Quang cảnh Hội nghị. |
Xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: “Hội nghị là dịp để chúng tôi đánh giá lại việc tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng các sản phẩm nông, thủy sản; đồng thời tìm kiếm những giải pháp phối hợp xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Sau Hội nghị này, lãnh đạo tỉnh cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và đối tác dễ dàng tiếp cận, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản chất lượng cao, cùng các sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, thân thiện môi trường, dồi dào về số lượng, ổn định về giá cả.
Từ đó tạo nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp và đối tác mở rộng thị trường, nâng cao hình ảnh, vị thế thương hiệu, đạt được lợi nhuận bền vững và phát triển trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay”.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu khai mạc Hội nghị. |
“Các doanh nghiệp là nhà nhập khẩu, nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước hỗ trợ kết nối, tư vấn để doanh nghiệp Cà Mau hoàn thiện sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng cũng như nhu cầu và thị hiếu của thị trường; phương thức mua/bán, các điều kiện phải đảm bảo trong quá trình hợp tác kinh doanh.
Để cùng nhau chia sẻ và có tiếng nói chung, tỉnh Cà Mau hy vọng các bên sẽ tích cực tìm kiếm, kết nối trực tiếp, trao đổi rõ hơn về các sản phẩm hàng hóa của tỉnh trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mong muốn.
Đồng hành cùng Cà Mau để doanh nghiệp phát triển
Phát biểu tại chương trình, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá: “Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau, là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh nông, thủy sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau khám phá tiềm năng và dư địa của các nước trên thế giới, đồng thời nắm bắt thông tin về các tiêu chuẩn, quy định thị trường. Từ đó tìm ra giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được tiếp cận, đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh, trong đó có sự phát triển của hệ thống logistics tại địa phương bao gồm các dịch vụ vận tải, kho bãi và các giải pháp hỗ trợ khác...".
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu chào mừng Hội nghị. |
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh Cà Mau và các doanh nghiệp của tỉnh trong công tác triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có thế mạnh của Cà Mau, cũng như tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế; Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững và lâu dài cho chuỗi cung ứng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Thương vụ các nước tại Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại các nước; các doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận và kết nối trực tiếp cũng như trực tuyến, Hội nghị lần này không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu, môi trường đầu tư tỉnh Cà Mau, mà còn là tiền đề để thúc đẩy giao thương, kết nối và thiết lập các mối quan hệ đối tác lâu dài. Đồng thời, củng cố và mở rộng chuỗi cung ứng hiện tại, xây dựng các chuỗi cung ứng mới theo hướng bền vững hơn, góp phần đưa các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, các hoạt động kết nối trực tiếp tại Hội nghị còn giúp các doanh nghiệp, đối tác và nhà phân phối hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất, giá trị sản phẩm của Cà Mau; giúp các doanh nghiệp Cà Mau nắm bắt kịp thời các thông tin, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng mới, từ đó tạo cơ hội cho các bên hợp tác kinh doanh và trở thành các đối tác chiến lược trong tương lai.
Đại diện lãnh đạo Thương vụ các nước tại Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại các nước; các doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận và kết nối trực tiếp cũng như trực tuyến tại Hội nghị. |
Mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng: “Qua Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản có ý nghĩa quan trọng. Nhằm giúp các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, tập đoàn phân phối sản phẩm trong và ngoài nước, cũng như Trung tâm Xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố, hiểu rõ hơn về tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Cà Mau.
Đây còn là cơ hội để các đối tác trong và ngoài nước tiếp cận trực tiếp các sản phẩm chất lượng cao, cũng như tìm hiểu nhu cầu hợp tác và phát triển kinh doanh lâu dài. Sự kết nối này sẽ là nền tảng quan trọng giúp các đối tác xây dựng chiến lược tăng trưởng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm không chỉ trong phạm vi nội địa mà còn trên các thị trường quốc tế đầy tiềm năng...".
Các tập đoàn phân phối sản phẩm tham quan bàn trưng bày, quảng bá sản phẩm thủy sản xuất khẩu, sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh Cà Mau. |
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức buổi khảo sát cho các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu tại các nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, vùng nguyên liệu ở các huyện trên địa bàn tỉnh. Tại buổi khảo sát, đại diện các chuỗi siêu thị lớn trong nước như: AEON, Coopmart, Central Retail, Bách Hóa Xanh, Kingfood Mart đã có buổi tham quan, khảo sát quy trình sản xuất sản phẩm OCOP về nông sản, tôm, cua sinh thái tại Hợp tác xã Tài Thịnh Phát và dây chuyền chế biến, xuất khẩu tôm tại Công ty thủy sản Camimex Group...
Đại diện các chuỗi siêu thị cũng đã chia sẻ về nhu cầu và mong muốn kết nối giao thương với các sản phẩm thủy sản của Cà Mau, bao gồm cả tôm đông lạnh và các sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm, các mặt hàng nông sản OCOP địa phương. Qua đó, việc khảo sát giúp các doanh nghiệp bên phía nhà mua hàng có cái nhìn tổng quan, thực tế hơn về tiềm năng hợp tác, chất lượng sản phẩm của các cơ sở, nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam với diện tích trên 70.000 km vuông, có 280.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 41 nhà máy chế biến thuỷ sản, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 01 tỷ USD/năm.