Áp dụng vùng đỏ cho toàn Hải Phòng: Chủ động nâng lên một cấp để hạn chế lây lan dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong công bố mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng, toàn thành phố này trở thành vùng có nguy cơ rất cao về dịch COVID-19 (vùng đỏ) sau khi 131/218 xã, phường chuyển cấp độ 4.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng qua (9/1), trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, những ngày qua, TP ghi nhận dao động số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày từ 500 đến dưới 1.000. Trong khi TP có hơn 2 triệu dân, tỷ lệ phủ vaccine mũi 1 đạt hơn 100% (bao gồm người ngoại tỉnh), mũi 2 gần 100%, trẻ em 12-17 cũng đạt tỷ lệ như vậy.

Đến nay, TP có 19 ca tử vong. Những trường hợp này chưa tiêm vaccine, có bệnh nan y, bệnh nền và cao tuổi.

So với quy chuẩn chung, Hải Phòng chưa đến mức phải áp dụng vùng đỏ cho toàn TP. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã quyết định nâng lên một cấp để phòng, chống dịch.

Ông Nam lý giải Hải Phòng là địa phương có 5 hệ thống giao thông gồm: Cảng biển; cảng, tuyến đường sông; đường sắt; hàng không và đường bộ. Thứ hai, thủy thủ nước ngoài đến Hải Phòng nhiều, khi biến chủng Omicron đang diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, người tỉnh, thành khác về Hải Phòng lao động cũng rất nhiều. Hơn nữa, từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, có dấu hiệu một số người dân lơ là, chủ quan.

“Vì thế, khả năng lây, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn TP cảng biển lớn nhất cả nước là rất lớn. Chúng tôi có chỉ đạo nâng lên một cấp để hạn chế mức lây lan dịch bệnh”, ông Nam nói.

Về việc nâng thành vùng đỏ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân lúc Tết cận kề, lãnh đạo TP mong muốn người dân chấp hành và tuyệt đối không chủ quan, thực hiện tốt 5K.

Với những biện pháp mạnh như vậy, chính quyền Hải Phòng kỳ vọng số ca mắc sẽ thuyên giảm những ngày tới đây. “Từ đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh biện pháp để bà con kinh doanh, buôn bán nhưng lưu ý người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Không vì điều đó mà để dịch bùng phát”, ông Nam nhấn mạnh.

Về việc di chuyển của người dân về Hải Phòng ăn Tết khi TP siết chặt hoạt động, ông Nam xác nhận sẽ ảnh hưởng, song TP đã có giải pháp như những nơi còn vùng xanh (cấp độ 1) thì vẫn cho các bến xe hoạt động.

Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến việc người dân di chuyển từ vùng đỏ sang vùng xanh. Theo ông Nam, thực hiện Nghị quyết 128, TP không cấm người dân và chỉ tuyên truyền là chính.

“Khi số ca mắc giảm, chuyển biến tích cực, TP sẽ có những điều chỉnh nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt để người dân vui Tết, đón Xuân”, ông Nam cho biết.

Trước đó, sau khi CDC Hải Phòng công bố TP trở thành vùng đỏ, Sở GTVT có văn bản chỉ đạo tạm dừng nhiều hoạt động vận tải. Trong đó, Hải Phòng tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với vận tải khách tuyến cố định liên tỉnh tại Bến xe khách Thượng Lý và Bến xe khách Bắc Hải Phòng cho đến khi có thông báo mới.

Địa phương này cũng tạm dừng hoạt động vận tải khách tại Bến xe khách Vĩnh Niệm và Bến xe khách Đồ Sơn. Như vậy, hoạt động vận tải khách liên tỉnh tại những bến xe chính của Hải Phòng đều tạm dừng.

Theo công bố mới nhất của CDC Hải Phòng, địa phương này có thêm 4 quận, huyện, gồm: Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, Kiến Thụy thành vùng đỏ, nâng tổng số nhóm nguy cơ rất cao lên 10 địa bàn. Bốn huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão và Cát Hải thuộc vùng cam (cấp độ dịch 3).

Hải Phòng chỉ còn huyện đảo Bạch Long Vỹ - nơi cách đất liền khoảng 110km - vẫn duy trì được vùng xanh tuyệt đối, không có ca mắc COVID-19.

F0 nặng ở Hà Nội tăng

CDC Hà Nội tối 9/1 ghi nhận 2.811 ca COVID-19 trong 24 giờ trước đó; 429 ca nặng và nguy kịch. Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ghi nhận đến ngày 8/1 Hà Nội có 429 ca nặng và nguy kịch, tăng 16,4% so với trung bình một tuần trước. Trong đó, 380 ca thở oxy qua gọng kính, tăng 26,2%. 9 ca thở máy dòng cao (HFNC), thở máy không xâm lấn 7, thở máy xâm lấn 30 ca, giảm lần lượt 62%, 35,5% và 3,7% so với trung bình một tuần trước. Ba bệnh nhân đang lọc máu, không có trường hợp nào phải can thiệp ECMO.

Nửa tháng qua, Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới trong ngày. Các giải pháp chống dịch của TP là tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc kịp thời và quản lý chặt F0 tại nhà, hạn chế tối đa chuyển tầng điều trị. TP tăng cường điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, giảm tải cho y tế tuyến trên để các BV tập trung cứu chữa người có triệu chứng trung bình nặng và nguy kịch. Về giảm tử vong, mấu chốt là phân tầng đúng người bệnh để chuyển tuyến điều trị kịp thời.

Đọc thêm