![]() |
Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh Bạc Liêu tham gian hàng OCOP. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đến nay, toàn tỉnh có 49/49 xã đạt chuẩn NTM; 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Phước Long đạt chuẩn NTM và thành phố Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hiện huyện Phước Long được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025, qua triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Bạc Liêu có 160 sản phẩm của 79 chủ thể được cấp thẩm quyền đánh giá, công nhận sản phẩm đạt hạng OCOP 3 đến 4 sao. Trong đó, có 32 sản phẩm đạt hạng OCOP 04 sao và 128 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao.
Hiện, tỉnh Bạc Liêu đã có 7 sản phẩm vào được hệ thống các siêu thị trong nước, 9 sản phẩm có thị trường xuất khẩu. Đồng thời, có một số chủ thể OCOP của tỉnh có gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán 20 sản phẩm OCOP tại siêu thị GO! Bạc Liêu...
![]() |
Đại biểu tham dự Hội nghị. |
Nhìn chung, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hàng năm của tỉnh Bạc Liêu đều thực hiện theo quy trình, thủ tục và hồ sơ của sản phẩm tham gia, đảm bảo khách quan và chất lượng của sản phẩm tham gia. Đặc biệt, các sản phẩm tham gia đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng, phù hợp yêu cầu các tiêu chí theo quy định.
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Giai đoạn 2021 – 2024, toàn tỉnh Bạc Liêu triển khai hỗ trợ được hàng trăm mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố.
Cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 có hơn 9 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ (trung bình mỗi năm khoảng 2.300 hộ nghèo được hỗ trợ). Trong đó, có trên 75% tổng số hộ được nhận trợ giúp thoát nghèo bền vững; năm 2025 đã xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cho các đơn vị nhận giúp đỡ 500 hộ nghèo.
Ngoài ra, từ năm 2021 - 2024, tỉnh Bạc Liêu đã vận động từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp hỗ trợ triển khai xây dựng và sửa chữa được 3.185 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổng trị giá 137,8 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024 tổng số hộ nghèo của tỉnh còn 1.581 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,69%; hộ cận nghèo 4.236 hộ, chiếm tỷ lệ 1,86%.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và Chương trình OCOP giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, dành nhiều thời gian cho các Sở, Ngành, địa phương... thảo luận trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm trong thực hiện triển khai các chương trình trong thời gian qua.
![]() |
Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh Bạc Liêu phát biểu kết luận Hội nghị. |
Kết luận Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh Bạc Liêu đánh giá: “Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng".
“Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, Chương trình MTGQ giảm nghèo và Chương trình MTQG NTM, Chương trình OCOP do Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý. Sắp tới sẽ không còn tổ chức cấp huyện. Do đó, sẽ có những khó khăn, thách thức nhất định, nhưng sẽ là cơ hội để lồng ghép giữa các Chương trình với nhau, giúp chương trình phát huy được hết các nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, không trùng lắp nhiệm vụ”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định.
Ông Phạm Văn Thiều đề nghị các Sở, Ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan tập trung một số nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2025. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các văn bản quy định của các Chương trình bị ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy tham mưu cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn để triển khai các Chương trình đạt hiệu quả cao nhất góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của tỉnh từ 9% trở lên. Đồng thời, triển khai hiệu quả các nguồn vốn của các Chương trình đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.