Sau khi Bộ Tài chính kết luận trong năm 2013 và năm tháng đầu năm 2014, 5 công ty (chiếm 90% thị phần trong nước) đều tăng giá bán sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi, mức tăng thấp nhất là 2,4%, cao nhất là 30,668%, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận đề xuất của Bộ Tài chính về việc bắt buộc doanh nghiệp (DN) đăng ký và áp giá bán tối đa trong thời gian lần lượt là 6 và 12 tháng đối với các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi. Theo Bộ trưởng, sau khi áp trần, giá bán mỗi hộp sữa có thể giảm 50.000-70.000 đồng, và điều này rất có ý nghĩa khi Việt Nam hiện có 10 triệu trẻ em dưới sáu tuổi.
Áp trần giá sữa sẽ khó…
Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào đặc tính và giá trị sử dụng của mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi; điều kiện cụ thể về sản xuất, kinh doanh, thị trường, lưu thông hàng hóa… để lựa chọn phương pháp định giá phù hợp. Theo đó, sẽ có hai phương pháp định giá để lựa chọn, gồm phương pháp so sánh và phương pháp chi phí.
Đối với sữa sản xuất trong nước, giá trần được tính theo công thức giá thành toàn bộ + lợi nhuận dự kiến + thuế GTGT và các loại thuế khác (nếu có). Đối với sữa nhập khẩu, công thức tính giá là giá vốn nhập khẩu + chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN, chi phí tài chính (nếu có) + lợi nhuận dự kiến + thuế GTGT và thuế khác (nếu có).
Tuy nhiên, bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng, khó có thể kiểm soát được giá của mặt hàng sữa thông qua giải pháp quy định giá trần. Theo ông Ánh, quản lý mặt hàng sữa bằng biện pháp quy định giá trần là rất khó vì cách tổ chức của thị trường sữa hoàn toàn khác và sản phẩm cũng rất đa dạng.
Thực tế, thị trường sữa hiện nay đang cạnh tranh rất khốc liệt với hàng trăm dòng sản phẩm khác nhau. Riêng các công ty lớn chiếm trên 50%, chưa kể hàng trăm tổng đại lý. Hơn nữa, 70% thị trường sữa vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập nước ngoài mà từ nguyên liệu sữa bột nhập khẩu đến sản phẩm sữa cuối cùng bán trên thị trường đã có tính chất rất khác nhau.
“Chỉ cần thêm, bớt thành phần là tính chất sữa thay đổi, kéo theo sự thay đổi về giá. Do đó, lấy sản phẩm của DN này so sánh với DN kia đã là rất khó khăn. Không hiểu cơ quan quản lý sẽ áp trần như thế nào” – ông Vũ Đình Ánh nói – “Còn nếu tính theo phương pháp chi phí, theo các chuyên gia, chỉ có DN trực tiếp nhập khẩu hoặc sản xuất mới biết chi phí thực”.
…Nhưng chắc chắn khả thi vì điều kiện “chín muồi”
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Bộ này đã tổng hợp, khẳng định thông tin, số liệu mới nhất làm cơ sở để xác định giá bán tối đa. Các xác định này được thực hiện đối với một số sản phẩm chuẩn, từ đó hình thành phương pháp xác định giá tối đa đối với các sản phẩm còn lại. Tiếp đó, Bộ Tài chính sẽ ban hành quyết định công bố giá bán tối đa và thực hiện việc đăng ký giá đối với sản phẩm.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) – nhận định, biện pháp bình ổn giá sữa lần này là khả thi “trước hết ở chỗ đã được tính toán, cân nhắc kỹ trên phương diện có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện”, phù hợp với Luật Giá và các cam kết quốc tế.
“Tính khả thi của biện pháp bình ổn giá này còn thể hiện ở tính thời điểm áp dụng. Hiện nay, với thực tế giá sữa và quản lý nhà nước về giá sữa, Bộ Tài chính cho rằng đã đến thời điểm chín muồi cho việc Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá mức cao đối với sản phẩm sữa. Kết quả thanh tra đối với năm DN vừa qua cho thấy DN còn có nhiều khả năng, dư địa để vừa tiết giảm chi phí, vừa duy trì lợi nhuận hợp lý để góp phần bình ổn giá sản phẩm này, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của DN. Đây cũng là biện pháp thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới” – ông Nghĩa nói.
Về phía người tiêu dùng, với việc giá sữa được bình ổn sẽ tạo được lòng tin với vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với thị trường. Chắc chắn là với các biện pháp quản lý tốt, người tiêu dùng sẽ được bảo đảm giá sữa thấp hơn hiện nay, ổn định trong thời gian áp trần giá sữa.