Giữ gìn văn hóa Việt - Góc nhìn từ gia phả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gia phả không chỉ là một tài liệu ghi chép phả hệ, lịch sử dòng họ, mà còn là một phương tiện quan trọng để các dòng họ khẳng định tính kế thừa và vị thế xã hội của mình. Có dòng họ danh tiếng, có dòng họ bình thường, nhưng dù thế nào thì cuốn gia phả không thể không có trong nhà thờ Tổ.
Nhà thờ Nguyễn Huy Tự (làng Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh) - một dòng họ đỗ đạt làm quan lớn ở đất Hà Tĩnh. (Nguồn: PV)
Nhà thờ Nguyễn Huy Tự (làng Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh) - một dòng họ đỗ đạt làm quan lớn ở đất Hà Tĩnh. (Nguồn: PV)

Giá trị của gia phả

Trong xã hội Việt Nam dòng họ nào cũng có gia phả. Ngày rằm tháng Bảy, rằm tháng Giêng, anh em dòng họ lại tụ họp nhà thờ Tổ cúng bái tổ tiên. Họ mở cuốn gia phả cho thế hệ tiếp nối biết nguồn cội của mình như một sự nhắc nhở “con người có Tổ, có Tông”.

Gia phả không chỉ có chức năng ghi chép phả hệ của dòng họ, mà còn đóng vai trò quan trọng như một tư liệu phản ánh chi tiết các hoạt động xã hội và cấu trúc nội bộ của dòng họ. Ngoài ra, nghiên cứu gia phả cũng giúp phân tích sự thích ứng và phát triển khác nhau của tư tưởng Nho giáo theo từng khu vực.

Trong gia phả dòng họ không chỉ ghi lại những thành tựu như công trạng trong chiến tranh, đỗ đạt thi cử, hay khai phá làng mạc, mà còn đề cập đến những sự kiện khác như các hình phạt, chia tách dòng họ hoặc làng xã, thay đổi họ do phá sản hay thất bại.

Ngoài ra, gia phả Việt Nam còn chứa đựng nhiều thông tin về phụ nữ (mẹ, vợ và con gái...) và nhà ngoại (cha vợ, con rể, và cháu ngoại...), qua đó phản ánh chân thực đời sống và những mâu thuẫn trong xã hội đương thời, thông điệp về xã hội Việt Nam trong quá khứ từ góc độ lịch sử.

Theo ông Jo Hoyeon, nghiên cứu sinh Trường Đại học Osaka, chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), Đại học Kyoto thì “Gia phả Việt Nam thời cận thế (sơ kì cận đại) cho biết sự ra đời của gia phả và giá trị của nó. Kết quả phân loại 238 tài liệu gia phả cho thấy quá trình biên soạn gia phả bắt đầu phát triển mạnh vào giai đoạn cuối thời Hậu Lê (thế kỷ 18), gia tăng nhanh chóng trong thời Nguyễn, đặc biệt đạt đỉnh vào nửa cuối thế kỷ 19. Về phương diện địa lý, phần lớn gia phả tập trung tại miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là khu vực Hà Nội và vùng lân cận, cho thấy có sự thiên lệch về mặt khu vực trong quá trình thu thập tài liệu”.

Ông Jo Hoyeon từ nội dung của gia phả đã chia các dòng thành sáu nhóm bao gồm: Hoàng tộc (Lê và Nguyễn) và dòng dõi công thần (bao gồm chúa Trịnh); Dòng họ có người đỗ Hương cống hoặc Tiến sĩ dưới triều Lê; Dòng họ có người tham dự kỳ thi Hương (sinh đồ); Dòng họ có người đỗ Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ dưới triều Nguyễn; Dòng họ không có ai đỗ đạt trong khoa cử; Dòng họ không rõ thông tin về khoa cử.

“Tầng lớp tinh hoa (các quan lại, hoàng tộc, người đỗ đạt) đóng vai trò trung tâm trong việc biên soạn gia phả, minh chứng cho việc gia phả chủ yếu được tạo lập bởi các dòng họ thuộc tầng lớp tri thức”, ông Jo Hoyeon cho biết. Ví như, họ Đoàn (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), bắt đầu nổi tiếng từ nửa cuối thế kỷ 17 với tư cách là một dòng họ võ quan. Đến thế kỷ 18, dòng họ này bắt đầu có các quan lại cấp thấp phục vụ trong Phủ chúa Trịnh. Từ nửa sau thế kỷ 18, với mối quan tâm lớn hơn tới sự nghiệp học hành, nhiều người trong họ Đoàn đỗ khoa cử giai đoạn thế kỷ 19 - 20, từ đó dần xác lập vị thế của dòng họ như một sĩ tộc (sĩ đại phu), tức tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Tiêu biểu là cụ Đoàn Trọng Huyên (1808 - 1882), là người đỗ cử nhân năm 1831 và làm quan đến Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ.

Ông Jo Hoyeon còn phát hiện ra rằng các chi phái trong cùng một dòng họ có sự cạnh tranh trong việc biên soạn gia phả, dẫn đến sự xuất hiện của nhiều phiên bản khác nhau của cùng một gia phả. Điều này có mối liên hệ với phong trào xây dựng từ đường vào thế kỷ 19, thể hiện rằng gia phả không chỉ là một tài liệu ghi chép phả hệ, mà còn là một phương tiện quan trọng để các dòng họ khẳng định tính kế thừa và vị thế xã hội của mình.

Vai trò phụ nữ trong gia phả

Có nhiều thông tin cho rằng phụ nữ bị gạt ra khỏi tập thể huyết thống phụ hệ, tức là dòng họ. “Tuy nhiên, bằng cách đưa gia phả vào nghiên cứu như một góc nhìn mới, đã chứng minh rằng bên cạnh vai trò quan trọng trong nội bộ dòng họ, phụ nữ cũng tích cực tham gia vào các nghi lễ thờ cúng và thậm chí trở thành đối tượng thờ cúng trong một số trường hợp. Sự cung tiến của phụ nữ không chỉ hướng đến cộng đồng làng xã, mà còn được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với gia đình và dòng họ. Nó phản ánh tầm quan trọng của phụ nữ trong cấu trúc dòng họ và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên”, ông Jo Hoyeon nhấn mạnh.

Gia phả dòng họ Đoàn ở Thanh Trì, Hà Nội. (Nguồn: Tư liệu)

Gia phả dòng họ Đoàn ở Thanh Trì, Hà Nội. (Nguồn: Tư liệu)

Ghi chép trong gia phả, cho thấy phụ nữ không chỉ đơn thuần là một thành viên trong gia đình, mà còn đóng vai trò quan trọng trong dòng họ thông qua việc kế thừa nghi lễ thờ cúng tổ tiên và hoạt động hiến tặng tài sản, để duy trì các thiết chế dòng họ và cộng đồng. Điều này cho thấy phụ nữ đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong tổ chức dòng họ. Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, phụ nữ cũng phải chịu gánh nặng kinh tế và xã hội gấp đôi, do họ vừa phải phục tùng nhà chồng, vừa phải duy trì trách nhiệm với gia đình bố mẹ đẻ.

Để minh chứng vai trò nữ giới trong việc thờ cúng tổ tiên, ông Jo Hoyeon nhấn mạnh rằng: “Từ gia phả cho thấy rằng ngay cả trong giới Nho sĩ, việc kế thừa lễ tế tổ tiên cũng được điều chỉnh linh hoạt dựa trên Quốc triều hình luật và các tập quán, chứ không hoàn toàn tuân theo nguyên tắc cứng nhắc của Nho giáo”.

Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) người viết tác phẩm nổi tiếng “Vũ Trung tùy bút” đã bày tỏ sự tiếc nuối khi nhận thấy con rể và cháu ngoại coi trọng nhà vợ hay mẹ hơn nhà nội mình. Điều này cho thấy tư tưởng Nho giáo vẫn chưa được định hình một cách triệt để. Đáng chú ý, đối tượng mà Phạm Đình Hổ chỉ trích không phải là dân thường mà là người thuộc tầng lớp Nho sĩ.

Trong các khảo sát tập quán của Pháp vào cuối thập niên 1920, vẫn tồn tại những ý kiến trái chiều trong giới Nho sĩ về vấn đề con gái kế thừa việc thờ cúng tổ tiên. Trong tiếng Việt, từ “câu chuyện” không chỉ mang nghĩa “chuyện kể”, mà còn có thể hiểu là “sự việc” hay “sự thật” của một sự việc. Thông qua câu chuyện về con người được ghi chép trong gia phả, chúng ta có thể tìm thấy “sự thật” đằng sau những biến đổi xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, để làm sáng tỏ thực trạng này, cần có sự khảo sát chi tiết và toàn diện hơn không chỉ đối với gia phả, mà còn đối với các nguồn tư liệu lịch sử khác, chẳng hạn như văn bia, địa bạ, văn tập và niên đại ký.

Liên quan đến sự thay đổi trong cách biểu thị thế hệ trong gia phả, đã có sự chuyển đổi từ "loại trung tâm bản thân" sang "loại trung tâm tổ tiên" trong cách ghi chép gia phả. Cụ thể, trong thế kỷ 18, hình thức "loại trung tâm bản thân" (tính từ đời thế hệ của cha là đời thứ nhất và đếm ngược lại) chiếm ưu thế, nhưng sang thế kỷ 19, "loại trung tâm tổ tiên" (lấy thủy tổ của dòng họ làm điểm khởi đầu) dần trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này vẫn xuất hiện các trường hợp quay trở lại hình thức "loại trung tâm bản thân" trong ghi chép gia phả.

Phân tích sâu hơn cho thấy hình thức "loại trung tâm bản thân" có mối liên hệ mật thiết với truyền thống thờ cúng bốn đời và phương thức ghi chép bài vị tổ tiên (thần chủ). Điều này cho thấy hình thức ghi chép gia phả này phù hợp với các nghi lễ thờ cúng tập trung vào người chủ tế và những nhu cầu thực tế trong quản lý tài sản và việc cúng giỗ của dòng họ. Ngược lại, hình thức "loại trung tâm tổ tiên" nhấn mạnh vào tính thống nhất của toàn bộ dòng họ và tính chính thống của thủy tổ, phản ánh sự ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của tư tưởng Nho giáo. Việc lựa chọn giữa hai hình thức biểu thị gia phả này cho thấy người biên soạn gia phả đã điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa tư tưởng Nho giáo và nhu cầu thực tiễn của dòng họ, theo ông Jo Hoyeon.

Đọc thêm