Nghề trồng nấm mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân tại ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Cây nấm được bà con ấp Bàu Cối đưa vào nuôi trồng từ năm 1994. Giai đoạn đó ở vùng đất này cây trồng chủ yếu là tiêu, điều và hoa màu. Lúc đầu chỉ có khoảng vài hộ tiên phong trồng nấm, nhưng sau vài năm, nhiều nhà nhận thấy hiệu quả kinh tế, đã chuyển đổi sang trồng nấm mèo, bào ngư, sò, linh chi… nhiều nhất là nấm mèo. Trong suốt quá trình từ lúc bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch, bà con không sử dụng bất kì một loại hóa chất nào, nấm thương phẩm hoàn toàn sạch.
Ông Phạm Văn Hòa, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi trồng nấm mèo ấp Bàu Cối, cho biết: “Thời điểm mới đưa cây nấm về địa phương, chỉ có vài hộ với hơn chục trại nấm. Shỉ sau 20 năm, trên địa bàn ấp Bàu Cối đã có hơn 130 hộ trồng nấm với khoảng 650 trại, trung bình mỗi hộ có 5 trại, hiện cây nấm đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân địa phương”.
Đây là giống cây dễ trồng trong thời tiết của địa phương, một năm có thể trồng ba vụ, chi phí đầu tư không nhiều, trung bình mỗi trại nấm diện tích khoảng 130m2, một trại như vậy có thể trồng được 10 ngàn bịch phôi (giá thể để phôi nấm phát triển), có thể trồng xen giữa những loại cây chủ lực cũ như tiêu, điều…
Ông Hòa cho hay, trước đây, để trồng được nấm phải trải qua rất nhiều giai đoạn, từ chuẩn bị mùn cưa để làm giá thể phải lựa chọn sàng lọc kỹ càng, tới các công đoạn như pha trộn vôi để tăng độ PH, trộn cám bắp cám gạo tăng dinh dưỡng mới đóng bịch. Chưa hết, các bịch còn phải được hấp ở nhiệt độ 100 độ C trong suốt bốn tiếng. Sau khi bịch được ủ, để nguội ở nhiệt độ bình thường mới cấy con giống, cấy phôi. Tiếp đến là khâu ủ cho phôi mọc thành mầm sống. Đến lúc đó mới treo bịch lên thành từng hàng. Tùy theo từng loại nấm, chỉ riêng những công đoạn trên đã mất cả tháng trời.
Hiện để tiết kiệm thời gian, nhiều hộ kinh doanh đã tiến hành trọn gói tất cả các khâu trên, bà con chỉ việc mua bịch về treo lên chăm sóc là được. Đây cũng là một cách tiết kiệm thời gian cho người trồng nấm.
Để cây nấm đạt sản lượng tốt, yếu tố thời tiết chiếm 50% quan trọng, con giống chỉ chiếm khoảng 30%, cuối cùng là chuồng trại và kĩ thuật chiếm 20%. Ngoài ra, giá cả thị trường bấp bênh và thương lái ép giá cũng là hai yếu tố khiến người trồng nấm “đau đầu”.
Ông Nguyễn Trí Hùng cho biết: “Gia đình tôi trước đây chủ yếu sinh sống bằng cây tiêu và chăn nuôi, thu nhập chỉ đủ ăn. Đến khi mở trại nấm, điều kiện kinh tế khấm khá hơn nhiều, hiện tôi có sáu trại với hơn 60 ngàn bịch phôi nấm các loại. Mỗi vụ thu hoạch trung bình 4,5 tạ/ trại, nếu giá ổn định 70 ngàn đồng/kg thì có lời. Sau khi trừ đi các chi phí, tôi thu khoảng 150 triệu đồng/năm”
Bà Nguyễn Thị Uyên Quyên, Phó Chủ tịch xã Bảo Quang trăn trở: “Trước đây đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng nấm, như cho vay vốn không lãi suất, vay tiền mua phôi giống đến khi thu hoạch rồi trả… nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là vấn đề giá cả và đầu ra của sản phẩm”.
“Điểm đáng mừng là vừa rồi, ấp Bàu Cối được công nhận là làng nghề trồng nấm. Trước mắt, phía chính quyền đã hướng dẫn bà con nuôi trồng theo quy trình nấm sạch, vừa tạo dựng thương hiệu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, sau đó giúp người dân xác lập thương hiệu chủ sở hữu với nấm mèo sạch của huyện Long Khánh. Sau đó chúng tôi sẽ thành lập Hợp tác xã để hướng đầu ra cho sản phẩm nấm địa phương, giúp đời sống bà con ổn định hơn, có thể chú tâm vào sản xuất”, bà Quyên chia sẻ.
|
Nụ cười của ông Danh Trình trong trại nấm vừa lên kệ |
Nghề trồng nấm cũng có thể gặp rủi ro, như trường hợp của ông Danh Trình (ấp Bàu Cối). Ông cho biết: “Gia đình tôi vốn có 5 trại nấm, năm 2018, bệnh trứng trên nấm khiến cả một trại gồm 15 ngàn bịch phôi chết sạch, thiệt hại lên tới hàng chục triệu đồng”.
Ông Trình cho biết thêm: “Vì những bịch thải có thể tái sử dụng nên một số hộ chấp nhận trồng để huề vốn khi bán nấm, và họ sẽ “gỡ gạc” lại bằng tiền bán bịch thải, giá khoảng 40-50 ngàn đồng/bịch”.