Thông tin này được Thứ trưởng Y tế, GS.TS Lê Quang Cường chia sẻ tại Hội thảo tiến tới thi chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ đa khoa diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Ông Cường cho biết hiện xu hướng chung trên thế giới là đào tạo nhân lực y tế theo hai hướng rõ rệt. Thứ nhất đào tạo đội ngũ y, bác sĩ chuyên làm nhiệm vụ khám chữa bệnh (KCB), và đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu (thường có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ).
Ông Cường nhấn mạnh lâu nay ở Việt Nam, nhiều cán bộ ngành Y có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ vừa nghiên cứu vừa tham gia KCB. Do đó nhân lực ngành Y chưa có điều kiện phát huy hết năng lực. Trong khi trên thế giới, xu hướng đào tạo theo phương châm “học gì làm đấy”, học để nghiên cứu sẽ có chương trình đào tạo riêng so với người học xong để KCB. Việt Nam cần thay đổi để hội nhập.
Theo Thứ trưởng Cường, mới đây Bộ Y tế đã báo cáo và được Chính phủ cho phép đổi mới chương trình đào tạo nhân lực y tế theo hai hệ thống riêng biệt. Đó là hệ thống năng lực nghiên cứu và hệ thống KCB. Như vậy, ngoài việc có học hàm từ thạc sĩ trở lên, bác sĩ được phép KCB bắt buộc phải qua đào tạo chuyên khoa và dự thi để được cấp chứng chỉ hành nghề.
Một người học ngành Y sẽ phát triển thành hai hướng, hoặc là nghiên cứu hoặc là KCB. Từ trước đến nay, bằng cấp đào tạo bác sĩ chuyên khoa chỉ được coi là sự công nhận cấp Bộ, nhưng sau này sẽ được công nhận cấp quốc gia.
Ông Cường giải thích: “Thời gian tới sửa đổi Luật KCB, chỉ có bằng cấp chuyên khoa mới được KCB. Còn hệ thống bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ chỉ dùng trong hoạt động nghiên cứu. Ngược lại, nếu người hoạt động KCB muốn tham gia nghiên cứu thì phải có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ”.
Bộ Y tế cũng đang tiến tới việc tổ chức thi chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ và hướng tới cấp giấy phép hành nghề có hạn định để đảm bảo các y, bác sĩ hoạt động đúng chuyên môn được đào tạo và thường xuyên cập nhật kiến thức thông qua việc thi cấp chứng chỉ có hạn định 5 năm 1 lần.
Thứ trưởng Cường khuyến cáo, nếu các cơ sở đào tạo y, bác sĩ không thay đổi chương trình tiếp cận, bản thân các y, bác sĩ không thay đổi thì với thực trạng hiện nay, tỉ lệ thi rớt chứng chỉ hành nghề sẽ không hề nhỏ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng xã hội muốn hưởng thụ chất lượng cao về nhân lực ngành Y thì cần có quy định chặt chẽ về đào tạo cán bộ đạt chuẩn năng lực nghề nghiệp. Hiện Luật KCB chưa quy định rõ yêu cầu thi cấp chứng chỉ hành nghề KCB là thiếu sót lớn.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thì cho biết, qua khảo sát thực tiễn chung, Việt Nam thuộc nhóm ít nước vẫn chưa tổ chức thi chứng chỉ hành nghề bác sĩ đa khoa (BSĐK). Ở phần lớn các nước, thi chứng chỉ hành nghề BSĐK là kỳ thi cấp quốc gia, mang tính chất bắt buộc. Nhiều nghiên cứu cho thấy có sự tương quan giữa việc tổ chức thi chứng chỉ hành nghề BSĐK với chất lượng KCB. Những nước có tổ chức thi chứng chỉ có tỉ lệ phàn nàn của người bệnh thấp và ngược lại. Thế nhưng, Việt Nam nằm trong nhóm ít các nước không tổ chức thi chứng chỉ.
Lưu ý khi đổi mới chương trình đào tạo nhân lực ngành Y, bà Hạnh nhấn mạnh một số điểm sau: Thứ nhất, Việt Nam là một trong ít nước sử dụng cụm từ chứng chỉ hành nghề, còn các nước phần lớn sử dụng cụm từ “giấy phép hành nghề”. Theo bà Hạnh, dùng khái niệm “chứng chỉ” dễ gây ngộ nhận loại giấy tờ này được cấp một lần và không bị thu hồi.
Thứ hai, Việt Nam lâu nay chỉ sử dụng một loại chứng chỉ hành nghề y, trong khi các nước sử dụng đa dạng chứng chỉ với từng nhóm đối tượng cụ thể. Ví dụ, chứng chỉ dành cho người nước ngoài hoạt động KCB, chứng chỉ dành cho người trong nước hay sinh viên mới ra trường. Do đó, nên quy định có nhiều loại giấy phép.