Áp thuế chống bán phá giá có cứu được ngành mía đường?

(PLVN) - Trước khó khăn của ngành mía đường sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực và tình trạng đường nhập lậu, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã có Quyết định 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan. Liệu biện pháp này có cứu được ngành mía đường khi hiện đã có 1/3 nhà máy phải đóng cửa…
Cần có giải pháp tổng thể phát triển ngành mía đường. (Ảnh minh họa)
Cần có giải pháp tổng thể phát triển ngành mía đường. (Ảnh minh họa)

“Phao cứu sinh” đối với ngành mía đường?

Tại Tọa đàm “Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường” do Báo Nhân dân tổ chức hôm 23/3, ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) - đã gọi Quyết định 477/QĐ-BCT (QĐ 477) là sự can thiệp kịp thời, như chiếc “phao cứu sinh” xuất hiện kịp thời trong hoàn cảnh “thập tử nhất sinh” của ngành đường Việt Nam. Theo quyết định này, mức thuế nhập khẩu (NK) đường từ Thái Lan là 48,88% đối với đường tinh và 33,88% đối với đường thô.

Quyền Tổng thư ký VSSA cho biết, việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan được Bộ Công Thương quyết định sau quá trình điều tra 5 tháng. Kết quả điều tra đã chứng tỏ thực sự có hành vi trợ cấp và bán phá giá gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành đường Việt Nam khi hơn 50% hộ nông dân trồng mía đã bị “tước quyền” sản xuất và 1/3 số nhà máy buộc phải đóng cửa…

Cũng theo ông Lộc, liên tiếp nhiều năm lượng đường phá giá đã tràn vào gây tác dụng ép giá, kìm giá khiến ngành đường Việt Nam phải bán sản phẩm ở mức giá không đủ trả tiền nguyên liệu mía. Tác dụng của mức phá giá này là mang tính hủy diệt chuỗi liên kết vì không ngành sản xuất chế biến nào có thể tồn tại trong điều kiện như thế.

Quyền Tổng Thư ký VSSA cũng bày tỏ: “Do đã bị thiệt hại quá nặng nề nên việc phục hồi ngành mía đường sẽ còn rất nhiều gian truân, trở ngại, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành. Ngành mía đường mong chờ quyết định áp thuế chính thức với mức thuế thích đáng sớm được ban hành để bảo đảm giá đường, giá mía tương đương với các nước trong khu vực tạo điều kiện cho nông dân và các nhà máy đường Việt Nam được hoạt động trong môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch!”.

Làm sao để phát triển bền vững?

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tuy chưa có số thống kê chính thức của cơ quan hải quan trong tháng 2/2021 nhưng đã có một số dấu hiệu tích cực từ khi QĐ 477 có hiệu lực như: Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1,5 – 2 nghìn đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020; Giá thu mua mía nguyên liệu tăng từ 50- 100 nghìn đồng/tấn so với vụ ép năm ngoái (giá mua trung bình hiện tại khoảng  950 nghìn - 1 triệu đồng/tấn). 

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn - cho rằng, QĐ 477 đã xác định được đúng đắn giá trị thực tế của ngành mía đường trong nước. Nếu cạnh tranh sòng phẳng thì ngành mía đường trong nước không thua kém các nước trong khu vực… Khi giá đường được đánh giá đúng, các nhà máy sẽ tăng giá mua mía cho nông dân, người trồng mía yên tâm tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng mía. Từ đó sẽ từng bước khôi phục lại vùng nguyên liệu, các nhà máy có đủ nguyên liệu để sản xuất. 

 Tuy nhiên, theo ông Tam, khó khăn nhất vẫn là kiểm soát đường nhập lậu. Việc NK đường từ Thái Lan qua nước khác rồi đưa về Việt Nam cũng khó được kiểm soát. Việc này sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại…

Khẳng định QĐ 477 như “phương thuốc hồi sinh, như hạn gặp mưa”, ông Đinh Duy Vượt – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng phương thuốc này bước đầu giảm bớt áp lực cho ngành mía đường, giúp người trồng mía tiếp tục có niềm tin, động lực chung thủy với cây mía. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang lại thuận lợi tạm thời, tháo gỡ cho ngành mía đường trước mắt, có thêm thời gian để chuẩn bị hội nhập cạnh tranh xu thế tất yếu phải thực hiện cam kết ATIGA.

“ATIGA buộc tất cả các DN mía đường và người trồng mía phải phối hợp với nhau… Để ngành mía đường phát triển bền vững, không bị “thôn tính” và từng bước cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan, thực hiện đúng cam kết ATIGA và hội nhập thì phải có nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, với nhà máy.

Cùng với kiểm soát NK, ngành mía đường phải khẩn trương tái cơ cấu đổi mới toàn diện nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường…, trong đó phải sớm hiện đại hóa các nhà máy, đa dạng các sản phẩm, phụ phẩm từ bã mía…” - ông Vượt nêu quan điểm

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp đồng bộ cho ngành mía đường rất nhiều nhưng vấn đề chính là lựa chọn lộ trình và cách thức tổ chức thực hiện cho hiệu quả.

“Chúng tôi mong muốn với bản lĩnh, bài học kinh nghiệm của ngành mía đường, chúng ta có thể bước vào giai đoạn phát triển mới với cách làm mới và tư duy mới. Đặc biệt thúc đẩy các thị trường xuất khẩu, tận dụng được các ưu đãi của các FTA, nhất là FTA Việt Nam - EU vừa qua đã có ưu đãi hạn ngạch!” - ông Toàn bày tỏ.

Đọc thêm