đã bán ra để làm nguyên liệu phục vụ cho những lần sản xuất sau.
Mô hình kinh tế tuần hoàn đến nay đã được một số địa phương áp dụng có hiệu quả, đơn cử như việc tận dụng từ cây dừa, phân bò và nhà máy sản xuất giấy ở tỉnh Bến Tre. Theo đó, nếu như trước đây người dân chỉ sử dụng cơm dừa làm ra sản phẩm phục vụ cho phát triển kinh tế thì đến nay mọi bộ phận từ cây dừa đã được tận dụng tối đa.
Từ nước dừa được chế biến thành nước giải khát đóng hộp xuất khẩu sang nước ngoài. Đến sơ dừa được cải tiến thành than hoạt tính phục vụ cho sinh hoạt, các nhà máy công nghiệp và có tính năng bảo vệ môi trường.
Tái chế phân bón hữu cơ từ phân bò để sử dụng cho ngành nông nghiệp. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, trong hoạt động chăn nuôi bò cũng được triển khai tái tạo phân bò thành phân hữu cơ phục vụ cho công tác trồng trọt tại địa phương. Các chất thải từ nhà máy giấy được xử lý thành năng lượng với công suất đủ phục vụ cho quá trình vận hành của một nhà máy công nghiệp.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế tuần hoàn nếu được áp dụng trên toàn quốc nói chung và các tỉnh thành khu vực phía Nam nói riêng sẽ có nhiều khó khăn vướng mắc vì vẫn còn khá mới mẻ với nước ta, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Vậy Chính phủ sẽ phải “bắt mạch” được vấn đề để khuyến khích để doanh nghiệp và người dân chủ động tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn như thế nào? Các vấn đề liên quan trong mô hình kinh tế này như đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn, phát triển ngành tái chế, sử dụng sản phẩm thân thiện, sản phẩm xanh sẽ được triển khai ra sao? Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hoạt động của mô hình... Tất cả vẫn còn là một bài toán nan giải cần chú trọng trong thời gian tới.