Lượng mưa tính từ 19h ngày 20/9 đến 1h sáng 21/9 phổ biến 5-20 mm, có nơi lớn hơn như Yên Bái 37 mm, Tuyên Quang 58 mm, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) 39 mm, Chợ Rã (Bắc Cạn) 37 mm, Định Hóa (Thái Nguyên) 75 mm…
Hiện, rãnh áp thấp bị nén có trục qua nam đồng bằng Bắc Bộ đang có xu hướng đầy dần lên.
Ngày 21/9, Bắc Bộ tiếp tục mưa vừa tới mưa lớn, rải rác có dông; tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh có khả năng xảy ra.
Cùng với lượng mưa lớn, nguy cơ lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất cũng được cảnh báo ở vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La.
Ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông, suối, ngập lụt ở đô thị có khả năng xuất hiện ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng
Tại miền Trung, mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang tiếp tục xuống, các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.
Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam bộ vẫn duy trì hình thái thời tiết nắng đẹp vào ban ngày và mưa dông rải rác về chiều tối, trời dịu mát về đêm.
Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, đợt mưa lũ từ 14 đến 20/9 đã khiến 18 người chết, mất tích và bị thương.
Trong đó 10 người chết do mưa, lũ (Hã Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Bình); 2 ngưòi tử vong do sét đánh. (Thanh Hóa; Nghệ An); 2 người mất tích (Quảng Bình, Nghệ An); 4 người bị thương (Phú Thọ, Quảng Bình).
Lũ cũng cuốn trôi 9 ngôi nhà và tốc mái 107 ngôi nhà, ngập úng tại 3.145 nhà tại Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An. Mưa lũ làm thiệt hại hơn 15.000 ha lúa và hoa màu, làm chết gần 4.000 còn gia súc, gia cầm. Nhiều tuyến đường giao thông ở quốc lộ, nông thôn bị sạt lở.
Riêng tại Thanh Hóa mưa lũ sau bão kéo dài này đã gây ra tổng thiệt hại tài sản khoảng 198 tỷ đồng.