Chống ô nhiễm nhựa: Cần phát huy vai trò 'đầu tàu' của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tháng 9, nhiều dự án chống ô nhiễm nhựa đã được khởi động tại các tỉnh, thành ở Việt Nam, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế và các cơ quan, tổ chức trong nước. Các dự án này nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người, đặc biệt là tại các khu vực đô thị và ven biển.
Rác thải nhựa ở Thủ đô rất cần giải pháp, quyết sách mạnh mẽ hơn. (Ảnh: Nam Nguyễn)
Rác thải nhựa ở Thủ đô rất cần giải pháp, quyết sách mạnh mẽ hơn. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Nhiều dự án chống ô nhiễm nhựa đã được khởi động tại Việt Nam

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang tích cực thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, do tính chất phức tạp, cấp bách cũng như những tác hại nghiêm trọng của vấn nạn này đối với nền kinh tế, xã hội tại địa phương.

Điển hình, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả quản lý rác thải. Với khối lượng rác thải nhựa chiếm gần 20% tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày, thành phố đã chủ động tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để xử lý rác thải nhựa. Chương trình Phân loại rác tại nguồn được triển khai thí điểm tại hai phường Ngô Mây và Nguyễn Văn Cừ, với sự tham gia của 8.000 hộ gia đình và 200 lao động phi chính thức. Chương trình dự kiến sẽ được mở rộng ra toàn thành phố vào tháng 7/2025.

Mới đây nhất, UBND thành phố Quy Nhơn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chính thức khởi động Chương trình Phân loại rác tại nguồn và khánh thành Cơ sở thu hồi Vật liệu (MRF) vào ngày 23/9. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn và cải thiện quản lý rác thải nhựa tại địa phương. Cơ sở MRF sẽ giúp thu gom và xử lý 4 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, tạo việc làm xanh và đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn phát thải thấp. Dự án này là một phần trong kế hoạch dài hạn được hỗ trợ bởi Chính phủ Na Uy, nhằm thúc đẩy quản lý rác thải bền vững và trao quyền cho lao động phi chính thức. Thông qua các chương trình quản lý rác thải hiệu quả hơn, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn nhấn mạnh cam kết của thành phố trong việc duy trì danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, tiếp tục là chuẩn mực của sự bền vững về môi trường.

Trước đó, nhân dịp Ngày Làm cho Thế giới Sạch hơn 20/9, UNDP và Tổ chức Làm sạch Đại dương (The Ocean Cleanup) đã hợp tác với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh để khởi động chương trình “Chiến binh xanh, Công nghệ sạch”. Diễn ra trong 3 ngày 18 - 20/9, sự kiện đã thu hút nhiều thành phần tham gia, từ người dân, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cho đến các doanh nghiệp, với mục tiêu chung là chống ô nhiễm nhựa trên các dòng sông. Các hoạt động trong chương trình không chỉ dọn dẹp các “điểm nóng” ô nhiễm mà còn chia sẻ các sáng kiến giúp ngăn chặn ô nhiễm nhựa từ sông đổ ra biển. Ví dụ, từ năm 2021, thành phố Cần Thơ đã thí điểm hệ thống Interceptor 003 của The Ocean Cleanup, một công nghệ hiện đại giúp thu gom đến 50 tấn rác mỗi ngày từ sông Cần Thơ. Hệ thống này đã được bàn giao cho chính quyền địa phương vào tháng 4/2024.

Những sáng kiến như hệ thống Interceptor tại Cần Thơ và cơ sở MRF tại Quy Nhơn đều là những bước tiến lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa từ nguồn, tạo động lực khuyến khích thêm nhiều đổi mới sáng tạo trong quản lý rác thải. Đáng chú ý, các dự án tại Cần Thơ, Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh đều có sự tham gia của các đối tác quốc tế, như UNDP và The Ocean Cleanup, cùng chính quyền địa phương.

Hà Nội cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp môi trường phát triển

Trong mục tiêu quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa, Việt Nam cam kết giảm 75% rác thải nhựa biển vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, cần sự nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ từ các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt cần một “nhạc trưởng” dẫn dắt đổi mới và sáng tạo trong các phong trào chống ô nhiễm nhựa.

Đáng nói, Hà Nội, với vị thế là Thủ đô và trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước, luôn được kỳ vọng sẽ đóng vai trò “đầu tàu”, trở thành hình mẫu cho các đô thị khác trong cả nước noi theo. Cũng là trung tâm công nghệ và sáng tạo, Hà Nội có tiềm năng tiên phong trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao hệ thống thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa. Việc thúc đẩy hợp tác quốc tế cũng sẽ giúp thành phố triển khai những dự án lớn trong quản lý rác thải, cải thiện hạ tầng và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Tuy nhiên, số lượng dự án về quản lý rác thải tại Hà Nội hiện vẫn còn hạn chế và chưa mang lại hiệu quả thực sự, nhất là khi phần đông cư dân Thủ đô vẫn chưa ý thức được sự cần thiết của phân loại rác tại nguồn, tái chế rác. Thậm chí cả việc nhỏ như vứt rác đúng chỗ, nhiều người cũng không làm được. Nhận thức cộng đồng còn hạn chế chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến vấn nạn rác thải nhựa tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng hơn qua các năm.

Nhiều đề xuất, góp ý giải quyết vấn đề này đã nhấn mạnh giải pháp tiên quyết là cần ban hành và thực thi các chính sách quản lý rác thải nhựa hiệu quả, từ việc hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần đến quản lý chặt chẽ quy trình thu gom, phân loại, tái chế. Thành phố cần cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp môi trường phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải, kết hợp tăng cường giám sát các hoạt động gây ô nhiễm từ nguồn thải.

Đọc thêm