Bác sĩ công khai hình ảnh nhạy cảm của bệnh nhân trên MXH: Khi nào bệnh nhân có quyền khởi kiện?

(PLO) - Lâu nay, từ người kinh doanh nhỏ lẻ đến các nhãn hàng, hệ thống thương mại điện tử ở Việt Nam đều đua nhau livestream (phát trực tiếp trên Facebook) để giới thiệu sản phẩm. Thậm chí, gần đây, các bệnh viện thẩm mỹ, thẩm mỹ viện,... cũng bắt nhịp nhanh chóng cùng trào lưu này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo pháp luật quy định, không cá nhân hoặc tổ chức nào có quyền sử dụng hình ảnh của cá nhân khác nếu không được sự cho phép của người đó. 

Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân, đây là yếu tố tinh thần gắn liền với mỗi cá nhân, hình ảnh của mỗi cá nhân bị xâm phạm không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm.

Truyền tải thông điệp hay “mánh khóe” quảng cáo?

Tính năng livestream trên mạng xã hội ra đời và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Ở đó, mọi người có thể tương tác một cách trực tuyến, góp phần giúp mọi thông tin được lan tỏa một cách nhanh chóng.

Mới đây nhất, ngày 26/2, tài khoản Facebook của Bệnh viện Thẩm mỹ Việt Mỹ (quận 1, TP HCM) livestream cảnh bác sĩ Chiêm Quốc Thái đến phòng bệnh lì xì, khám hậu phẫu cho bệnh nhân vừa phẫu thuật thẩm mỹ. Clip dài hơn 4 phút cho thấy phòng bệnh có 6 bệnh nhân vừa nâng ngực, mông, được đeo khẩu trang. Tuy nhiên, một nữ bệnh nhân vẫn chưa kịp che mặt khi bắt đầu livestream,... Đoạn livestream xuất hiện trên Facebook đã thu hút rất đông sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhiều ý kiến tranh cãi cũng từ đó nảy sinh. 

Đây không phải lần đầu những clip này xuất hiện trên mạng xã hội. Thực tế, nhiều thẩm mỹ viện, spa vẫn luôn dùng cách livestream việc nâng mũi, phun xăm lông mày, cắt mí,... để quảng cáo dịch vụ làm đẹp của cơ sở mình. Nhiều nơi đang xem việc đăng tải hình ảnh bệnh nhân trong quá trình hậu phẫu như một trào lưu mới, chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội, thậm chí không ít những hot girl, hoa hậu, người mẫu,... cũng thường xuyên được mời để tham gia quảng cáo cho các cơ sở thẩm mỹ. 

“Càng ngày livestream trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành công cụ dùng để quảng cáo của các cơ sở và chúng ngày càng tràn lan trên mạng xã hội. Không ít những hình ảnh nhạy cảm vẫn thường xuyên công khai xuất hiện ở đâu đó”, chị Nguyễn Thị Huyền (Tân Triều – Hà Đông) chia sẻ. 

Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Yên (Mộ Lao – Hà Đông) cho biết: “Mặc dù các bệnh viện, thẩm mỹ viện dù không để lộ những hình ảnh nhạy cảm của khách hàng thì cá nhân tôi vẫn luôn muốn được giữ bí mật thông tin cá nhân chứ không muốn bị công khai. Theo tôi, bác sĩ hay các cơ sở thẩm mỹ dù đã được bệnh nhân đồng ý nhưng lạm dụng quá mức chiêu trò này để “đánh bóng” thương hiệu thì cần phải xem xét”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, bác sĩ không được phép công bố tình trạng bệnh cũng như danh tính bệnh nhân. Tuy nhiên, theo Luật Dân sự, mọi thông tin cá nhân nếu được sự đồng ý của người được công khai có thể được phép thực hiện. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào người bệnh. Trong trường hợp livestream của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, cơ quan chức năng cần làm rõ địa điểm tiến hành. Bởi phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được phép thực hiện ở bệnh viện, còn tại phòng khám là sai quy định.

Khi nào bác sĩ bị xem là phạm luật?

Ngay sau khi những hình ảnh livestream của Bệnh viện thẩm mỹ trên  được phát ra, rất nhiều người cho rằng việc bệnh viện quay chụp hình ảnh các nữ bệnh nhân cùng các bộ phận nhạy cảm lên Facebook là phản cảm, thậm chí trong trường hợp quay chụp mà không được sự cho phép của người bệnh còn là vi phạm pháp luật.

Làm rõ hơn về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Phương Loan, chuyên gia luật - Công ty Cổ phần Tư vấn ĐLS Việt Nam, hình ảnh của cá nhân có thể được hiểu là sự tái hiện lại vẻ bề ngoài của một người bằng cách thức nào đó (chụp, ảnh vẽ, ảnh họa chép, tạc tượng, quay video…) có thể ghi lại và gây ấn tượng thị giác cho những người khác, khi được mọi người nhìn vào hình ảnh tái hiện đó có thể nhận diện được rằng đó là ai. Tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. 

“Theo điều luật đó, không cá nhân hoặc tổ chức nào có quyền sử dụng hình ảnh của cá nhân khác nếu không được sự cho phép của người đó. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân, đây là yếu tố tinh thần gắn liền với mỗi cá nhân, hình ảnh của mỗi cá nhân bị xâm phạm không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm… Trong tình huống của Bệnh viện Thẩm mỹ Việt Mỹ, bác sĩ Chiêm Quốc Thái chỉ được phép livestream trong trường hợp được tất cả các nữ bệnh nhân trong phòng bệnh đồng ý, nếu chưa có sự đồng ý của các bệnh nhân mà đã đăng tải hình ảnh lên trang mạng xã hội là vi phạm pháp luật”, bà Loan phân tích.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 32 của Bộ luật Dân sự 2015 có quy định, theo đó nếu phía bệnh viện thực hiện việc công khai hình ảnh của bệnh nhân mà không được sự đồng ý của họ, nhưng đảm bảo hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì có thể được xem xét không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

“Tuy nhiên, các cá nhân hoặc cơ quan khi sử dụng hình ảnh cá nhân khác trong các trường hợp này cần cực kỳ thận trọng, vì hiện giờ chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng về tiêu chí nào để xác định là hình ảnh cá nhân? Tiêu chí nào xác định đó là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng khi sử dụng hình ảnh của người khác?”, bà Loan nhấn mạnh. 

Do đó, bệnh nhân có quyền kiện bác sỹ, cơ sở y tế khi họ công khai đưa hình ảnh cá nhân của mình lên mạng xã hội nếu họ không được sự đồng ý của mình hoặc họ vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan. Pháp luật có những chế tài rất nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân. Phạt tiền 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. 

“Nếu hành vi livestream nói trên của bác sĩ phát tán lên internet có yếu tố nhạy cảm, phản cảm có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác: xâm phạm danh dự, uy tín của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù. Nhìn chung, quy định của pháp luật Việt Nam về quyền đối với hình ảnh của cá nhân được xem là phù hợp với xu hướng luật pháp quốc tế cũng như văn hóa của người Việt, khích lệ các hành xử nhân văn, nhân ái trong xã hội và bảo vệ tốt hơn quyền đối với hình ảnh của công dân và bảo đảm tính khách quan, có trách nhiệm hơn của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng mạng xã hội. Bệnh viện là một trong những đơn vị thường xuyên tiếp xúc và lưu trữ các tư liệu liên quan đến hình ảnh nhạy cảm và thông tin riêng tư của bệnh nhân, vì vậy cần phải thận trọng và sử dụng chúng đúng theo các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người khám chữa bệnh ”, bà Loan cho biết thêm. 

Ngành Y lúc nào cũng được học, được bàn, được rèn luyện về vấn đề y đức. Y đức là tôn trọng bệnh nhân, là đúng mực trong giao tiếp, trong thăm khám. Bên cạnh đó, việc giữ kín thông tin bệnh nhân phải luôn được coi trọng. Đối với những trường hợp, bác sĩ để lộ thông tin bệnh nhân nhằm mục đích “đánh bóng”, vụ lợi là vi phạm y đức. Do đó, bác sĩ không có quyền chia sẻ những gì mình biết về bệnh nhân cho bất cứ ai khi chưa được bệnh nhân đồng ý cũng như chưa được pháp luật cho phép.

Đọc thêm