Ba thói quen có lợi mà chúng ta nên học từ người tiền sử

(PLVN) - Giống như các sinh vật khác trên trái đất, loài người từ khi sinh ra đã có những đặc tính nhất định. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, con người lại tự hình thành những thói quen vô tình chống lại các đặc tính tự nhiên. Và điều này đôi khi lại có tác hại không tốt cho sức khoẻ của chúng ta. Dưới đây là một số hành động của con người đang chống lại quy luật tự nhiên:
Ba thói quen có lợi mà chúng ta nên học từ người tiền sử

Buồn ngủ thì phải đi ngủ

Ngủ là biểu hiện của cơ thể khi cảm thấy mệt mỏi, cần nạp lại năng lượng bằng cách nghỉ ngơi. Buồn ngủ thì phải đi ngủ - đó là quy luật của tự nhiên không chỉ của con người mà của nhiều loài động vật khác. Tuy nhiên, không giống như những loài động vật khác, con người có khả năng cố giữ đầu óc tỉnh táo và ngăn không cho bản thân ngủ gật trong một số trường hợp.

Ngoài ra, nhiều người còn thường sử dụng các thực phẩm, đồ uống có chứa caffeine để chống lại cơn buồn ngủ. Điều này hoàn toàn trái với tự nhiên và có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, về lâu về dài gây đau đầu, trầm cảm, tăng cân… Vì thế lần sau, kể cả khi có quá bận rộn, bạn hãy cố gắng sắp xếp công việc để không phải từ chối bản năng của mình nữa nhé!

Ngừng uống sữa trước tuổi 30

Dù các hãng sữa thường khuyên mọi người nên uống ít nhất 3 cốc sữa/ngày nhưng càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc dùng sữa sau giai đoạn trưởng thành không những không giúp ích mà còn có hại cho sức khoẻ người dùng.  Giáo sư khoa nhi Aaron E. Caroll của Đại học (ĐH) Y dược Indiana trong một bài viết trên New York Times đã chỉ ra con người là động vật có vú duy nhất tiếp tục dùng sữa - đôi khi là với số lượng lớn - sau khi trưởng thành.

Một nghiên cứu công bố trên JAMA Pediatrics, theo dõi 100.000 người cả phụ nữ và đàn ông trong hơn hai thập kỷ, xem việc uống sữa có giúp giảm tỉ lệ rạn xương hay không. Kết quả là sữa không hề giúp cải thiện tỉ lệ trên.

Ngoài ra, một tác hại nữa của sữa là đồ uống có hàm lượng calorie cao. Kể cả những người uống sữa không béo thì ba ly sữa mỗi ngày tương đương với 250 calorie. Các sữa có nồng độ béo thấp hay sữa thông thường thậm chí có lượng calorie cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu, uống sữa tiệt trùng có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hoá cũng như gây lão hoá sớm ở người trưởng thành. Việc tiệt trùng ở nhiệt độ cao khiến hầu hết các enzyme tiêu hóa trong sữa bị tiêu diệt. Thứ còn lại của sữa sau khi tiệt trùng là một lượng lớn đường lactose, cơ thể sẽ phải tăng cường tiết insuline để chuyển hoá đường, dẫn đến việc gia tăng gốc oxy tự do, làm suy yếu hệ thống chống oxy hoá - hệ thống duy trì sự trẻ trung của chúng ta.

Do đó, trẻ con uống sữa thì có lợi vì sữa giúp chúng lớn nhanh còn với những người trên 30 tuổi, uống sữa có hại nhiều hơn có lợi.

Di chuyển

Đặc thù công việc văn phòng khiến nhiều người trong chúng ta phải ngồi lỳ một chỗ làm việc ít nhất 8 tiếng/ngày, trong khi bản năng thời tiền sử của con người là di chuyển. Người tiền sử luôn phải di chuyển để săn bắt, hái lượm, di cư, hoặc để chạy trốn kẻ thù. Chính vì vậy, người tiền sử không bao giờ bị béo phì hay bị bệnh tim như con người ngày nay.

Vậy phải làm gì khi ngồi nhiều là yêu cầu bắt buộc của công việc? Thật may mắn là các nhà khoa học đã chứng minh được 2 phương pháp đơn giản giúp con người không bị chết sớm vì ngồi lâu. Cách thứ nhất là đi bộ 10 phút sau giờ làm việc.  Theo Jaume Padilla - Phó Giáo sư sinh lý và dinh dưỡng tại ĐH Missouri (Mỹ): “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nếu ngồi liên tục trong vòng 6 tiếng, lượng máu chảy xuống chân sẽ bị giảm đáng kể. Tuy nhiên, chỉ 10 phút đi bộ sau đó có thể giúp bạn giảm thiểu tác hại”. Thí nghiệm trên các ứng viên cho thấy, chỉ sau 10 phút đi bộ, phần mạch máu bị tổn hại đã được phục hồi nguyên trạng.

Cách thứ hai đó là cựa quậy trong khi làm việc. Nghiên cứu của ĐH Leeds (Anh) thực hiện trên các phụ nữ ở độ tuổi 37-78, trong suốt 12 năm. Trong đó, các khoa học gia đã thu thập thông tin về chế độ ăn, tần suất tập thể dục, tình trạng sức khỏe, và mức độ “sốt ruột” khi ngồi được chấm theo thang điểm từ 1 đến 10. Kết quả là, những người ngồi quá 7h/ngày có tỷ lệ tử vong hơn 30% so với những người khác. Đối với những người có trạng thái sốt ruột, cựa quậy không yên khi ngồi thì tỷ lệ là không đáng kể. 

Đọc thêm