Bạc Liêu là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn nên việc giảm nghèo được xem là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để giảm nghèo có hiệu quả, Bạc Liêu đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ.
Khởi nghiệp từ 30 triệu đồng vốn chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, đến nay gia đình ông Phan Văn Thượng ở xã Châu Hưng 3 trở thành mô hình điển hình về chăn nuôi trong xã |
Đến hết tháng 7/2016, thông qua gần 2.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, 87.944 hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay 1.477 tỷ đồng vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, chia sẻ những khó khăn của nông dân bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn trong những tháng đầu năm 2016, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã xem xét gia hạn nợ, đề nghị khoanh nợ và cho vay bổ sung 1.422 hộ với tổng số vốn gần 20 tỷ đồng.
Gia đình anh Kim Sơn Qui, người dân tộc Khmer ở ấp 13, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình được vay 30 triệu chương trình hộ mới thoát nghèo đầu tư cải tạo hồ nuôi tôm, gia đình anh được đánh giá sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi |
Trong những tháng cuối năm 2016, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu tăng cường phối hợp cùng chính quyền, các hội, đoàn thể củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, rà soát, phân tích xử lý nợ khoanh, phấn đấu nợ quá hạn dưới 1,8%.