Bác sỹ 'ngâm' thủ tục, bệnh nhân bị cưa chân

(PLO) - Chỉ theo dõi bệnh nhân cấp cứu gãy chân bằng cách dùng điện thoại chụp lại hình, bác sỹ ở Bệnh viện huyện Nhơn Trạch đã khiến một bệnh nhân phải cưa chân.
Anh Tài tố Bệnh viện huyện Nhơn Trạch không cho chuyển viện, khiến anh bị cưa chân.
Anh Tài tố Bệnh viện huyện Nhơn Trạch không cho chuyển viện, khiến anh bị cưa chân.
Sau khi bị tai nạn giao thông tông ngã xuống đường, anh Nguyễn Phước Tài (33 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, làm công nhân) may mắn được những người dân bên đường sơ cứu, bẻ cành cây làm nẹp cố định hai chân bị gãy, đưa đến Bệnh viện huyện Nhơn Trạch cấp cứu.
Mặc dù bệnh nhân kêu đau, các bác sĩ vẫn không xử lý vết thương, chỉ theo dõi bằng cách lấy điện thoại chụp hình lại.
Điều đáng nói hơn, dù người nhà bệnh nhân liên tục xin được chuyển viện lên tuyến trên nhưng bác sĩ khẳng định “cần phải theo dõi thêm”. Hơn hai tiếng đồng hồ sau, chân trái của bệnh nhân đã hoại tử, buộc phải cắt bỏ.

Sự việc xảy ngày 5/7/2015, đến nay đã hơn một năm, gia đình anh Tài vẫn không hề nhận được một lời xin lỗi hay trách nhiệm bồi thường từ phía Bệnh viện huyện Nhơn Trạch. 

Chụp hình “theo dõi” bệnh

Phòng trọ của vợ chồng anh Tài cùng hai con nhỏ nằm cuối con đường ngoằn ngoèo dẫn vào xóm trọ tồi tàn, xập xệ. Cuối buổi chiều ngày chủ nhật, vợ anh là chị Nguyễn Thị Nga (25 tuổi) mới trở về sau một ngày cần mẫn tăng ca ở công ty.

Chị Nga buồn rầu cho hay, vụ tai nạn giao thông hơn một năm trước có lẽ chồng chị chỉ bị gãy chân, nhưng cuối cùng phải cưa một chân vì hoại tử. Sau tai họa đó, cuộc sống gia đình chị hoàn toàn đảo lộn, khó khăn chồng chất khó khăn. Ngồi bên cạnh vợ, anh Tài rầu rĩ không nói nên lời, chốc chốc gương mặt lại nhăn nhó vì đau đớn. 

Theo lời vợ chồng anh Tài, khoảng 15h30 ngày 5/7/2015, anh điều khiển xe máy từ nhà một người bạn cùng làm chung một công ty trên địa bàn huyện Nhơn Trạch trở về nhà. Khi đến đoạn ngã ba Phước An hướng đi về xã Long Thọ, dù đã cẩn thận chạy đúng làn đường quy định nhưng bất thình lình anh bị một nam thanh niên “hung thần đường phố” chạy ngược chiều tông ngã xuống lòng đường. 

“Đùng một cái, tui ngã xuống tối tăm mặt mày, cả người đau đớn không đứng dậy được. Mọi người gần đó thương tình chạy ra cõng tui vào lề đường. Thấy cả hai chân tui đều chảy máu thâm tím, đoán là bị gãy chân nên họ chạy đi bẻ cành cây, xé áo làm dây buộc, nẹp hai chân tui lại rồi mới gọi taxi đưa tui đến bệnh viện cấp cứu”, anh Tài nhớ lại. 

Anh kể thêm: “Tui được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nhơn Trạch khoảng lúc 15h40, được đưa vào một căn phòng chỉ có chiếc giường, không hề có dụng cụ y tế nào. Cán bộ bệnh viện chỉ đưa tui đi chụp X-quang một lần nhưng không thông báo kết quả, cũng không hề có bác sĩ nào đến thăm khám, xử lý hay sát trùng vết thương cho tui.

Chỉ có một thanh niên còn rất trẻ, mặc áo blue trắng đến lật người tui bên này sang bên kia để chụp hình những vết thương. Quá đau đớn, tui xin được chuyển viện thì người thanh niên đó kêu “cần phải để lại bệnh viện theo dõi thêm””.

Chị Nga bức xúc tiếp lời chồng: “Nhận được tin chồng bị tai nạn, tui ba chân bốn cẳng chạy đến bệnh viện. Lúc đó trong phòng có khoảng hai bác sĩ đi ra đi vào, khoảng 3 y tá và hộ lý. Dù chồng tui luôn kêu đau, đang dần mê man bất tỉnh nhưng họ vẫn không quan tâm.

Hết lần này đến lần khác tui khóc lóc van xin cho chồng tui chuyển viện nhưng họ cứ bảo “không phải vội, phải theo dõi thêm đã””. 

Theo lời kể, đến khoảng 17h40, anh Tài mới được làm thủ tục chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). “Hơn hai tiếng đồng hồ họ “ngâm” chồng tui ở bệnh viện để theo dõi, nhưng cách theo dõi của họ chỉ là chụp hình. Đến khi đưa chồng tui lên xe cứu thương, nẹp bằng cành cây do người dân buộc ở hai chân giúp anh, họ vẫn để nguyên xi. Lúc đó có một nam thanh niên mặc áo blue trắng đi cùng, tui không biết đó là y tá hay bác sĩ.

Xe vừa chuyển bánh, tui thấy chân của chồng tôi đã trắng toát rồi dần chuyển sang màu xanh đen. Quá hoảng hốt, tui mới hỏi người thanh niên đó: “Anh ơi, chân chồng em sao tái xanh, lạnh toát quá”. Người này ngẩng mặt nhìn tui rồi lạnh lùng trả lời một tiếng “ừ”. Sau câu trả lời, anh ta lại cúi mặt chăm chú vào chiếc điện thoại trên tay...”. 

Anh Tài cũng mất việc vì tai nạn.

Anh Tài cũng mất việc vì tai nạn.

“Mất” chân, mất luôn công việc

Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Nga bàng hoàng khi các bác sĩ thông báo chồng bị đa chấn thương, gãy kín 1/3 cẳng chân phải, gãy hở xương cánh chậu trái, trật khớp gối trái, tổn thương mạch khoeo trái. 

Điều khiến chị đau đớn như sét đánh bên tai là chân trái của anh Tài đã bị hoại tử, không còn cách cứu chữa, biện pháp cuối cùng là phải cắt bỏ, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. 

“Bác sĩ đưa cho tui tờ giấy đồng ý phẫu thuật cắt chân cho anh mà tui rụng rời chân tay. Họ giải thích thêm rằng, những vết thương của anh rất nhẹ nếu sơ cứu đúng cách và được phẫu thuật kịp thời. Đằng này hai chân của anh bị nẹp liên tục trong thời gian dài, cộng thêm vết thương ở xương cánh chậu trái làm tổn thương mạch máu phần chân trái, máu không thể lưu thông khiến chân trái đã bị chết. May mắn còn cứu được chân phải...

Nếu lúc đó cán bộ Bệnh viện huyện Nhơn Trạch biết cách sơ cứu, hoặc nhanh chóng chuyển chồng tôi lên tuyến trên thì chồng tui đã không đến nỗi bị cưa mất một chân như vậy”, chị Nga nức nở khóc. 

Sau khi được phẫu thuật cắt chân, vết thương còn chưa lành, anh Tài phải tiếp tục làm phẫu thuật ghép nối, đóng đinh ở cẳng chân phải. Hơn hai tháng điều trị ở bệnh viện, chi phí điều trị gần 300 triệu đồng, chị Nga phải nước mắt ngắn dài chạy vạy vay mượn khắp nơi, mọi tài sản trong nhà cũng “đội nón” đi theo. 

Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Sau khi xuất viện, anh Tài cùng vợ trở về quê ngoại ở Nghệ An điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng, với hi vọng có thể sớm trở lại làm việc, nhưng đột ngột, anh nhận được quyết định cho nghỉ việc ở công ty, đồng thời không nhận được tiền hỗ trợ vì tai nạn ngoài lao động. 

Anh Tài vốn là nhân viên quản lý thiết bị, lương gần 8 triệu đồng/tháng. Vợ anh là công nhân cùng làm việc ở Công ty Dệt TexHong (huyện Nhơn Trạch). So với những đôi vợ chồng công nhân khác, cuộc sống của vợ chồng anh có phần khá hơn.

Tuy nhiên, sau khi tai họa đột ngột ập xuống, người chồng trở nên tàn tật, mất cả việc làm khiến gia đình nhỏ càng lâm vào cùng cực. Mọi gánh nặng oằn lên vai người vợ. Chị Nga phải tăng ca làm thêm cả ban đêm và ngày nghỉ mới mong kiếm đủ miếng ăn cho cả gia đình. Hai con nhỏ tuổi ăn tuổi học phải gửi cho người thân bên nội chăm sóc. 

Trong căn phòng trọ chật chội chưa đầy 15m2, người đàn ông trẻ tuổi, vạm vỡ nhưng chỉ ngồi được một chỗ, việc đứng lên hay ngồi xuống phải vịn vào vách tường rất khó khăn, đi lại phải nhờ đến sự trợ giúp của người thân, hàng xóm. Chốc chốc gương mặt anh tối sầm vì đau đớn. Anh phiền muộn:

“Trước khi bị tai nạn, vợ chồng tui tích góp được gần 300 triệu, định bụng mua một mảnh đất ở miền quê tỉnh Long An, xây nhà để ổn định cuộc sống. Ai ngờ giờ tui bị tàn tật, chỉ còn một chân, công việc, vốn liếng cũng không còn, mọi ước mơ đã tan biến trong phút chốc. Vợ tui ngày càng gầy gò không biết trụ được bao lâu, hai đứa trẻ cũng cần phải đến trường...”.

Lại nói đến Bệnh viện huyện Nhơn Trạch, chị Nga cho hay: “Hơn một năm nay, vợ chồng tui bộn bề, nào lo cho anh, rồi lao vào làm việc kiếm sống, lại xuất thân thôn quê nên không biết kêu cứu ai.

Rõ ràng sự tắc trách, yếu kém chuyên môn từ các bác sĩ của Bệnh viện huyện Nhơn Trạch là nguyên nhân rất lớn khiến chồng tui bị “mất” chân, gia đình tui phải lâm cảnh bần cùng... Nhưng đến nay họ vẫn không một lời xin lỗi hay có trách nhiệm gì với gia đình tui”. 

Chị cũng bày tỏ hi vọng Bộ Y tế vào cuộc điều tra làm rõ kíp trực hôm đó của Bệnh viện huyện Nhơn Trạch để quy rõ trách nhiệm, đồng thời để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự với những bệnh nhân khác.