Chúng tôi tìm về vùng bãi ngang ven biển thuộc huyện Lệ Thủy – một trong huyện có số diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lớn của Quảng Bình. Đang ít dần đi những cảnh máy san ủi hồ tấp nập, nông dân trải bạt nuôi tôm với giấc mơ đổi đời từ bãi cát, con tôm như trước. Hồ nuôi bỏ hoang, nước khô trơ đáy, guồng sục khí nằm chỏng chơ, nhà canh tôm bị tháo dỡ…
Đâu đó, trong câu chuyện bên chén trà, điếu thuốc của mấy bác nông dân là hoàn cảnh ông này, nhà kia nuôi tôm bị thua lỗ liên tiếp. Nợ ngân hàng chất đống, lãi không trả nổi, còn nói chi nợ gốc.
Thua lỗ triền miên
Giữa trưa nắng gay gắt và khô khốc, ông Ngô Minh Phiện (SN 1962) dẫn chúng tôi ra khu vực vùng cát nuôi tôm tập trung sát bờ biển ở thôn Thượng Bắc, xã Ngư Thủy Trung của huyện này. Vùng nuôi tôm này có 45 hồ nuôi với tổng diện tích 14ha.
“Tất cả các hộ nuôi tôm đều dính một trận lao đao vào cuối năm 2015 do thời rét, nhiệt độ nước hồ giảm mạnh khiến tôm chết hàng loạt. Đến đầu năm 2016, hàng chục chủ hồ tôm ở Ngư Thủy Trung tiếp tục gặp phải tình trạng tôm thả nuôi suốt mấy tháng trời nhưng rất chậm lớn, dù họ khẳng định rằng mình luôn nhất nhất tuân thủ với chế độ thức ăn, sục khí, thay nước theo yêu cầu kỹ thuật” - ông Phiện kể.
Giữa năm nay, tôm thả nuôi nhưng cũng bị chậm lớn và cứ chết dần mà người nuôi chẳng hiểu do đâu. “Như đợt giữa tháng 4/2016, khi thay nước biển vào hồ thì tôm chết dần một cách bất thường với 3 biểu hiện: nổi bơi lờ đờ rồi chết; cứ nhảy bắn lên khỏi mặt nước rồi chết và chết dần ở tầng đáy. Hai ba vụ liên tiếp không ăn thua, lỗ triền miên nên nhiều người bỏ hồ thôi nuôi. Còn lại gần chục hộ vẫn cầm cự với hy vọng thắng được vụ này để có tiền trả nợ nhưng đang thấp thỏm như ngồi trên lửa, chưa biết ra sao…” – một chủ hồ tôm khác là ông Trương Quốc Tuấn (SN 1965) lắc đầu nói.
Theo tính toán của UBND xã Ngư Thủy Trung, với 14ha diện tích hồ nuôi ở xã này, các chủ hồ tôm - mà chủ yếu là người từ nơi khác đến thuê diện tích để nuôi đã đầu tư vào đây hơn 60 tỷ đồng tổng chi phí vốn liếng mà đa số vay từ ngân hàng. Thống kê của UBND xã này ngày 30/5/2016 cho thấy, có 19 chủ hồ tôm thâm canh bị thiệt hại với mức trên 70%, bi đát vô cùng.
Cũng từ thông tin của UBND xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình, xã này có 116 hộ thuê đất tại 2 huyện Bố Trạch và Lệ Thủy để nuôi tôm và gặp phải sự cố tôm bị bệnh chết hàng loạt. Sau khoảng 4 tháng nuôi, các chủ hồ bơm nước biển tự nhiên vào thay trong hồ thì tôm có hiện tượng phát bệnh, chết hàng loạt.
Thiệt hại nặng nề nhất là các hộ của các ông Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Viết, Ngô Văn Định và Ngô Văn Hùng, thuê đất nuôi tôm ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy. Họ đầu tư thuê đất và nuôi tôm trên diện tích 3,7ha/12 hồ nuôi. Qua 4 tháng nuôi, tôm chậm lớn và trung bình cân sản lượng phải chừng 170 - 350 con/kg trong khi trước đây, nuôi sau 4 tháng sản lượng từ 100 - 120 con/kg. Tính sơ bộ, mỗi chủ hồ này đã bị mất từ 350 - 400 triệu đồng/hồ, hiện các chủ hồ tôm quyết định dừng nuôi, đợi các ban ngành chức năng có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân mới lên phương án triển khai nuôi vụ mới.
Thua lỗ liên tiếp, nợ chồng chất nên nhiều chủ hồ tôm ở Ngư Thủy Trung đã bỏ hồ hoang, guồng sục khí nằm chỏng chơ, cỏ mọc um tùm |
Nuôi tôm như đánh bạc
Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng dù cần vốn lớn nhưng được mùa thì sẽ thu lợi nhuận cao và nhanh. Khi chúng tôi hỏi các chủ hồ tôm đã bị thua lỗ trong mấy vụ vẫn tiếp tục liều nuôi, kể cả những người chưa một lần thắng lợi đúng nghĩa?
Tất cả họ đều trả lời rằng, dù biết nhiều rủi ro nhưng không thể bỏ được. Bởi nợ ngân hàng, vay trong vay ngoài, nợ tiền thức ăn nuôi tôm, tiền điện, lương thuê nhân công… đủ các khoản từ vụ trước dồn đống, ngoài nuôi tôm ra, không còn sinh kế khác để có đủ tiền trả nợ.
“Nhiều lúc nghĩ, đã lao vào nuôi tôm là như thằng nghiện cờ bạc, dứt ra là chết vì nợ nên phải cứ nuôi để duy trì hy vọng. Đã đâm lao, phải theo lao thôi” – ông Trương Quốc Tuấn ngao ngán khẳng định.
Gia đình ông Tuấn ở xã Hải Ninh nhưng ông cất công lên tận Ngư Thủy Trung để thuê đất, làm hồ nuôi tôm với giấc mơ thoát nghèo cho vợ cùng 5 đứa con đang tuổi ăn học. Hiện ông Tuấn đã bỏ vào gần 2 tỷ đồng cho 5 hồ tôm với diện tích hơn 1,5ha và càng lún sâu vào cảnh nợ nần.
Theo tính toán của ông, một hồ tôm khoảng 3.200m2, một vụ nuôi kéo dài khoảng hơn 4 tháng với 100 triệu tiền giống, 600 triệu thức ăn, tiền điện 150 triệu và các khoản nhỏ khác như thuốc, vôi, canxi… khoảng 150 triệu đồng. Tổng chi phí khoảng trên dưới 1 tỷ đồng nhưng vì tôm chậm lớn và chết dần nên khi bán chỉ thu được 3 – 4 trăm triệu đồng vì tôm lúc này rất rẻ, khoảng 30 - 40 nghìn/kg.
Nếu cùng thời điểm của trước đây, tôm cùng loại có giá khoảng 80 - 100 nghìn đồng/kg. Bởi vậy hầu hết mỗi hồ tôm đều chịu cảnh lỗ từ 5 – 6 trăm triệu, chưa kể công sức. Hiện số nợ ngân hàng và vay mượn bên ngoài của ông Tuấn đã lên đến hơn 2,7 tỷ đồng.
Trở lại trường hợp ông Ngô Minh Phiện, vụ này do không đủ vốn nên chỉ nuôi 8/10 hồ nhưng vì lo ngại nguồn nước biển không an toàn, ông quyết định nghiến răng bỏ thêm tiền khoan xuyên cát trắng tìm nước ngọt với độ mặn từ 5 – 7 o/oo (phần nghìn) để bơm thay nước thường xuyên cho tôm nhưng vẫn chưa biết ra sao vì tôm thường chỉ phát bệnh sau khi thả nuôi khoảng 2 tháng rưỡi. Mặt khác, nguồn nước ngọt không có hàm lượng khoáng cần thiết nên ông Phiện phải bỏ thêm hơn 200 triệu/lần cho 8 hồ/2,5ha để bù thêm khoáng và vi sinh.
“Nuôi đến tháng thứ 3 thì bắt buộc phải bơm nước biển vào vì tôm đã lớn cần làm vỏ nhiều, cần độ kiềm nhiều nên nếu không có nước mặn thì coi như đứt! Gồng cự đến đây là đuối rồi, nếu bơm nước biển vào mà gặp hiện tượng bất thường là tôi sẽ vớt tôm bán hết, may còn vớt vát cứu lại gần chục tỷ đồng đã đầu tư” – ông Phiện nói với vẻ liều lĩnh.
Hoàn cảnh của ông Trần Quang Thương ở phường Nam Lý, TP. Đồng Hới càng bi đát hơn. Ông thuê đất nuôi tôm ở thôn Thượng Bắc, xã Ngư Thủy Trung đã đến năm thứ 7, nhưng cứ liên tiếp lỗ chồng lỗ, đất đai nhà cửa đã thế chấp ngân hàng hết để vay vốn. Giờ ông đã nợ đến gần 2 tỷ đồng và phải dừng nuôi vì đã gần như kiệt sức.
Giữa trời trưa nắng rát hắt xuống vùng cát bỏng như chảo rang, ông vẫn ngồi thẫn thờ, mắt nhìn ra phía hồ tôm bỏ hoang nói như vô hồn: “Bây giờ nhà tui còn chẳng muốn về vì thấy có lỗi với vợ con, nợ chất đống không biết cách nào trả nổi. Con cái gọi điện lên hỏi thăm, cũng chẳng muốn nghe… Chỉ mong sao các ban ngành chức năng sớm tìm được nguyên nhân tôm chết, để biết mà khắc phục và thả nuôi trở lại”.
Tôm chết bất thường không rõ nguyên nhân được ông Trương Quốc Tuấn vớt lên từ hồ nhà mình |
Cần cơ chế phù hợp!
Trước tình hình bất thường của ngành nuôi tôm tại Quảng Bình, ông Mai Văn Minh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, hiện Sở đang chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra, nghiên cứu tìm nguyên nhân tôm chết để có hướng xử lý và hỗ trợ kịp thời cho bà con nếu cần thiết.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình: Từ năm 2006, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bắt đầu được thử nghiệm với diện tích 1ha. Đến đầu năm 2016, toàn tỉnh có 1.087ha nuôi tôm nước mặn, nước lợ. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là 260ha với sản lượng 2.330 tấn, chiếm 23,9% diện tích và chiếm 52,3% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh.
Hạ tuần tháng 8 vừa qua, theo Bộ NN&PTNT, tiếp tục đà tăng trưởng, năm nay ngành tôm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu có thể vượt 3 tỷ USD với thị trường tiêu thụ lớn hơn 7 tỷ người trên thế giới. Trong tái cơ cấu thủy sản, con tôm có một dư địa lớn. Với ngành nông nghiệp, con tôm sẽ giúp bù đắp một phần tăng trưởng của ngành trong 6 tháng cuối năm. Do đó, phải đưa tôm thành mặt hàng chiến lược của quốc gia để có chính sách tạo động lực nhằm phát triển thương hiệu tôm Việt Nam lớn mạnh trên thị trường thế giới.
Nhưng theo ông Ngô Minh Phiện, đó là chiến lược, còn trên thực tế, chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ vay vốn cho người nuôi tôm là quá yếu ớt. “Như chúng tôi đầu tư nuôi tôm, cần cả tỷ đồng cho một hồ thì việc đi cửa ngân hàng là vô cùng khó. Bởi chắc chắn ngân hàng chỉ cho vay 1 – 2 trăm triệu/ha vì tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, thậm chí còn không muốn cho vay, sợ nuôi tôm rủi ro. Còn bình thường các dự án nuôi bò, nuôi lợn thì ngân hàng cho vay tiền tỷ” – ông Phiện nói. Hiện người nuôi tôm bị thua lỗ hy vọng sẽ vay được ngân hàng để cứu lại vụ mới nhưng chính sách cho vay không hề ưu đãi với họ.
“Nói đơn giản theo chính sách bây giờ làm 1 hồ tôm cần 1 tỷ, nhưng ngân hàng chỉ cho vay mỗi người khoảng 150 triệu. Không có vốn, buộc bà con phải chung vốn lại khoảng 5 người mới đủ đầu tư nuôi. Nếu cuối vụ thu hoạch có lời tầm 200 triệu thì cũng như lỗ vì lãi ngân hàng cao, 3 tháng lại đi trả một lần, bà con chẳng khác gì làm không công. Đuối càng đuối hơn là vì vậy” – ông Phiện lý giải thêm.