Ba 'ông lớn' ngành Công Thương thi nhau kể khổ

(PLO) - Tại hội nghị Tổng kết cuối năm của Bộ Công Thương diễn ra hôm qua (6/1), lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đều “than” gặp khó trong năm 2016.
Ba 'ông lớn' ngành Công Thương thi nhau kể khổ

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hai điểm đáng lưu ý trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam năm 2016 là sự sụt giảm mạnh của ngành khai khoáng và sự duy trì tích cực trong tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Bộ trưởng khẳng định, công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của ngành Công Thương trong năm qua, là đầu kéo quan trọng cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, chỉ số IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2016 đã duy trì được ở mức 11,2%. “Đây là mức thậm chí còn cao hơn mức tăng của năm 2015 là 10,5% và đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp”, Bộ trưởng cho biết.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2016 tăng 8,1% so với cùng thời điểm năm trước, cũng là mức tồn kho thấp nhất trong nhiều năm qua.  Đóng góp chủ yếu cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chính là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với các ngành tăng trưởng cao như sản xuất kim loại (17,9%); ô tô - xe máy (16,4%); điện tử, máy vi tính (12,8%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (12,6%). Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao như tivi (70%); thép cán (26,8%); ô tô (21,9%); sắt, thép thô (20,5%); thức ăn gia súc (18,3%); xi măng (14,4%); và sữa bột (13,3%). 

Nhiều “ông lớn” giãi bày khó khăn

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 7,5%, thấp hơn so với năm 2015 (tăng 9,8%). Trong đó, chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng năm 2016 đã giảm sâu ở mức 5,9%. Hai ngành khai khoáng quan trọng của nền kinh tế là Dầu khí và Than trong năm qua đều chung cảnh khó khăn, tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch năm.

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch TKV cho biết, năm 2016 là năm rất khó khăn của ngành Than. “Đây là năm thứ 4 liên tiếp ngành Than gặp khó khăn”, ông Chuẩn cho biết. Theo đó, lượng than sạch sản xuất cả năm ước đạt 39,6 triệu tấn, giảm 3,1% so với năm 2015 và bằng 94,3% kế hoạch năm. Lí giải nguyên nhân ngành Than gặp khó, Chủ tịch TKV cho rằng do giá bán thấp, chi phí sản xuất tăng, các loại thuế, phí liên quan đều tăng.

Do giá than thấp nên sản phẩm của TKV không cạnh tranh được với than nhập từ nước ngoài, nhất là than Trung Quốc. Do đó, năm qua chứng kiến việc tồn đọng than với số lượng lớn, ước khoảng 12 triệu tấn. “Lượng tồn kho này vượt quá khoảng 2 triệu tấn so với lượng than tồn kho định mức”, ông Chuẩn nói. Do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, đời sống công nhân ngành Than cũng sẽ khó khăn hơn trước. Theo ông Chuẩn, năm qua TKV đã giảm khoảng 3 ngàn lao động.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong năm tới, Chủ tịch TKV kiến nghị tái cơ cấu mạnh ngành Than; quản lý, vận hành Than theo cơ chế thị trường; được xuất khẩu than. Đặc biệt, cần có chính sách khai thác phù hợp để cạnh tranh với than nhập giá rẻ từ các nước bên ngoài, nhất là từ Trung Quốc.

Cùng chung cảnh khó khăn với ngành Than, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐTV PVN cho biết, năm 2016 là một năm khó khăn với ngành Dầu khí. Theo ông Khánh, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2016 tuy đạt kế hoạch đề ra (đạt 16,66 triệu tấn dầu quy đổi/kế hoạch là 16-20 triệu tấn dầu quy đổi) nhưng đây là mức thấp nhất so với nhiều năm gần đây. Trong những năm tới, sản lượng khai thác dầu, khí sẽ có xu hướng giảm dần do trữ lượng có hạn, khả năng tìm kiếm, thăm dò để nâng cao trữ lượng ngày càng khó khăn. Năm 2016, PVN chỉ đóng góp được cho ngân sách nhà nước 90,2 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 2015 đóng góp được 115,1 nghìn tỷ.

Tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cũng “than” khó do xuất khẩu dệt may bị các nước cạnh tranh gay gắt, đồng thời nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm. Theo đó, việc sản xuất và xuất khẩu dệt may tăng ở mức thấp hơn so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Dệt may ước đạt 28,5 tỷ, tăng 5,6% so với năm 2015, nhưng thấp hơn so với dự kiến 1,5 tỷ USD, hoàn thành 92% kế hoạch xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã “bị vấp nhưng chưa ngã”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, trong năm qua, Bộ Công Thương đã “bị vấp nhưng chưa ngã” mà ngược lại còn vươn lên mạnh mẽ trong năm 2016,

Về tầm nhìn thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Đó là phát triển nền công nghiệp Việt Nam phải giảm sự phụ thuộc vào lợi thế không bền vững là dựa vào tài nguyên tự nhiên như dầu mỏ, than đá, quặng… Thay vào đó, phải chuyển dịch từ nền công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh. 

Thủ tướng cũng lưu ý,  muốn tạo ra sự thay đổi với sức cạnh tranh mạnh mẽ thì phải bắt đầu bằng việc tạo ra một môi trường để người dân và DN có thể làm ăn tử tế, sòng phẳng, không bị chèn ép. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ kiến tạo, trong đó có thành viên là Bộ Công Thương.

Đọc thêm