Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), trong thời gian 6 tháng người lao động nữ nghỉ thai sản thì không phải đóng BHYT, doanh nghiệp cũng không phải đóng cho họ. Thế nhưng đã hơn 4 năm qua từ ngày Luật có hiệu lực, các cơ quan chức năng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn việc này?
Bệnh viện bị ảnh hưởng khi bội chi quỹ BHYT |
Không những chỉ người lao động nữ thai sản quan tâm đến vấn đề này, mà hiện tại rất nhiều cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phía Nam đang đau đầu không biết thu khoản này ở đâu để mua thẻ BHYT cho các “bà đẻ” vì chưa có hướng dẫn. Năm 2012 vừa qua chỉ tính riêng tại Cụm thi đua số VII của BHXH Việt Nam (gồm 9 tỉnh miền Tây) đã có tới 6 tỉnh đã bị bội chi quỹ BHYT. Nhiều tỉnh thành cho rằng nguyên nhân một phần là do cơ quan chức năng không có hướng dẫn vấn đề đóng BHYT cho đối tượng phụ nữ nghỉ thai sản.
Trao đổi với báo chí, ông Cao Văn Sang – Giám đốc BHXH TPHCM giải thích: Khi người phụ nữ đang làm việc tại các cơ quan, DN thì hàng tháng họ phải trích từ tiền lương đóng 1,5% BHYT, người sử dụng lao động đóng cho họ 3% BHYT. Nhưng trong thời gian họ nghỉ thai sản (6 tháng) thì không ai đóng cho họ hết, thậm chí họ khỏi đóng cho họ luôn nhưng vẫn được khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn BHYT.
Luật BHYT tại Điểm a, Khoản 1, Điều 13 quy định, “trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi theo quy định của pháp luật về BHXH thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHYT nhưng vẫn được tính vào thời gian tham gia BHYT liên tục để hưởng chế độ BHYT”. Như vậy có nghĩa, khi người phụ nữ nghỉ sinh thì đương nhiên họ phải có thẻ BHYT.
Thế nhưng rắc rối ở chỗ Luật BHYT không chỉ rõ là thu ở đâu, trong khi hiện cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn là số tiền đảm bảo giá trị cho thẻ BHYT mà người sản phụ sử dụng lấy từ nguồn nào. Vì thế doanh nghiệp thì không phải nộp vào, người lao động thì khỏi đóng. “Vậy làm sao tôi cân đối được quỹ BHYT, đây là điều hết sức vô lý” – ông Sang phân trần.
Ngoài ra việc thiếu văn bản hướng dẫn Luật BHYT về vấn đề này không những ảnh hưởng đến quỹ BHYT của các địa phương, nữ lao động thai sản mà còn trực tiếp tác động đến các bệnh viện. Vì nếu quỹ khám chữa bệnh BHYT của một tỉnh bị bội chi thì không có tiền để bù cho bệnh viện, phần của đối tượng thai sản vẫn điều trị nhưng không được bù, vậy người bị thiệt chính là các bệnh viện vì không có tiền chi. Năm 2012 cơ quan BHXH TP.HCM đã chi riêng cho đối tượng thai sản khoảng 56 tỉ đồng, năm nay dự đoán sẽ chi khoảng 85 tỉ (vì theo Bộ luật lao động mới thời gian nghỉ thai sản nâng lên đến 6 tháng).
Ông Cao Văn Sang cho biết sẽ kiến nghị vấn đề này đến Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi Đoàn thực hiện giám sát Luật BHYT tại TP.HCM. Và thẩm quyền ban hành Thông tư hướng dẫn thuộc trách nhiệm Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ LĐTBXH…
Ngày 28/3, Đoàn công tác thuộc Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) tại BHXH TP.HCM. Báo cáo với đoàn công tác, ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TP cho biết, tính đến cuối năm 2012, toàn TP có hơn 4,8 triệu người tham gia BHYT, đạt 63,29% (tăng 2,29% so với năm 2009). Đặc biệt là số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT ngày càng tăng, tính đến tháng 12/2012, toàn TP có gần 1,4 triệu học sinh, sinh viên tham gia, đạt 86,72%. Riêng với đối tượng trẻ dưới 6 tuổi, số lượng thẻ cấp ra chỉ đạt 85%. Năm 2012, toàn TP có 47.297 doanh nghiệp với 1,7 triệu lao động, nhưng số doanh nghiệp chây ỳ không thực hiện đóng BHYT cho người lao động vẫn còn nhiều. |
Lam Sơn