Ba cha con cùng thi Đại học

(PLO) -Từng theo học hai năm ngành y học cổ truyền, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Văn Bá Thọ (51 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) đành nghỉ học giữa chừng lao vào con đường mưu sinh. Giờ đây, khi đã ngoài tuổi ngũ tuần, hai đứa con đều đã lớn, có thể làm việc để trang trải cuộc sống, người đàn ông này luôn ấp ủ nguyện vọng được theo đuổi ước mơ còn dang dở thời trẻ. 
Ba cha con ông Thọ đang ôn bài chuẩn chị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới.
Ba cha con ông Thọ đang ôn bài chuẩn chị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới.

Được sự ủng hộ nhiệt tình của hai cậu con trai, tháng 4/2016, người cha làm hồ sơ đăng kí tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 với quyết tâm vào đại học. 

Nỗi nuối tiếc gãy gánh học hành thời trẻ

Trong những ngày cuối tháng sáu, khi kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đang cận kề, căn nhà nhỏ của ông Văn Bá Thọ trở nên rạo rực hơn bao giờ hết. Căn phòng chật hẹp, chẳng có gì đáng giá ngoài máy vi tính và bộ salon cũ kĩ với những cuốn sách ôn thi đại học các loại còn nằm ngổn ngang ở trên bàn. Ở đó, có ba cha con đang ngày đêm chong đèn đọc sách với mong ước cùng vào đại học. 

Rời màn hình máy tính, ông Thọ vui vẻ tâm sự, ước mơ vào đại học của ông được ấp ủ từ rất lâu rồi. Nhưng chỉ đến hồi cuối tháng 4/2016, ông mới nộp hồ sơ tham gia kì thi THPT quốc gia 2016 theo diện thí sinh tự do.

“Thời điểm đó, hai đứa con trai tôi là Văn Bá Chương (22 tuổi) và Văn Thiên Tường (19 tuổi) đang làm hồ sơ để thi. Vừa hướng dẫn cho chúng, tôi vừa muốn được thử sức mình nên cũng tiện thể nộp một bộ hồ sơ”.

Nhắc đến lí do tham gia kì thi đại học, ông Thọ nuối tiếc kể lại con đường học tập gãy gánh của mình. Sinh ra ở vùng quê nghèo hiếu học thuộc huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), dù vất vả nhọc nhằn mưu sinh, nhưng cha mẹ ông luôn tạo điều kiện để con trai được ăn học đến nơi đến chốn.

Sau 12 năm đèn sách, ông Thọ cũng thi đỗ vào Trường ĐH Y học cổ truyền TP.HCM trong niềm tự hào của hai đấng sinh thành. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, ông lại khiến cha mẹ thất vọng vì phải gác lại con đường học hành giữa chừng.

Vẻ mặt buồn buồn, ông ngậm ngùi kể, ngày đó, ông rời vùng quê nghèo lên đường nhập học trong tâm trạng hân hoan, phấn khởi. Nhưng đến thành phố xa lạ, bao nhiêu hi vọng dường như dập tắt vì nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Gia đình cơ khổ, ngoài giờ học, ông phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc để trang trải chi phí sinh hoạt và mua sách vở. Có năm, không có tiền về quê ăn tết, ông chỉ còn cách nhảy tàu để đi. Một lần từ quê vào TP.HCM, nhân viên soát vé tàu bất ngờ, ông không thể trốn được nên nhảy ra ngoài thành tàu.

“Lúc ra ngoài rồi tôi mới biết là rất khó để vào lại. Tôi biết, nếu cứ bám như thế sẽ bị văng ra khỏi tàu, nên tôi gồng mình nhảy ra khỏi tàu. May mắn thoát chết, nhưng về sau, khi trở lại trường học, tôi hay bị đau đầu, không thể tập trung được việc học. Hơn nữa, lúc đó gia đình quá khó khăn, tôi đành gác lại con đường học tập để lao vào con đường mưu sinh”, ông Thọ bùi ngùi tâm sự.

Sau khi nghỉ học, sợ cha mẹ phiền muộn nên ông cố tìm mọi cách để bám trụ ở Sài Gòn. Ông đã làm qua rất nhiều nghề khác nhau như bán vé số, đạp xe ba gác, làm phụ hồ… Đến năm 30 tuổi, nhận thấy sức khỏe ổn định, lại có được ít vốn, có thể tiếp tục sự nghiệp học hành, chàng thanh niên ngày ấy quay lại trường tiếp tục việc học.

“Song, đến nơi tôi mới đau xót biết rằng, vì nghỉ học không bảo lưu, cho nên nhà trường không thể chấp nhận tôi quay trở lại học. Nếu muốn học lại, tôi chỉ còn cách tham gia thi lại từ đầu. Thế nhưng chưa kịp thi, thì tôi gặp vợ tôi. Sau đó, hai đứa con lần lượt ra đời, nỗi lo cơm áo gạo tiền cứ thế cuốn tôi đi mất”, ông tâm sự.   

Khoảng 5 năm trở lại, ông Thọ chuyển sang làm gia sư cho học sinh cấp 3, chủ yếu là dạy các môn tự nhiên, Toán, Lý, Hóa. Người đàn ông cho biết, năm đứa con trai đầu học lớp 10, thấy con học hành yếu kém nên sau giờ làm, ông thường kèm cặp cho con học bài.

Đến khi thành tích của con tốt hơn, một số người bạn biết chuyện đã ngỏ ý nhờ ông dạy kèm cho con mình. Thế là ông bén duyên với nghề gia sư từ đó. Ông cho rằng, cũng nhờ có công việc này, ông có cơ hội ôn lại các kiến thức cơ bản cũng như cập nhật những cách giải bài tập mới theo chương trình đã được cải cách.

Ông Văn Bá Thọ học bài thông qua mạng internet.
Ông Văn Bá Thọ học bài thông qua mạng internet. 

Ước mơ đỗ Đại học để chữa bệnh cứu người

Đến nay, hai đứa con của ông đã tốt nghiệp lớp 12, lại có thể làm thêm để trang trải cuộc sống. Ông tự hào chia sẻ: “Đứa con đầu năm trước trượt đại học vì thiếu 0.75 điểm. Bây giờ, ban ngày nó  đi làm công nhân cho một công ty may mặc ở Củ Chi, tối về ôn bài để thi lại. Đứa con út năm nay mới tham gia thi, nhưng cũng đã biết bán hàng online kiếm thêm thu nhập và trang trải được chi phí học hành”.

Thấy con có thể tự lập, ông ấp ủ một ngày có thể vào giảng đường đại học, tiếp tục thực hiện nguyện vọng học tập còn dang dở của mình. Thế nhưng, khi chia sẻ với những thân xung quanh, ông bị những người bạn phản đối kịch liệt.

Ông tâm sự: “Có người biết chuyện ái ngại bảo tôi đã già rồi, không nên học nữa vì tay chân lóng ngóng, trí nhớ kém, khó có thể theo kịp bọn trẻ bây giờ. Nhưng cũng có người nặng lời hơn bảo tôi ham hư danh. Nhưng thật ra, ở độ tuổi này rồi, tôi còn cần điều đó làm gì. Tôi chỉ mong có được công việc ổn định về già, sau này không phải phụ thuộc vào con cái. Cũng may tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người thân trong gia đình.”

Chăm chú theo dõi cách giải những bài toán khó trên mạng internet, người đàn ông lại cặm cụi ghi chú vào sổ những nội dung chính. Ông nói, “phải viết lại như thế này mới có thể nhớ được lâu”.

Ông cho biết, vì kì thi đang cận kề, nên một tháng trở lại đây, ông không còn lên lớp nữa. Không qua bất kì lớp học thêm nào, cũng không tìm thầy dạy thêm, những kiến thức người đàn ông này có được là do tự tìm tòi sách vở và tự học trên mạng internet. 

Chia sẻ về nguyện vọng thi đại học của mình, người đàn ông phấn khởi cho biết, dù bao năm đã trôi qua, nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi nghề y học cổ truyền. Ông cười hiền tâm sự: “Tôi rất đam mê nghề y học cổ truyền.

Từ nhỏ, những loại lá cây để chữa bệnh, cầm máu luôn hấp dẫn tôi. Nếu không vì miếng cơm manh áo, có lẽ bây giờ tôi đã có thể sống bằng đam mê của mình rồi. Bây giờ, cuộc sống đỡ vất vả hơn, tôi có cơ hội đi theo sự nghiệp học hành, nhưng giờ tuổi đã cao làm nghề gì cũng khó.

Tôi thấy nghề y học cổ truyền là sự lựa chọn phù hợp nhất với tuổi tác, sức khỏe của mình. Có lẽ, đến khi về già, tôi vẫn có thể châm cứu, bốc thuốc trị bệnh cứu người và kiếm thêm thu nhập”.

Trong căn phòng nhỏ, 3 cha con ông Văn Bá Thọ vẫn miệt mài cặm cụi bên những trang sách vở, ôn lại kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi quyết định sắp tới.

Dù việc ứng thí lần này, mỗi người có một đam mê và sở thích khác nhau, nhưng ba cha con vẫn cùng nhau ôn bài, cùng tranh luận tìm ra cách giải cho một bài toán khó. Trên gương mặt của họ ngập tràn vẻ tự tin và hi vọng có thể cùng nhau bước qua cổng trường đại học. 

Đọc thêm