Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2024 của UBND tỉnh, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát và khẩn trương xử lý các “điểm nóng” gây ô nhiễm môi trường, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại Phong Khê (TP Bắc Ninh), CCN Phú Lâm (Tiên Du), Văn Môn (Yên Phong) và các địa phương có làng nghề gây ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT đôn đốc UBND cấp huyện tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện chậm nhất ngày 17 hàng tháng.
Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ các địa phương thực hiện việc trinh sát, mở đợt cao điểm xử lý ô nhiễm môi trường tại 3 khu vực trên; các địa phương rà soát, xây dựng đề án lộ trình bảo vệ môi trường tại các làng nghề khác trên địa bàn.
Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền; xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể, đưa ra giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo tiến độ đề ra.
Được biết, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê gồm hơn 320 cơ sở sản xuất trong 3 cụm dân cư và 2 CCN. Tất cả các cụm này đều có nhà xưởng xen lẫn, hoặc các hộ dân vừa sản xuất vừa sinh sống trong nhà xưởng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực như yêu cầu các hộ dân không sử dụng than hoặc chất thải công nghiệp để đốt lò, chuyển sang sử dụng lò hơi đốt nhiên liệu sinh khối, yêu cầu đấu nối nước thải về hệ thống xử lý nước thải tập trung của làng nghề; nhưng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để. Vẫn còn tình trạng lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Vì vậy, giải pháp quan trọng là di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
Từ chỉ đạo trên và theo tinh thần “không châm trước, không thoả thuận” của lãnh đạo UBND tỉnh, trong hai ngày 26 và 27/9, các Đoàn kiểm tra của TP Bắc Ninh đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn điện với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê.
Trong hai ngày, lực lượng chức năng đã kiểm tra 20 cơ sở, DN sản xuất giấy tại các khu Dương Ổ, Đào Xá và Châm Khê. Đa số cơ sở đều vi phạm về an toàn điện, chưa xuất trình được hồ sơ thủ tục về bảo vệ môi trường.
Trong quá trình kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, vận động, đã có 12 cơ sở viết đơn xin tự dừng hoạt động và ngừng cung cấp điện 3 pha; có 5 cơ sở buộc phải cắt điện khẩn cấp do mất an toàn về điện nghiêm trọng; có 1 cơ sở hoạt động trên đất sản xuất kinh doanh, đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đoàn kiểm tra yêu cầu khắc phục về an toàn điện trong 10 ngày; còn lại 2 cơ sở chưa liên lạc được và xảy ra sự cố trong quá trình kiểm tra.
Còn tại CCN Phú Lâm thuộc huyện Tiên Du, hiện có 31 cơ sở hoạt động sản xuất. Trong đó, 25 DN sản xuất giấy, 4 cơ sở sản xuất hơi thương phẩm, 1 nhà máy xử lý nước thải, 1 cơ sở tái chế nhựa. Một số cơ sở vẫn còn có vi phạm về an toàn lao động, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Thời gian qua, huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý với các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt 18 cơ sở tại CCN Phú Lâm với tổng số tiền hơn 4,8 tỉ đồng.
Đặc biệt, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cũng vừa ra quyết định khởi tố bị can với ông Ngô Xuân Lợi (nguyên Giám đốc Cty TNHH Xây dựng Sản xuất & Thương mại Phú Lâm, xã Phú Lâm) để điều tra hành vi “Gây ô nhiễm môi trường” theo khoản 3 Điều 235 BLHS.