'Bà trùm' hát Xoan được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong số 10 cá nhân xuất sắc được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm nay có nghệ nhân hát Xoan Nguyễn Thị Lịch - trùm nữ duy nhất trong lịch sử phường Xoan.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy động tác cuốn tay trong hát Xoan - nguồn ảnh Sở VHTTDL Phú Thọ
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy động tác cuốn tay trong hát Xoan - nguồn ảnh Sở VHTTDL Phú Thọ

Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021 diễn ra sáng nay, 15/10, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 91 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Trong danh sách 6 tập thể và 10 cá nhân xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hoá, y học, công tác xã hội, phát triển cộng đồng được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm nay còn có sự góp mặt rất lớn của ngành Y. Đó là hai tập thể nữ cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Hùng Vương – TP HCM; tập thể Hội Phụ nữ Bệnh viện Công an và PGS.TS bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo – Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – TP HCM.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch sinh năm 1950, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nối truyền hát Xoan. Ông nội bà là cụ Nguyễn Văn Trìu, bố là cụ Nguyễn Văn Thắng đều là trùm Xoan nổi tiếng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chọn hát Xoan để gắn bó không chỉ vì truyền thống gia đình, mà còn vì tâm thích của bà với lời ca, điệu múa của quê hương. Từ năm lên 9 tuổi, bà đã được ông nội và cha truyền dạy làn điệu và cho theo các cuộc trình diễn Hát Xoan trong các lễ hội ở đình làng.

Thời đất nước có chiến tranh, lễ hội nhiều nơi không được tổ chức, nhiều thứ bị mất đi hoặc gián đoạn nhưng mạch nguồn hát Xoan ở An Thái vẫn được duy trì. Hát Xoan vẫn được trình diễn hàng năm vào các dịp tiệc đình, bà Lịch cùng mọi người trong phường Xoan vẫn tự tổ chức tập luyện tại nhà trùm phường và truyền dạy cho nhau lúc bên giếng nước, khi trên cánh đồng.

Hát Xoan Phú Thọ được Unesco vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là phần thưởng lớn nhất đối với mỗi người dân Phú Thọ, đặc biệt là với các nghệ nhân hát Xoan - nguồn ảnh Sở VHTTDL Phú Thọ

Hát Xoan Phú Thọ được Unesco vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là phần thưởng lớn nhất đối với mỗi người dân Phú Thọ, đặc biệt là với các nghệ nhân hát Xoan -

nguồn ảnh Sở VHTTDL Phú Thọ

Sau hòa bình năm 1975, bà Lịch khi đó mới 25 tuổi, đã tự mình thành lập một nhóm Hát Xoan gồm 15 người ở nhiều độ tuổi và bà là người truyền dạy. Việc làm của bà được nhân dân và chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. Năm 1998, Câu lạc bộ hát Xoan An Thái - xã Phượng Lâu được thành lập.

Bà Lịch được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu là Chủ nhiệm câu lạc bộ. Năm 2006 được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận trở lại tên phường là Phường Xoan An Thái, bà Lịch được bầu là trùm phường và là trùm Xoan là nữ duy nhất của tỉnh Phú Thọ. Bà đã kế tục truyền thống của một gia đình trùm Xoan, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn hát Xoan. Bên cạnh hoạt động truyền dạy, tham gia các liên hoan văn hóa, văn nghệ, bà còn đóng góp tích cực trong xây dựng hồ sơ hát Xoan đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ghi nhận sự đóng góp, năm 2006, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2012, bà được UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan. Năm 2015, bà là một trong 19 người am hiểu về di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Phường Xoan của bà ngày càng thu hút được sự tham gia của nhiều người yêu Xoan. Đến nay, phường Xoan đã có 107 thành viên, ít tuổi nhất là 6 tuổi, cao tuổi nhất là 94 tuổi. Hiểu sâu sắc về những giá trị mà hát Xoan mang lại cho cộng đồng, nên bà liên tục mở lớp truyền dạy miễn phí hát Xoan cho các em nhỏ trong xã.

Cũng trong ngày 15/10, Lễ trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đã vinh danh 24 dự án tiêu biểu. Điều đặc biệt của cuộc thi năm nay là sự hưởng ứng tham gia tích cực của những phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV (1%), phụ nữ khuyết tật (5%) và phụ nữ hoàn lương (21%); 45% dự án/ý tưởng là của phụ nữ dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn; 10% dự án là sản phẩm OCOP, đạt chuẩn từ 3 sao trở lên cùng 24 dự án của các em nữ sinh viên các trường đại học trên cả nước…

Thành lập năm 2002, đến nay Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam đã thực sự trở thành niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Sau 19 năm thành lập, Giải thưởng phụ nữ Việt Nam đã trao tặng cho 93 tập thể và 164 cá nhân phụ nữ tiêu biểu nhất có thành tích đặc biệt xuất sắc. Các tập thể và cá nhân được trao giải là những điển hình tiêu biểu của nhiều lĩnh vực như giáo dục, nghệ thuật, thể thao, doanh nghiệp, sản xuất nông nghiệp, quản lý, nghiên cứu, y tế, nhân đạo từ thiện, an ninh quốc phòng… Những thành tựu trong nghiên cứu, lao động, sáng tạo của các chị mang lại lợi ích lớn lao cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội và có ý nghĩa quan trọng góp phần vào sự phát triển và bình đẳng của phụ nữ Việt Nam.