Vượt qua khủng hoảng
Theo TS Cấn Văn Lực, giai đoạn 5 năm (2011- 2015) thì 2 năm đầu (2011-1012) có thể nói là “rất thảm”, giai đoạn đáy khủng hoảng, cực kỳ khó khăn. Giai đoạn sau có sự khởi sắc mạnh mẽ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng 5 công cụ, trong đó 3 công cụ NHNN đã khai thác khá tốt là lãi suất, giá, thị trường mở; còn 2 công cụ ít sử dụng hay sử dụng chưa hiệu quả là tái cơ cấu, dự trữ.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng so sánh: Nếu năm 2011 GDP tăng 6,2%, lạm phát 18,13% thì năm 2015, GDP đạt trên 6,5% và lạm phát ở mức thấp trong khi nhu cầu trong nước về tiêu dùng và đầu tư tăng lên. Theo bà Hồng, đó là bức tranh sáng sủa về chính sách vĩ mô.
“Cuối năm 2011, căng thẳng thanh khoản và có nguy cơ đổ vỡ, nhưng giờ đây nguy cơ đổ vỡ bị đẩy lùi. Nếu như thời điểm này những năm trước NHNN vô cùng vất vả trong hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thì gần như mấy năm gần đây, NHNN không cần tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản, thị trường và tính cạnh tranh, quản trị tại các ngân hàng tốt hơn…” - bà Hồng phát biểu.
Trong rất nhiều thành công đạt được trong 5 năm qua, theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe, chính sách tiền tệ đã đóng góp quan trọng vào kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là điều dễ nhìn thấy nhất.
“Chưa bao giờ Việt Nam đạt được sự đồng thuận đến như vậy, từ Chính phủ, NHNN, các bộ, ban ngành, các doanh nghiệp đều hưởng ứng, giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng…”- TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI nhận định.
Dư địa chính sách vĩ mô không còn nhiều
Điểm lại 10 thành công quan trong trong quản lý, điều hành chính sách tiền tệ 5 năm qua, song ông Phạm Xuân Hòe tỏ ra lo ngại khi tới đây dư địa chính sách vĩ mô (chính sách tiền tệ và tài khóa) không còn nhiều. Cụ thể, tín dụng tăng trưởng hàng năm 15 - 17% trong khi chất lượng nợ xấu vẫn chưa được cải thiện; bài toán tỷ giá và lãi suất VND - lãi suất USD sẽ chịu nhiều áp lực.
Thâm hụt tài khóa, nợ công cộng thêm cam kết đưa thâm hụt tài khóa về 4% trong trung hạn vẫn đang là thách thức lớn. Ngoài ra, rủi ro địa chính trị, tài chính toàn cầu, chính sách điều hành của ngân hàng trung ương các nước lớn tác động lan tỏa dễ gây tổn thương tới hệ thống tài chính Việt Nam, áp lực lớn cho thiết kế điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, quy mô tài chính, chất lượng tài sản, chất lượng quản trị công ty của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn hạn chế trong khi hội nhập càng sâu rộng…
Đưa nợ xấu về dưới mức 3% được xem là một trong những thành công, song theo TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nợ xấu vẫn đang là thách thức lớn hiện nay. “Chi phí hoạt động trên tổng chi phí của các ngân hàng Việt Nam hiện từ 16- 23%, trong khi khu vực từ 11- 14%. Không phải các ngân hàng quản lý yếu kém mà do nợ xấu. Con số này nói lên mức độ chịu đựng rủi ro của các ngân hàng là tốt hay xấu. Và với chi phí như thế này, khả năng giảm lãi suất của ngân hàng trung ương là rất khó, không phải cứ lạm phát thấp mà đã giảm được lãi suất…”- ông Phước phân tích.
Theo TS Phạm Xuân Hòe, cần có một nghị quyết đặc biệt/pháp lệnh của Quốc hội để tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong xử lý nợ xấu, trong đó phân chia rõ trách nhiệm về tài chính trang trải cho khoản lỗ khi bán khoản nợ xấu để mở được cho thị trường mua bán nợ phát triển…