Nhập viện vì bị lạm dụng thuốc giảm đau
Bà Nguyễn Thị H. (54 tuổi, ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bị gãy xương đùi, đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên. Qua ghi nhận của bác sĩ, khuôn mặt bà H. tròn, da mỏng tang, tay chân teo, có nhiều vết bầm do xuất huyết, bể mạch máu, đồng thời tụ mỡ ở vùng ngực và bụng, cơ thể không cân đối, vận động khó khăn, tay chân rất yếu.
Các bác sĩ Khoa Ngoại - Chấn thương của bệnh viện cho biết, bà H có triệu chứng sử dụng thuốc corticoid thời gian dài, bị nhiễm trùng sau khi tiêm corticoid trực tiếp vào vùng háng để trị đau do thoái hóa khớp.
Người nhà cho biết mỗi khi bà H đau nhức xương khớp thường đến tiêm tại một phòng khám tư ở Thạch Trị, huyện Thạch Hà. Mỗi lần tiêm thuốc vào lại thấy khỏe trong người, hết mệt, ăn ngon miệng, ngủ thẳng giấc, nên khi bị đau, bà H lại tìm đến phòng khám tiêm thuốc cho khỏe, dẫn đến lạm dụng và nghiện thuốc.
Còn bà Tô Thị T. (76 tuổi, quê ở Thạch Châu, huyện Lộc Hà) bị viêm thần kinh tọa, phải nhập viện trong tình trạng xơ hóa cơ quanh khớp gối và xơ hóa bì, cao huyết áp, suy thận sau khi tiêm thuốc giảm đau kéo dài.
Bà T. cho biết, từ tháng 7/2013, bà thường xuyên bị đau nhức ở vùng đầu, lưng, khớp gối. Ban đầu bà nghĩ do hay đi lại nhiều dẫn đến mỏi khớp gối nên cũng không để ý, thi thoảng bà lấy dầu con hổ bôi vào vùng bị đau hoặc dán cao salonpas. Thế nhưng các triệu chứng đó không thuyên giảm mà ngày càng đau đớn. Nghe đồn ở Thạch Trị có một ông “bác sĩ” rất giỏi trong việc chữa trị các chứng bệnh về xương, thấp khớp, bà tìm đến.
Lần đầu tiêm thuốc, bà T không còn thấy đau nhức nữa. Nhưng một tháng sau, bà vật vã với những cơn đau như “dòi bò” trong sống lưng và đầu gối. Bà T lại tìm đến phòng mạch vị “bác sĩ” nọ... Tiêm thuốc xong, cơn đau nhanh chóng qua đi rồi… trở lại. Bà được ông “bác sĩ” điều trị hơn nửa năm, đến khi đầu gối, mặt và bàn chân đã phù nề không thể đi lại được, bà T phải đến Bệnh viện Lộc Hà.
Theo thông tin từ phía những người bệnh, họ đã điều trị, tiêm thuốc giảm đau tại nhà “bác sĩ” Ngọ, ở thôn Hồng Dinh, xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
“Phòng khám vườn” nhiều năm hành nghề không phép
Vị “bác sĩ” trên có tên đầy đủ là Dương Văn, vốn là một y tá, từng công tác tại Trạm xá xã Thạch Trị. Sau khi thôi việc tại trạm xá, ông mở phòng khám tại nhà riêng.
Hàng ngày nhà ông Ngọ có rất đông bệnh nhân ở các huyện Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà… ngồi chờ khám bệnh. Thông thường, bệnh nhân nằm lên giường, ông Ngọ đo huyết áp xong là chích thuốc vào mông. Khi chích, ông Ngọ không giải thích cho bệnh nhân biết chích thuốc gì, tại sao phải chích. Ông này cũng không kê đơn mà chỉ ghi chữ nhỏ li ti những ký hiệu thuốc gì đó vào tờ giấy và bảo bệnh nhân ra ngoài chờ đến lượt.
Một bà cụ tên Xuân, 70 tuổi, ở Đồng Khánh, Thạch Trị, đến khám chứng đau lưng. Ông Ngọ bóp vào lưng rồi nói: “Đi lại ít thôi, bị chùng cơ lưng rồi. Giờ tiêm hai mũi nhé”. Chích xong, ông Ngọ bảo uống thêm thuốc và ông này đưa một bịch thuốc rồi dặn cách uống. Bà cụ thắc mắc chích thuốc gì thì ông bảo: “Thuốc giãn cơ đó. Tiêm cho giãn cơ. Bớt đau liền”.
Bà Xuân có biểu hiện phù nề mặt sau một thời gian tiêm thuốc. |
Tương tự, với một bệnh nhân tên Khương, cũng ở huyện Thạch Hà, ông nói “chích nhé” rồi cũng bảo người này lên giường và chích hai mũi vào cột sống và mông. Sau đó, ông dặn 15 ngày hoặc một tháng đến chích một lần và uống thêm thuốc thì sẽ bớt đau rồi thu 100.000 đồng. Ông Ngọ đưa hai gói thuốc, dặn cách uống nhưng không có đơn nên có đến ba trong số năm loại thuốc người bệnh không biết là thuốc gì. Hai loại thuốc còn lại là Meloxicam (thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt) và Descotyl (thuốc giãn cơ và tăng trương lực cơ).
Những bệnh nhân được điều trị lâu dài tại nhà ông Ngọ không có bệnh án để theo dõi bệnh. “Phòng khám” không phép của “bác sĩ vườn” với cách điều trị bệnh “vô tội vạ” như trên hoạt động đã nhiều năm. Ông Nguyễn Hồng Loan - Chủ tịch UBND xã Thạch Trị cho biết: “Sau khi nghỉ hưu, ông Ngọ hành nghề tự do, mặc dù chính quyền địa phương nhiều lần can thiệp nhưng sau một thời gian, đâu lại vào đấy, đa số người bệnh đến đây từ nhiều huyện, xã khác nên việc tuyên truyền là bất khả thi”.