Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự án nâng cấp, cải tạo QL53, QL62, Nam Sông Hậu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Cụ thể, tuyến QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si có có tổng chiều dài khoảng 39,18 km, điểm đầu tại Km11+295 thuộc địa phận xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km56+000 thuộc địa phận xã Phương Thạch, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ này thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, chiều rộng nền đường 12m. Trong tổng số 39,18 km sẽ nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu dài 21,68 km và làm mới tuyến tránh dài 17,5km.
Tuyến QL62 qua tỉnh Long An có chiều dài khoảng 76 km, điểm đầu tại Km0+000, giao với QL1A, thuộc phường 2, TP Tân An, tỉnh Long An; điểm cuối tại Km76+00, cửa khẩu Bình Hiệp, thuộc địa phận thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An.
Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến QL62 thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Các cầu trên tuyến được cải tạo, mở rộng, thay thế phù hợp với quy mô tuyến.
Tuyến đường Nam Sông Hậu có tổng chiều dài khoảng 141,6 km; điểm đầu tại ngã 5 cầu Cần Thơ (Km2+604 - Nam Sông Hậu); điểm cuối tại Km144+226 (Ngã ba giao giữa đường Nam Sông Hậu với Tỉnh lộ Bạc Liêu - Vĩnh Châu).
Tuyến đường này đoạn 1 từ Ngã 5 cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui sẽ nâng đường với cao độ đồng bộ với dự án mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui (do UBND TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư). Đoạn 2 từ cầu Cái Cui đến Ngã ba giao giữa đường Nam Sông Hậu với Tỉnh lộ Bạc Liêu - Vĩnh Châu, đường dẫn phía mố A đường vào cầu Tôn Đức Thắng sẽ thảm tăng cường 2 lớp bên tông nhựa cứng trên phạm vi mặt đường hiện hữu.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ trên có tổng mức đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 243,16 triệu USD. Trong đó, tuyến QL62 có tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. QL53 có tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Tuyến Nam Sông Hậu có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Nguồn vốn được đề xuất là vốn vay WB hơn 3.700 tỷ đồng, sử dụng cho các hạng mục chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí dự phòng. Vốn đối ứng khoảng hơn 1.800 tỷ đồng, sử dụng cho các hạng mục: chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng.
Thời gian thực hiện dự án trong vòng 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2023 - 2026).