Áp lực học hành tại các nước Âu Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Áp lực học hành không chỉ là thách thức của riêng nền giáo dục Việt Nam, ngay cả trong những nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, ngày càng nhiều học sinh, sinh viên đang phải đối mặt với áp lực, căng thẳng gia tăng và sự quá tải kỳ vọng.
Ngày càng nhiều sinh viên Mỹ cần hỗ trợ tâm lý.
Ngày càng nhiều sinh viên Mỹ cần hỗ trợ tâm lý.

Áp lực học hành nặng nề hơn sau đại dịch

Một nghiên cứu gần đây của Trường Y khoa Rutgers New Jersey (Mỹ) đã chỉ ra áp lực học tập ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của sinh viên đại học, đặc biệt là nhóm sinh viên nữ, nhóm sinh viên LGBT và nhóm sinh viên năm 2 đại học. Áp lực này thậm chí trở nền trầm trọng hơn sau đại dịch COVID-19, khiến ngày càng nhiều sinh viên đối mặt với nguy cơ bệnh trầm cảm hoặc hội chứng lo âu xã hội.

Giáo sư thần kinh học Xue Ming, tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Căng thẳng học tập và lo lắng liên quan đến đại dịch ảnh hưởng đến các nhóm sinh viên đại học theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, có những nhóm sinh viên bị ảnh hưởng nhiều hơn và cần đến sự hỗ trợ tâm lý để cải thiện sức khoẻ tâm thần của họ”.

Đáng nói, theo khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), có tới 87% sinh viên đại học tại Mỹ coi giáo dục là nguồn căng thẳng chính trong cuộc sống của họ. Cụ thể, đó là những kỳ vọng, yêu cầu trong quá trình học tập, quản lý thời gian, sự cạnh tranh tại trường lớp, lo lắng về tài chính, áp lực gia đình và nỗi lo âu khó thích nghi với môi trường mới. Dù vẫn còn ít nhưng đã có một số nghiên cứu tâm lý học, bao gồm cả nghiên cứu nói trên của Giáo sư Xue Ming đã chỉ ra những nguồn căng thẳng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ tâm thần của sinh viên như thế nào.

Theo đó, các nhà nghiên cứu khuyến nghị các trường cao đẳng, đại học xây dựng và triển khai các chiến lược ứng phó và quản lý căng thẳng cho từng nhóm sinh viên khác nhau nhằm cung cấp sự hỗ trợ kịp thời, cần thiết, tăng khả năng phục hồi cho sinh viên, cải thiện chất lượng học hành. Một trong những giải pháp để nâng cao nhận thức và định hướng sức khỏe tâm thần, các trường đại học có thể thực hiện các bài đánh giá sức khoẻ tâm thần trong các lớp học và dạy sinh viên cách tự theo dõi tình trạng căng thẳng và tinh thần của mình để kịp thời tìm đến sự hỗ trợ khi cần.

Những vấn đề tương tự cũng được đặt ra trong nền giáo dục tại Anh về áp lực học tập gia tăng, theo tờ Guardian (Anh). Theo một nghiên cứu gần đây của một nhóm các chuyên gia giáo dục và y tế được công bố trên tạp chí khoa học của Hiệp hội Y học Hoàng gia Anh, tỷ lệ mắc bệnh tâm thần ở người dưới 18 tuổi đã tăng gấp rưỡi trong ba năm qua, áp lực học tập được xem là một trong những áp lực chính gây ra hiện tượng này. Điều đáng nói là trong khi sức khỏe tâm thần của nhiều trẻ em và thanh, thiếu niên ở Anh đang ngày càng tồi tệ hơn, các dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho họ vẫn còn rất hạn chế. Chỉ 1/4 trong số 500.000 trẻ em và thanh thiếu niên được giới thiệu đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên của Anh và nhận được sự giúp đỡ kéo dài, trong đó cũng có nhiều học sinh bị từ chối chăm sóc bởi các triệu chứng “chưa đủ trầm trọng”.

Theo các cuộc khảo sát tâm lý, phần lớn học sinh khi gặp các vấn đề học tập, họ thường tìm kiếm sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ từ các giáo viên đầu tiên thường xuyên hơn là tìm đến gia đình. Cùng với các bác sĩ tâm lý và nhân viên xã hội, giáo viên cũng được coi là một phần của hệ thống hỗ trợ tâm lý học đường. Tuy nhiên, phần lớn các giáo viên ở trường học tại Anh hiện không được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng để giúp học sinh ứng phó và vượt qua những áp lực tâm lý, trong đó phổ biến nhất là áp lực học tập.

Học sinh Anh đối mặt với trầm cảm bởi áp lực học tập.

Học sinh Anh đối mặt với trầm cảm bởi áp lực học tập.

Theo một báo cáo của Chính phủ Anh năm 2016, chỉ có 40% giáo viên cấp 1 cảm thấy đã được trang bị để hỗ trợ trẻ em khi có vấn đề về tâm thần và cũng chỉ có 32% giáo viên cấp 1 biết tổ chức nào bên ngoài trường học có thể hỗ trợ tâm lý cho học sinh.

TS. Mary Bousted, Tổng Thư ký của Tổ chức Công đoàn giáo dục quốc gia đã nhấn mạnh đây là một vấn đề của nền giáo dục Anh khi rất nhiều trẻ em, thanh niên không được hỗ trợ vượt qua các áp lực học đường và cuộc sống, vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nay. Trong khi đó, các vấn đề sức khoẻ tâm thần của học sinh đang ngày càng trầm trọng và phức tạp hơn qua các năm.

Đối mặt với áp lực học đường

Nhà tâm lý học Kat McGrady tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho hay, sau những năm đại dịch, áp lực học đường đã có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, việc giải quyết các áp lực học hành thường tập trung vào các giải pháp sắp xếp thời gian, lập kế hoạch thì nay, những vấn đề mới sau đại dịch là học sinh, sinh viên phải học cách ứng phó với sự vắng mặt của các thành viên (đơn cử: thiếu giáo viên), khoảng cách trong trường học, nỗi lo lắng khi hoà nhập trở lại với xã hội, sự mất kết nối với các kỹ năng xã hội – tình cảm, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tâm lý ngày càng trầm trọng của rất nhiều trẻ em.

Bên cạnh đó, còn có những căng thẳng xã hội khác có thể làm gia tăng lên áp lực học tập như chi phí gia tăng, các giao thức an toàn trong trường học trước những mối nguy hiểm từ xã hội,… Sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội có thể thúc đẩy sự so sánh không đồng đều giữa các đồng nghiệp, bạn bè cùng lớp, cùng trường, làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh tâm thần.

Theo bà McGrady, việc công nhận và nhận thức được mức độ căng thẳng của trẻ em sẽ góp phần giúp xác định kế hoạch để giảm bớt áp lực học đường, ngăn ngừa ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của trẻ em.

Mặt khác, theo các chuyên gia, sự phối hợp, tham gia của các bên như: Gia đình, xã hội, y tế và giáo dục trong các chương trình về sức khỏe tâm thần cho thanh, thiếu niên là vô cùng cần thiết. Đây là hành động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên cách chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như dạy cho họ cách hỗ trợ bạn bè cùng trang lứa...

Đơn cử, tại Phần Lan – quốc gia có hệ thống giáo dục đứng top đầu của châu Âu trong suốt nhiều năm qua, luôn nổi tiếng với mô hình giáo dục không áp lực. Người dân Phần Lan dù công nhận trường học sẽ là nơi giúp trẻ em thành công trong học tập, nhưng họ cũng cho rằng những năm đầu đời của trẻ cũng có vai trò quan trọng không kém trong việc thúc đẩy quá trình học tập tốt từ giai đoạn sớm hơn.

Nền giáo dục không áp lực tại Phần Lan khiến học sinh bớt căng thẳng hơn.

Nền giáo dục không áp lực tại Phần Lan khiến học sinh bớt căng thẳng hơn.

Những yếu tố khiến phụ huynh lo lắng nhất như: con cái có được vào “trường tốt” không, có nằm trong top đầu hay đạt được điểm SATS cao hay không, hầu như không có ở Phần Lan. Sự khác biệt về kết quả giáo dục giữa các trường tại các khu vực là tương đối nhỏ, vì thế phụ huynh hiếm khi gửi con cái đi học ở những trường nằm xa nhà. Với phương pháp tiếp cận chú trọng chất lượng hơn số lượng, học sinh tại Phần Lan có giờ học ngắn hơn và bài tập về nhà cũng ít hơn. Việc dạy thêm và học thêm rất ít khi xảy ra. Chính vì thế, trẻ em Phần Lan nhìn chung hạnh phúc và ít căng thẳng hơn so với các trẻ em ở những quốc gia khác.

Hơn nữa, nền giáo dục Phần Lan trao quyền nhiều hơn cho giáo viên và học sinh để thiết kế việc học và dạy. Giáo viên được trả lương cao, được đào tạo bài bản, sau khi hoàn thành khóa đào tạo chuyên viên trong 5 năm. Có rất ít giáo viên và học sinh trong các trường học ở Phần Lan và học sinh thường gắn bó cùng một giáo viên trong thời gian tối đa 6 năm. Với thời gian gắn bó lâu như vậy, một giáo viên có thể xác định được nhu cầu riêng của mỗi học sinh và lập thời khóa biểu cũng như quan tâm giúp các em đạt được mục tiêu. Điều này giúp giáo viên có thể đảm nhận vai trò của một người cố vấn, thậm chí là một thành viên trong gia đình, giúp xây dựng sự tin tưởng, gắn kết và tôn trọng lẫn nhau giữa cả hai phía.

Đọc thêm