Phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2013-2017, thực hiện Chương trình phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018 - 2022 giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã thống nhất ban hành Chương trình phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở, lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 – 2022 trên địa bàn tỉnh.
Chương trình hướng đến tăng cường sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở, lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên đảm bảo thực hiện có hiệu quả thực chất Chương trình phối hợp 60/CTPH-BTP-TWHLHPNVN. Phát huy đầy đủ vai trò, nâng cao trách nhiệm của ngành Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở, lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2018-2022, hai ngành tăng cường phối hợp công tác để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ với các mục tiêu cụ thể hướng đến hoạt động thực sự hiệu quả, thiết thực với phương châm xuất phát từ cơ sở, phục vụ cơ sở và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo đó, đến năm 2022 có 200.000 lượt hội viên phụ nữ được phổ biến các kiến thức pháp luật cần thiết phù hợp với từng đối tượng cụ thể, ưu tiên các địa bàn trọng điểm, địa phương còn khó khăn trong tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; 100% Tổ hòa giải ở cơ sở có hòa giải viên là nữ, 100% hòa giải viên ở cơ sở là nữ được tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở hàng năm.
100% các cấp hội phụ nữ, phòng Tư pháp và công chức tư pháp hộ tịch cấp xã xây dựng và thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; 100% mô hình phổ biến giáo dục pháp luật của Hội Liên hiệp phụ nữ được duy trì hoạt động hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế; chú trọng xây dựng mô hình điểm tại các huyện, thị xã, thành phố.
100% hội viên Hội phụ nữ thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được tổ chức trợ giúp pháp lý trợ giúp khi có yêu cầu. 100% yêu cầu tư vấn pháp luật của hội viên Hội phụ nữ được tư vấn khi có yêu cầu. 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được đánh giá tác động về bình đẳng giới. 100% cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ, công chức tư pháp được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, bình đẳng giới, hòa giải ở cơ sở…
Phối hợp cung cấp thông tin cho nhau trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp và trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Tư pháp.
Phối hợp thực hiện hiệu quả các quy định về tham gia giám sát của các cấp Hội phụ nữ với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại Mục 4 Chương II Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 100% các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phối hợp giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Để đảm bảo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, hai ngành thống nhất các nội dung phối hợp cụ thể đảm bảo phát huy lợi thế của từng ngành, phù hợp với điều kiện thực tế như: Tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở, ưu tiên tập trung nguồn lực phối hợp tổ chức tại các đơn vị, địa phương có nhiều khó khăn, các nhóm phụ nữ tại khu công nghiệp, phụ nữ nông thôn, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình…Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương trực thuộc, Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp và Ban Chính sách luật pháp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh được giao nhiệm vụ làm đầu mối giúp Lãnh đạo hai ngành triển khai các hoạt động của Chương trình phối hợp đạt hiệu quả thiết thực và thực chất.