Áp lực triển khai chương trình phổ thông mới

(PLVN) - Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai cuốn chiếu theo từng lớp. Theo đó, từ năm học 2020-2021 sẽ áp dụng với lớp 1 trên toàn quốc. Năm học 2019-2020 được cho là thời điểm quan trọng trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình này.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Theo kế hoạch, năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1. Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12. Như vậy, các trường học cả nước chỉ còn một năm học 2019-2020 để bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới. 

TS. Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, toàn quốc hiện có khoảng 400.000 giáo viên tiểu học, tỷ lệ giáo viên trên lớp bình quân cả nước đạt 1,42. Trong đó, số giáo viên chưa vào biên chế chiếm 15%, rơi vào nhóm dạy môn chuyên như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật. Điều này đặt ra thách thức cho công tác điều động giáo viên môn chuyên tham gia tập huấn chương trình phổ thông mới. Bởi tại một số huyện, việc điều động sẽ không bao gồm giáo viên chưa vào biên chế.

Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn giáo viên cũng khá bức thiết khi nhiều nơi thiếu trầm trọng giáo viên các môn trước đây đang là tự chọn thì tới đây là bắt buộc như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…  Sĩ số lớp học ở các thành phố lớn vẫn là thực trạng chưa giải quyết được và chắc chắn sẽ là trở ngại cho việc áp dụng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đọc thêm