Dùng miệng thay chân tay
Sinh năm 1979, Trường là con trai lớn trong gia đình có 5 anh em. Từ năm 2 tuổi anh đã không thể đi lại vì chân, tay dần teo tóp bởi bệnh teo cơ. Sức khỏe yếu nhưng Trường vẫn nỗ lực đến trường và 8 năm liền, năm nào Trường cũng đạt học sinh giỏi. Đến khi chân tay teo tới mức không thể gá vào nạng, ngã liên tục, trường học lại cách nhà hơn 10km, Trường đành nghỉ học ở nhà.
Tuy nhiên, không chịu giam mình trong bốn bức tường lạnh ngắt, Trường xin bố mẹ cho mở cửa hàng tạp hóa ở đầu làng. Khách đông dần, người quen mua hàng nợ nhiều khiến Trường không nhớ nổi. Không thể cầm bút ghi sổ sách, Trường quyết định học viết chữ bằng miệng.
Anh ngậm đầu bút chì và cúi sát mặt giấy để viết. Ban đầu lóng ngóng, anh thường xuyên bị bút chọc sâu vào họng gây nôn ọe. Khoảng cách từ miệng tới giấy chỉ khoảng 5cm nên mỗi khi ngẩng lên thì hoa mắt, chóng mặt. Anh chuyển sang viết bút dạ. Sau gần một tháng dùng miệng vật lộn với cây bút và giấy trắng, những nét chữ đầu tiên đã rõ hình, khiến anh rơi nước mắt…
Nhưng không bằng lòng với những con chữ nghiêng ngả, anh tự đặt ra mục tiêu phải luyện viết chữ đẹp. Nhưng để viết chữ đẹp lại là một thách thức lớn nữa. Muốn chữ đẹp cần biết lái bút, căn li chuẩn, hầu như toàn bộ cơ mặt phải làm việc, trời mát mà anh cũng toát mồ hôi. Cuối cùng, anh cũng thành công. Nhìn nét chữ như in của anh, người làng ai cũng trầm trồ. Và từ đó, lớp luyện chữ của một người thầy nghị lực phi thường ra đời.
Hàng ngày, sau giờ học ở trường, những đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 ở làng lại được bố mẹ chở đến nhà “bác Trường” (vì không qua trường lớp sư phạm nên anh không nhận mình là thầy) học viết chữ đẹp. Anh tự soạn giáo án, bài giảng, viết chữ và phép tính cộng, trừ, nhân, chia vào những quyển sách đã ghi tên từng cậu học trò nhỏ để giao bài cho các em. Lớp học đặc biệt của anh không phân biệt độ tuổi, không phân biệt thời gian, không phân biệt gia cảnh. Bất cứ em nào có tinh thần học, ham học đều được anh chỉ dẫn tận tình.
Những lá thư làm thay đổi cuộc đời
Cuộc sống của “bác giáo” Trường tưởng chừng cứ lặng lẽ trôi qua như thế với đám trẻ làng. Không ai biết, anh luôn mong có người phụ nữ để yêu thương, xây dựng hạnh phúc, sẻ chia khó khăn trong cuộc sống, để có những đứa con ngoan... Và điều kỳ diệu đã xảy ra.
Ngày ấy, chị Ngô Thị Hường ở làng bên có tiếng là đảm đang, chăm chỉ, làm công nhân lò gạch gần nhà anh. Được người thân giới thiệu nhưng chưa biết mặt, Trường viết một bức thư nhờ gửi cho cô gái hơn mình 5 tuổi ấy. Lá thư dài hơn 3 trang giấy với những dòng chữ nắn nót gửi gắm bao nỗi niềm của người con trai tật nguyền muốn có một tình yêu theo lẽ thường.
Ngôn từ mộc mạc nhưng toát lên sự chân thành và lòng tự trọng của một người luôn có ý thức vượt lên số phận: “Tôi muốn lập gia đình nhưng người phụ nữ phải tự nguyện 3 điều cơ bản. Thứ nhất, người phụ nữ đó chấp nhận tôi. Cô cũng biết con người ta sinh ra cũng giống như con vật có chân đi, con người thì càng có chân, có tay để lao động. Điều hai, ai nên vợ nên chồng đều mong muốn có con có cái, nếu trời không cho tôi thì cô cũng phải chịu, đôi khi có người khỏe mạnh cũng chưa chắc có, ngẫm thấy tôi lại đau ốm như thế này. Điều thứ ba, là điều cơ bản, người phụ nữ phải thương yêu thì tôi mới chấp nhận, đó phải là tình thương yêu thực sự giúp đỡ, chứ không phải thương hại”.
Gửi thư đi, anh nghĩ rằng rất có thể chị Hường sẽ từ chối bởi trước đó cũng có vài đám hỏi cưới, nhưng chị chưa chấp thuận.
Thế nhưng, đọc thư chị Hường rưng rưng nước mắt. Chị đã nghe kể về anh thấy nét chữ đẹp như vẽ của anh chị càng cảm phục và có ý muốn gặp anh. Được sự động viên của người thân, anh Trường gửi tiếp bức thư thứ hai, ngỏ lời mời chị Hường đến nhà.
Gặp mặt, ngay từ cái nhìn đầu tiên, anh linh tính đây là người phụ nữ mà mình thầm ao ước. 33 tuổi, anh mới có những rung động mạnh mẽ với người khác giới. Tuy nhiên, anh vừa muốn gần lại muốn xa, với suy nghĩ nếu chị Hường chọn anh thì chị sẽ khổ. “Tôi bảo cô ấy phải suy nghĩ cho kỹ càng, tôi sẽ nén lại cảm xúc nếu gia đình Hường phản đối quyết liệt” - anh Trường nhớ lại.
Vợ và con trai anh Trường. |
Đúng như anh lường trước, ngay khi biết con gái thương chàng trai tật nguyền, phía gia đình chị Hường phản đối kịch liệt. Song, vượt qua định kiến, chị quyết tâm đến với anh. Tình yêu chân thành của đôi trai gái cuối cùng đã thuyết phục được cha mẹ chị Hường.
Sau 4 tháng tìm hiểu, lễ cưới diễn ra, gói gọn trong niềm vui của gia đình. Ngày đưa dâu, chú rể được người thân bế từ xe hoa vào nhà gái làm lễ. Anh nhìn cô dâu đẹp lộng lẫy, cười hạnh phúc, cảm giác cuộc đời mình đã thực sự thay đổi.
Không lâu sau đó, vợ chồng anh đón đứa con đầu lòng, anh như được tiếp thêm sức sống. Bố chị Hường chia sẻ: “Lúc Trường nói chuyện hôn sự, tôi choáng váng đầu óc. Tôi không ngờ con gái mình lại chấp nhận lấy người chồng bệnh tật. Vợ chồng tôi nhất mực không đồng ý. Nhưng lạ thay, càng ngăn cản, chúng nó càng tiến tới. Sau một thời gian thấy Trường và Hường thật lòng, chúng tôi cảm động và đồng ý cho chúng cưới nhau. Giờ thì tôi thật sự yên tâm về hạnh phúc của con gái”.
Với khoản tiền Nhà nước hỗ trợ 700.000 đồng/tháng và tiền đóng góp tự nguyện của phụ huynh lớp luyện chữ, cuộc sống của gia đình anh Trường vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhìn nụ cười rạng rỡ của hai vợ chồng bên cậu con trai nhỏ mới thấy hạnh phúc đôi khi rất đơn sơ và giản dị…