Áp lực nuôi con người Việt Nam đang giảm tỷ lệ sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nuôi con ngày nay đã trở thành vấn đề không đơn giản của các cặp vợ chồng, bởi hàng loạt chi phí và nhiều khoản đầu tư lớn nhỏ cho con. Điều này cũng trở thành một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh con giảm, kéo theo nhiều hệ lụy trong những năm gần đây.
Gánh nặng chi phí nuôi con khiến một số người trẻ “ngại sinh”. (Ảnh minh họa - Nguồn: Eva.vn)
Gánh nặng chi phí nuôi con khiến một số người trẻ “ngại sinh”. (Ảnh minh họa - Nguồn: Eva.vn)

Nỗi lo nuôi con ngày càng “khó”

Theo Tổng cục Dân số, mức sinh thay thế trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là 2,1 con. Nhưng năm 2022, tỉ lệ sinh giảm mạnh - còn 2,01 con/mẹ. Đây là mức giảm thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Theo thống kê, nguyên nhân lớn dẫn đến tỉ lệ sinh giảm là sự e ngại sinh con của một bộ phận người trẻ và chi phí, gánh nặng quá lớn cho việc nuôi con trong xã hội ngày nay chính là một trong những lý do cho việc “ngại sinh”.

Kết hôn đã 3 năm, nhưng anh Ng. Hải. B. (30 tuổi) và chị Phan Thị Thu H. (28 tuổi), cùng ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có ý định sinh con. Chị H. chia sẻ: “Mức lương của cả hai vợ chồng cộng lại là gần 30 triệu. Chi phí cho việc thuê nhà, sinh hoạt hết gần 20 triệu. Tiền dự phòng hai vợ chồng cũng không có nhiều. Trong khi đó, sinh con ra còn rất nhiều vấn đề, ngoài chi phí nuôi con ngày nay quá lớn, còn phải gián đoạn công việc của tôi một thời gian vì con nhỏ không ai chăm, như vậy tài chính gia đình sẽ rơi vào khó khăn, không kham nổi, không bảo đảm cho con điều kiện tốt nhất. Vì thế, chúng tôi dự định 3 - 5 năm nữa, mức thu nhập tăng, sự nghiệp ổn định, có thể mua nhà thì mới sinh con”.

Thậm chí, hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ còn có tư tưởng “không sinh con” dành thời gian cho nhau, dành tiền bạc để du lịch, hưởng thụ cuộc sống thay vì sinh ra và vất vả mưu sinh để lo cho con cái.

Có thể thấy, chi phí tiêu tốn cho một đứa trẻ bao gồm nhiều khoản: Giai đoạn sơ sinh là sữa, tã, khám bệnh, công chăm sóc, quần áo... Giai đoạn trưởng thành thì giáo dục, bảo hiểm y tế, sinh hoạt phí, việc học thêm và bồi dưỡng kĩ năng ngoài, các dụng cụ, thiết bị điện tử, giải trí... Giai đoạn tiếp theo là chi phí sau trung học như học nghề hoặc cao đẳng, đại học, thậm chí du học… Một thống kê sơ bộ năm 2020 cho thấy, tại Việt Nam, trung bình nuôi một đứa con từ lúc mới sinh ra cho đến khi có thể lao động tự kiếm sống, chi phí dao động từ vài trăm triệu đến hàng tỉ, vài tỉ đồng.

Cạnh đó, việc nuôi con cũng còn nhiều áp lực khác như làm sao để nuôi dạy con cho tốt, dành thời gian để chăm sóc thể chất, tinh thần cho con…

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Ngọc Đảnh - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, một trong 21 tỉnh, thành có tỉ lệ sinh thấp nhất cả nước cho biết tỉ lệ sinh ở Cần Thơ hiện nay ở mức 1,68 con/mẹ là rất thấp (năm 2016 là 2,01 con/mẹ), trong khi chủ trương hiện nay là khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Theo bà Đảnh, ngày nay nhiều người trẻ chọn lối sống độc thân hoặc chậm kết hôn. Khi kết hôn thì tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn cũng tăng. Kể cả khi đã kết hôn, nhiều gia đình cũng ngại sinh con, chỉ sinh một con do lo ngại chi phí nuôi dưỡng... Đây là những thách thức với những cán bộ làm công tác dân số trong thời kỳ hiện nay.

Thách thức cho công tác dân số

Hiện nay, hai nước đứng đầu trong danh sách nhóm nước có chi phí nuôi con cao nhất thế giới là hai nước châu Á: Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dân số YuWa (Trung Quốc), chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc cao gấp 6,9 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người. Còn tại Hàn Quốc, chi phí nuôi con cao hơn so với GDP bình quân đầu người 7,79 lần.

Chi phí nuôi con cao đã tạo ra nhiều hệ lụy. Như Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học gây ra do tỷ lệ sinh thấp. Còn Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Năm ngoái, số trẻ sơ sinh trung bình một phụ nữ sinh ra ở nước này đã giảm xuống 0,78, tức nhiều phụ nữ không sẵn sàng sinh con.

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Quốc gia dân số và phát triển, từ nghiên cứu mô hình dân số ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra một số vấn đề ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng dân số: Chi phí sinh hoạt, nuôi con tăng quá cao so với thu nhập của người lao động cùng với nhiều nguyên nhân khác. GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh nhận định, nhiều người trẻ ở Việt Nam có suy nghĩ, trong điều kiện hiện nay, việc kết hôn và sinh con là bất tiện, gây phiền hà và không cần thiết, vì vậy rất cần xây dựng thông điệp, bộ tài liệu truyền thông về chính sách dân số và phát triển trong tình hình hiện nay.

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, để giải quyết các thách thức của công tác dân số và phát triển cần có cách tiếp cận bao trùm chính sách về kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, giáo dục… hướng đến sự hài hoà, hợp lý của quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số giữa các vùng, miền trên cả nước.

Có thể thấy, việc giải quyết vấn đề tỉ lệ sinh con thấp cần đến sự thay đổi nhiều mặt trong xã hội. Đó không chỉ là việc nâng cao nhận thức, vận động người thân thay đổi quan điểm, mà phải làm sao để nâng cao chất lượng sống, hỗ trợ về y tế, giáo dục, khiến áp lực sinh và nuôi con giảm nhẹ. Có như thế mới giúp người dân cởi bỏ tâm lý “ngại sinh”, chống lại sự già hoá dân số.

Đọc thêm