Bạc Liêu vận động mọi gia đình đều trang bị bình chữa cháy

(PLVN) - Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), chủ động phòng ngừa cháy nổ, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra nhiều biện pháp để tăng cường quyết liệt công tác PCCC.
 Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy.
Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, trong công tác PCCC, phải lấy phòng ngừa là chính. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra; thực hiện phương châm “Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân”.

Các địa phương bảo đảm 100% hộ có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ liền kề phải tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Các khu phố trong khu dân cư, làng nghề, ngõ, hẻm tập trung đông dân cư có chiều dài từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận được phải thành lập “Tổ liên gia an toàn PCCC” và có tối thiểu một “Điểm chữa cháy công cộng”.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị tự trang bị ít nhất một bình chữa cháy (dạng bột ABC từ 4kg trở lên) tại gia đình; đồng thời, vận động người thân, nhân dân nơi cư trú thực hiện.

Theo Đại tá Bùi Xuân Khởi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát an toàn PCCC tại các chung cư và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC & cứu nạn, cứu hộ khẩn trương xây dựng kế hoạch, chủ trì, phối hợp tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự… có nguy cơ cháy, nổ cao để đánh giá thực trạng, đề ra các giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ; giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Công an tỉnh thường xuyên tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ cho Ban Quản lý chung cư, các cơ sở cho thuê trọ, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và các tổ liên gia an toàn PCCC. Vận động, hướng dẫn hộ gia đình có “chuồng cọp” mở lối ra khẩn cấp và 100% nhà từ 2 tầng trở lên có lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2 để thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.

Thượng tá Mai Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC cho biết, lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra thực trạng công tác phòng, chống cháy nổ, việc trang bị, vận hành hệ thống báo cháy, dụng cụ chữa cháy… tại các khu chung cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

TP Bạc Liêu là địa bàn có mật độ dân cư đông, nên để phòng ngừa nguy cơ xảy ra cháy nổ, Công an TP chỉ đạo Công an các phường, xã tăng cường xây dựng các mô hình PCCC ở địa bàn dân cư như Tổ liên gia an toàn PCCC; điểm chữa cháy công cộng; khu dân cư an toàn PCCC, Thượng tá Nguyễn Hoàng Ân, Trưởng Công an TP Bạc Liêu, cho biết.

Trong năm 2023, Bạc Liêu phấn đấu mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; 100% người làm nhiệm vụ PCCC tại các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải được tổ chức tập huấn; mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu một bình chữa cháy… Đến hết 2023, tất cả 226.853 hộ gia đình trong tỉnh tự trang bị bình chữa cháy.

Đọc thêm