Áp lực giao thông những ngày cuối năm

(PLVN) - Hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình giao thông của Thủ đô diễn biến phức tạp, đâu đâu cũng là “điểm nóng” ùn tắc.
Một số tuyến đường ken đặc xe vào những ngày cuối năm. (Ảnh: PV)

Nỗi ám ảnh ùn tắc

Những ngày gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra hết sức nghiêm trọng ở nhiều thành phố, đô thị lớn. Hà Nội cũng không ngoại lệ, giao thông diễn biến phức tạp với dòng người và xe chen chúc trên các tuyến phố lớn nhỏ bất kể ban ngày hay ban đêm, cao điểm hay thấp điểm. Đặc biệt, tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, sau khi Sở Giao thông vận tải Hà Nội thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông từ ngày 18/1, tình trạng ùn tắc càng trở nên “căng thẳng”.

Hơn một tuần qua, chị T.Vân (28 tuổi, Hà Nội) buộc phải rời nhà sớm hơn 30 phút mỗi sáng để kịp đến cơ quan do tình trạng tắc đường nghiêm trọng. “Tuyến đường đi làm hàng ngày quá tải, xe cộ nối đuôi nhau di chuyển vô cùng vất vả. Có hôm tôi mất gần một tiếng đồng hồ chỉ để vượt qua quãng đường chưa đến 5km từ nhà đến cơ quan. Không chỉ riêng tôi, nhiều đồng nghiệp cũng phải xuất phát sớm hơn thông thường rất nhiều để tránh bị muộn giờ làm vì tắc đường”, chị T.Vân chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số nút giao thông là “điểm nóng” ùn tắc như Ngã Tư Sở, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Giảng Võ, Mai Dịch,… luôn trong tình trạng ken đặc người và xe. Không chỉ các tuyến đường lớn, mà ngay cả những con ngõ nhỏ hay đường nhánh, vốn được nhiều người sử dụng để “né tắc”, cũng không thoát khỏi cảnh chen chúc. Nếu trước đây, tình trạng ùn tắc giao thông chủ yếu xảy ra trong khung giờ cao điểm từ 7 - 9h sáng và 17 - 20h tối, nhưng hiện tại cảnh tắc đường kéo dài liên tục cả ngày, khiến người dân gần như không còn khái niệm giờ cao điểm hay thấp điểm, bởi lúc nào đường cũng... tắc.

Vì sao cứ “đến hẹn lại lên”?

Một số chuyên gia cho biết, trên thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh tồn tại từ nhiều năm nay, trước khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP được ban hành. Nguyên nhân chính vẫn đến từ cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tế. Hệ thống đường sá tại hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM đã quá tải, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Trong khi, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khiến nhiều người vẫn phải lựa chọn phương tiện cá nhân, gây áp lực lên hệ thống đường sá.

Chưa kể, cứ mỗi dịp cuối năm, tắc đường là câu chuyện “đến hẹn lại lên”. Vào thời điểm này, nhu cầu di chuyển, mua sắm và chuẩn bị cho Tết của người dân tăng cao, khiến mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt xa so với mức bình thường. Hơn nữa, với lượng hàng hóa mua sắm tăng đột biến vào dịp Tết, nhiều người chọn di chuyển bằng ô tô, càng làm cho tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này gây áp lực trực tiếp lên hệ thống hạ tầng giao thông, vốn đã không theo kịp sự phát triển của phương tiện. Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội, áp lực ùn tắc trên các tuyến đường Hà Nội rất lớn, nhất là dịp cuối năm, các tuyến trọng điểm đều có lưu lượng xe vượt thiết kế gấp 6 - 8 lần.

Như vậy, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng không phải do Nghị định 168/2024/NĐ-CP như nhiều ý kiến quy chụp. Nếu so với trước đây, điểm khác biệt rõ rệt khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP được áp dụng chính là sự thay đổi trong ý thức của người dân. Những năm trước, vào dịp cuối năm, tình trạng ùn tắc giao thông thường đi kèm với hàng loạt vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, khiến áp lực giao thông càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, năm nay, nhờ có Nghị định 168/2024/NĐ-CP, các hành vi vi phạm này đã gần như không còn xuất hiện.

Thực tế, việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông không phải là điều dễ dàng. Ngoài việc tổ chức phân luồng giao thông hợp lý và nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị để phù hợp với các quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông, còn cần sự nỗ lực và quyết tâm từ các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, để đạt được hiệu quả cao, sự hợp tác từ phía người dân trong việc tuân thủ các quy định là yếu tố then chốt và Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính là “chìa khoá” quan trọng sẽ giúp thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trong giao thông của người dân.

Đọc thêm