Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Quốc hội chỉ có thể phát huy được vai trò của một thiết chế dân chủ khi nó có thực quyền và đại diện thực sự cho lợi ích của nhân dân, của một nước có độc lập. Do đó, để có được một quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Vai trò Quốc hội
Theo Người: “… Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương… Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định”.
Quan điểm “Quốc hội quyết định những công việc quan trọng nhất của Nhà nước” còn được thể hiện qua các chế định của Hiến pháp năm 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo.
Theo bản văn của Hiến pháp này thì tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam (Điều 1). Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Điều 22). Nghị viện có quyền làm luật (Điều 23). Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại. Nếu Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc Chủ tịch nước phải ban bố (Điều 31). Trong cơ cấu của Nghị viện nhân dân có Ban Thường vụ. Khi Nghị viện nhân dân không họp thì Ban Thường vụ có quyền biểu quyết sắc luật của Chính phủ (Điều 36). Nghị viện có quyền bầu ra Chủ tịch nước (Điều 45), bầu Thủ tướng, phê chuẩn danh sách Bộ trưởng do Thủ tướng trình, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Nội các (Điều 47, Điều 54), Nghị viện có quyền sửa đổi Hiến pháp nhưng phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70).
Như vậy, theo Hiến pháp năm 1946, Nghị viện là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định những công việc quan trọng nhất của Nhà nước nhưng quyền lực của Nghị viện cũng bị kiểm tra lại bởi các thiết chế nhà nước và bởi nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp mẫu mực về cách quy định ngắn gọn, súc tích, văn phong trong sáng và tổ chức khoa học về phân công quyền lực trong bộ máy nhà nước.
Trong mối quan hệ giữa Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, theo Hồ Chí Minh, Chính phủ, người đứng đầu Nhà nước cũng phải do Quốc hội bầu ra. Đó là lý do vì sao Người rất khẩn trương trong việc chỉ đạo tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Chính phủ chính thức thay cho Chính phủ lâm thời.
Và chính Người đã khước từ lời đề nghị của nhân dân về việc để Hồ Chí Minh làm Chủ tịch vĩnh viễn không qua bầu cử. Nghiên cứu một số hoạt động khác của Hồ Chí Minh còn thấy rằng trong tư tưởng của Người, Quốc hội còn là cơ quan thực hiện quyền kiểm soát đối với Chính phủ và người đứng đầu Nhà nước”.
Quốc hội – đại diện cho toàn dân
Về tính đại diện của Quốc hội, Hồ Chí Minh nhấn mạnh Quốc hội là đại diện cho toàn thể quốc dân Việt Nam và tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết toàn dân. Trong diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/3/1946), Người nói: “…
Trong cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối…”.
“… Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ: tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín… Vì vậy, Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam…”.
Từ cuối tháng 12/1946, đáp lại lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, các đại biểu Quốc hội đã cùng nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi kháng chiến thành công, ngày 20/3/1955, Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa I họp tại thủ đô Hà Nội.
Đọc lời chào mừng trong phiên khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi, đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, đem lại hòa bình cho đất nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết trong Quốc hội: “Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết. Ở đây, có đại biểu của tất cả các giai cấp yêu nước, của tất cả các dân tộc anh em, các tôn giáo, các đảng phái, của đồng bào Bắc, Trung, Nam. Tất cả chúng ta đều phải tăng cường đoàn kết… Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta…”.
Về bầu cử Quốc hội
Báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945 đã đăng bài viết “Về ý nghĩa tổng tuyển cử” của Bác Hồ. Người đã chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử: “… Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.
Một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, chiều 5/1/1946, trước hơn hai vạn đồng bào thủ đô Hà Nội đang mít tinh ủng hộ cuộc bầu cử, Bác Hồ đã nói: “Làm việc bây giờ là hi sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung…”. Hướng về phía cử tri, Bác đã căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”.
Hướng về phía các ứng cử viên, Bác nhắn nhủ: “Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để thay mặt cho mình gánh vác việc nước. Ngày mai người ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”…
Về ý nghĩa của cuộc bầu cử, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. “Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”. Và “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri...”. Từ đó, Bác khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.
Đại biểu Quốc hội –Vì lợi chung, vì Tổ quốc
Người rất hiểu vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng nói chung và vai trò của đại biểu Quốc hội nói riêng. Đại biểu Quốc hội là chủ thể giữ vai trò then chốt nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong việc thực hiện quyền lực nhà nước của Quốc hội. Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Người đã nêu rất cô đọng các đặc điểm cần và đủ như sau: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”; “những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.
Sau này, trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ hơn về phẩm chất của đại biểu Quốc hội. Người nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”. “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại biểu Quốc hội còn phải là người “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
Các đại biểu Quốc hội được nhân dân trực tiếp bầu ra, cho nên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình…”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Quốc hội thể hiện sự vận dụng sáng tạo các quan điểm của nhà dân chủ kinh điển và các nhà mác xít kinh điển vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Những luận điểm của Người là ngọn đuốc soi sáng con đường đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đứng trước cơ hội và thách thức to lớn của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, cần phải quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, làm cho Quốc hội ngày càng xứng đáng là đại biểu cao nhất cho quyền lực của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước.