Sáng ngày 30/10, tại nhà bà V.T.Đ (61 tuổi, trú tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đã xảy ra một vụ hoả hoạn. Vụ việc khiến 4 người bị thương hiện đang được điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia Hà Nội. Điều đáng nói, nghi phạm phóng hỏa lại chính là 3 con gái ruột của bà Đ (người lớn nhất sinh năm 1982, người nhỏ nhất sinh năm 1991). Cụ thể, 3 người này đã mang can xăng khoảng 4 - 5 lít đến nhà của mẹ mình rồi đổ ra sàn châm lửa đốt.
Thông tin ban đầu, nguyên nhân xảy ra sự việc là do bất đồng quan điểm, mâu thuẫn trong việc chia đất.
Từ góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng cho biết, xăng là chất cháy nguy hiểm, khi đốt có khả năng gây cháy nổ và lan nhanh, khó có thể dập tắt.
Hành vi đổ xăng lên sàn nhà và châm lửa hoàn toàn có thể dẫn đến cháy nhà, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Đồng thời, đe doạ đến sức khỏe, tính mạng của người khác.
Trong sự việc, trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ chứng minh hành vi đốt nhà của 3 con gái của nạn nhân nhằm mục đích giết người, nghi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự về tội Giết người, nghi phạm vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm về các tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 và Hủy hoại tài sản theo Điều 178 của Bộ luật Hình sự 2015.
Nhận định về sự việc, Thạc sĩ Tâm lý học Cao Thị Hoàn cho biết, trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc con cái hành hung, gây thương tổn cho chính cha, mẹ đẻ mình.
Vào hồi tháng 6/2022 tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, đối tượng Nguyễn Anh Khoa (30 tuổi) cũng đã có hành vi giam lỏng, đánh đập khiến cha ruột là ông N.V.B tử vong. Gần 1 tháng sau đó (20/7/2022), Toà án nhân dân tỉnh An Giang cũng đã mở phiên xét xử, tuyên phạt bị cáo Chau Đươnl (23 tuổi, trú tại huyện Tịnh Biên) án tử hình về tội “Giết người”. Đươnl là kẻ đã nhẫn tâm giết hại chính mẹ ruột của mình.
Những sự việc nêu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề suy đồi đạo đức nghiêm trọng của một số người trong xã hội. Họ không những không thực hiện tròn bổn phận của một người con ghi nhớ, báo đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ. Thay vào đó, chỉ vì lợi ích vật chất đã nhẫn tâm hủy hoại tài sản, thậm chí xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của chính mẹ mình thì thật đáng lên án.
Ở khía cạnh khác, hành động “mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ” là biểu hiện của việc bế tắc về nhiều mặt trong vấn đề giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, cụ thể là tranh chấp đất đai. “Để ngăn chặn, hạn chế những sự việc tương tự có thể xảy ra, giải pháp vẫn là đẩy mạnh, tăng cường giáo dục về đạo đức, lối sống, nhận thức cho người dân. Từ đó, mỗi người khi có mâu thuẫn, tranh cãi, khúc mắc sẽ biết mình nên làm gì, cần làm gì trong khuôn khổ của pháp luật, đúng với đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục” – Thạc sĩ Tâm lý học Cao Thị Hoàn nhấn mạnh.