Bà Kim Hồng đã sai lý lại thiếu cả tình?!

(PLO) - Câu chuyện Triệu Thị Hà xin trả lại vương miện vẫn lùm xùm chưa có hồi kết. Và trong câu chuyện này, điều khiến không ít người bức xúc chính là cách cư xử cũng như hành động của bà Kim Hồng đối với hoa hậu Triệu Thị Hà. Nó sai lý và thiếu cả tình người!
Lý do Triệu Thị Hà viết đơn xin trả vương miện được cô chia sẻ trên báo chí là do cô bị Ban tổ chức quá o ép khiến cô không có cơ hội để nổi tiếng; cô bị lợi dụng sức lao động trong thời gian cuộc thi năm 2013, cô xin ban tổ chức nghỉ một vài ngày để có sức khỏe tiếp tục thì không được đồng ý và còn bị Ban tổ chức đưa ra đề nghị: một là tiếp tục, hai là trả vương miện!
Đặc biệt, Triệu Thị Hà cũng bức xúc cho biết là cô bị Ban tổ chức bắt đi tiếp khách lúc nửa đêm mà không rõ lý do…
Bà Đoàn Thị Kim Hồng
 Bà Đoàn Thị Kim Hồng
Phía Ban tổ chức, bà Đoàn Thị Kim Hồng trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011 đã phủ nhận những cáo buộc của Triệu Thị Hà. Đồng thời bà Hồng đã “tố” ngược lại những sai phạm rành rành của hoa hậu Triệu Thị Hà trong thời gian đương nhiệm, cụ thể là Triệu Thị Hà đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một hoa hậu như trong cam kết đã ký với Ban tổ chức.
Nhưng cho đến nay, sau một tháng lời qua tiếng lại giữa Ban tổ chức, cụ thể là bà Kim Hồng và hoa hậu Triệu Thị Hà thì sự việc vẫn còn đang lơ lửng với đầy những nghi vấn. Và điều đáng nói là cơ quan chức năng có quyền cao nhất để xử lý vụ việc là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì vẫn giữ “im lặng” một cách khó hiểu!
Ai đúng ai sai trong vụ việc này vẫn chưa rõ, công chúng vẫn đang chờ đợi thông tin xử lý chính thức từ phía cơ quan chức năng. Nhưng sau khi nhìn lại những ồn ào xung quanh sự việc này, nhiều người thấy bất bình trước kiểu cư xử kỳ lạ của bà Kim Hồng, vốn là một tiến sỹ hẳn hoi.
Cụ thể là ngay sau khi Triệu Thị Hà chia sẻ thông tin về việc xin trả vương miện trên báo chí thì bà Kim Hồng cũng lập tức lên báo tố ngược lại cô, bà còn đưa các thông tin ngoài lề như Triệu Thị Hà có quan hệ yêu đương với cháu ruột bà là ca sĩ Reno Bình, cô bỏ ra khách sạn với cháu bà đến sáng mới về… Đặc biệt là mới đây bà Hồng còn công khai luôn với báo chí bản tường trình mang tính cá nhân của Hà.
Có thể nói, đây là một việc làm hết sức thiếu suy nghĩ của bà Kim Hồng, nó mang tính thù hằn cá nhân và hành xử kiểu rất trẻ con. Triệu Thị Hà sai thì phải để cơ quan quản lý xem xét và xử lý; hơn nữa bản thân bà Hồng là một tiến sỹ, là một người lớn, có tên tuổi lại đi phát ngôn, đôi co qua lại với một hoa hậu đáng tuổi con cháu mình. Nhất là việc bà lại phát ngôn những thông tin chi tiết về đời tư của Triệu Thị Hà một cách quá rạch ròi trên mặt báo. Về chi tiết này, giới luật sư phân tích rằng Triệu Thị Hà có thể khởi kiện bà Kim Hồng vì hành vi xâm phạm bí mật đời tư của Triệu Thị Hà.
Kế đến, Triệu Thị Hà có chia sẻ với báo chí rằng cô bị Ban tổ chức o ép, không phát triển được sự nghiệp, không có cơ hội để nổi tiếng. Cụ thể là cô không được hoặc rất hạn chế tham gia các hoạt động nghệ thuật có cát-sê bên ngoài. Cô cho biết có khá nhiều lời mời nhưng cô đã bị bà Kim Hồng từ chối cho phép tham gia. Trong khi đó, kinh tế gia đình cô đang khó khăn, bố cô lại ốm nên gia cảnh lại càng khó khăn, khiến cô càng cảm thấy thất vọng, buồn chán với danh hiệu hoa hậu mà mình đã đạt được.
Thực tế là bất kỳ một hoa hậu nào cũng phải ký một hợp đồng ràng buộc với ban tổ chức khi đăng quang. Nội dung hợp đồng đó chủ yếu là những điều khoản để quản lý quá trình hoạt động của hoa hậu trong nhiệm kỳ 2 năm, đồng thời là những điều khoản quy định về việc bắt buộc tham gia các hoạt động từ thiện do ban tổ chức yêu cầu. Về mặt lý thuyết thì mục đích, ý nghĩa của hợp đồng này nhằm đảm bảo hoa hậu sẽ giữ gìn hình ảnh, danh hiệu của mình một cách hiệu quả nhất, dưới sự quản lý của ban tổ chức. Nhưng, khi thiếu cái “tình” thì chính những quy định này sẽ biến chiếc vương miện lộng lẫy thành một chiếc “vòng kim cô”.
Hoa hậu Triệu Thị Hà
 Hoa hậu Triệu Thị Hà
Về lý, có thể bà Hồng đúng khi có quyền cho hay không cho phép Triệu Thị Hà tham gia các hoạt động biểu diễn có cát-sê bên ngoài. Nhưng về tình, bà Hồng đã thiếu đi quá nhiều! Hoa hậu cũng chỉ là một con người, họ cũng cần làm việc kiếm sống, nhất là trường hợp gia đình có kinh tế khó khăn như Triệu Thị Hà. Hoa hậu không thể suốt năm chỉ theo chân Ban tổ chức thực hiện nghĩa vụ hoa hậu qua các hoạt động thiện nguyện hay các hoạt động mà Ban tổ chức yêu cầu. Bên cạnh công tác xã hội, thực hiện nghĩa vụ hoa hậu thì cần phải tạo điều kiện để Triệu Thị Hà kiếm thu nhập, đương nhiên là một cách chính đáng! Nhưng theo lời Triệu Thị Hà, cô đã không được ân huệ đó từ Ban tổ chức!
Về cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam do công ty CIAT (Bà Kim Hồng là Chủ tịch HĐQT) tổ chức thì có rất nhiều tai tiếng xảy ra ngay từ mùa đầu tiên năm 2007 cho đến bây giờ. Vào năm 2007, ngay sau khi đăng quang Á hậu 1 của cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Trương Thị May khai gian trình độ học vấn và dân tộc để đủ điều kiện dự thi.
Ngay sau khi kết thúc đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013, những thông tin hậu trường về chuyện mua bán vương miện giá 1,5 tỷ đồng cùng chuyện lộ đề thi đêm chung kết và việc ép thí sinh đi thi, không chăm sóc họ tốt đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên khắp các mặt báo. Cụ thể là có một thí sinh đạt giải phụ lên tiếng rằng, chiếc vương miện của Tân Hoa hậu Dân tộc Nguyễn Thị Ngọc Anh đang giữ đã được mua lại với giá 1,5 tỷ đồng từ Ban tổ chức trước đó khá lâu!
Và hiện tại là chuyện lùm xùm của Triệu Thị Hà, Hoa hậu Dân tộc 2011 xin trả lại vương miện.
Với rất nhiều những lùm xùm, tai tiếng như thế nhưng quý bà Kim Hồng vẫn bình yên vô sự, mọi rắc rối đều được giải quyết rất nhanh và đi vào im lặng. Và cho đến nay, sau nhiều tai tiếng thì cuộc thi của bà vẫn được tổ chức đều đặn 2 năm/lần. Nhiều người nghi vấn rằng phải chăng phía sau bà Kim Hồng, phía sau đơn vị tồ chức CIAT có một thế lực đỡ đầu để bà mặc sức tung hoành dẫu có những sự cố, rắc rối xảy ra?!
Và câu hỏi nghiêm túc được đặt ra là, có nên tiếp tục duy trì tổ chức một cuộc thi có quá nhiều tai tiếng như Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam nữa hay không? Ngay cả với ông Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền – Ủy ban Dân tộc Chu Tuấn Thanh, với tư cách Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam năm 2011 cũng đã nhận thấy việc không cần thiết phải tổ chức tiếp cuộc thi này và còn đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét việc đó!
Cuộc thi nhan sắc hiện nay không thiếu, thiếu là thiếu một cuộc thi thật sự nghiêm túc và có tầm, cuộc thi chọn ra được người chiến thắng xứng đáng để tôn vinh, để góp phần làm đẹp thêm cho xã hội. Còn với những cuộc thi tai tiếng, lùm xùm như Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam thì có dẹp đi có khi lại càng làm cho danh hiệu Hoa hậu thêm giá trị, cao quý!