Hành trình từ một ước mơ
Sinh ra và lớn lên trong gia đình không có truyền thống nghề y, nhưng ngay từ khi còn nhỏ, chứng kiến người thân đau ốm bệnh tật và được các bác sĩ tận tình điều trị, Trần Thị Kim Dung đã nuôi dưỡng cho mình ước mơ sau này trở thành một bác sĩ chữa bệnh cứu người.
Những năm tháng học cấp 3, khi đọc được lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, chị lại càng quyết tâm theo đuổi nghề y và lấy đó là kim chỉ nam trong mọi công việc của mình trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp, chị về nhận công tác tại Khoa Cấp cứu – Chống độc – Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.
Làm việc tại Khoa Cấp cứu - chống độc là khoa bệnh nhân nặng, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng chị chưa từng nản chí, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không ngừng phấn đấu học hỏi, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Mới đây, chị đã hoàn thành khóa học Điện quang can thiệp và trở thành một trong số rất ít nữ bác sĩ can thiệp thần kinh của nước ta.
“Hàng ngày tôi phải chứng kiến rất nhiều sự đau đớn của người bệnh, cùng với đó là sự vất vả của đồng nghiệp, điều đó thôi thúc tôi luôn phải làm việc hết mình. Hơn nữa, khi chữa trị thành công cho người bệnh, nhìn thấy nụ cười và niềm hạnh phúc của họ và người thân, điều này giống như 1 liều thuốc tăng lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, ngày càng mạnh mẽ hơn trong công việc”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Suốt nhiều năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, bác sĩ Trần Thị Kim Dung luôn được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu quý, kính trọng bởi thái độ làm việc nghiêm túc, tận tâm, trách nhiệm và giỏi chuyên môn.
Chú ngựa chiến không ngại xông pha vào gian khổ
Với nhiệt huyết và sức trẻ, năm 2021, khi làn sóng dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trên đất nước hình chữ S, bác sĩ Trần Thị Kim Dung khi đó chưa lập gia đình, là một trong số những bác sĩ đầu tiên viết đơn tình nguyện xung phong tham gia chống dịch.
Chưa tiêm phòng vaccine lại đi vào vùng tâm dịch, bác sĩ Dung vấp phải sự phản đối, can ngăn từ gia đình. Nhưng nhìn thấy người dân và những đồng nghiệp của mình đang gồng mình chống lại dịch bệnh, chị không thể cầm được lòng. Cố gắng động viên, thuyết phục gia đình, chị quyết tâm xách balo lên đường vào chống dịch tại 3 tỉnh Đồng Tháp - Vĩnh Long - An Giang.
“Thời điểm tham gia chống dịch chưa lập gia đình nên tôi cũng hơi giống 1 chú ngựa chiến, cứ nơi nào cần, chỗ nào góp sức được là tôi phi thẳng đến, chẳng ngại khó khăn. Bản thân tôi cũng là một người luôn lạc quan, trong những giây phút khó khăn nhất, tôi luôn động viên mình, động viên đồng nghiệp chỉ cần tất cả cùng cố gắng hết mình thì chắc chắn sẽ chiến thắng được dịch bệnh thế là tôi cứ tiếp tục làm việc không biết mệt mỏi”, bác sĩ Dung bộc bạch.
Trong những ngày tháng cam go chống dịch ấy, công việc của bác sĩ Dung và đồng nghiệp thường xuyên quá tải, làm việc 18/24 tiếng mỗi ngày, không có thời gian nghỉ ngơi, nhiều đêm liền thức trắng. Khó khăn chồng chất khó khăn, bệnh nhân trở nặng, thiếu thốn vật tư, dịch bệnh lây lan nhanh, có những lúc bác sĩ Dung gần như bất lực. Thế nhưng, chính trong những khoảnh khắc ấy, chị lại nhận được sự động viên, chia sẻ từ chính những bệnh nhân mình điều trị.
Chị xúc động kể lại “Khi biết tôi là nhân viên y tế nữ duy nhất từ miền Bắc đến Bệnh viện Phổi Đồng Tháp, còn xa lạ với tất cả mọi thứ thì chính những cái bắt tay, những nụ cười của bệnh nhân đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để tiếp tục làm việc. Đối với tôi điều ấy quý giá biết nhường nào”.
Bác sĩ Trần Thị Kim Dung cũng giống như hàng trăm nhân viên y tế khác, quan niệm rằng giây phút được nhìn thấy bệnh nhân hồi phục là niềm vui không gì đo đếm được. Và còn hạnh phúc hơn nữa khi trở về với cuộc sống bình thường, những người bệnh từng được cứu chữa trước đó đã quay trở lại để gặp gỡ, cảm ơn những người đã bảo vệ sự sống cho mình.
“Có lần tôi tham gia vào cấp cứu ban đầu cho 1 bệnh nhân vào viện trong tình trạng đã ngưng tim. Sau nỗ lực ép tim liên tục suốt hơn 2 giờ, như phép màu tim bệnh nhân đập trở lại. Ngay sau đó tôi lại tiếp tục công việc khác của mình và quên đi sự việc ngày hôm ấy, vì đây đều là công việc phải thực hiện hàng ngày. Thế nhưng bất ngờ là sau 2 tháng ổn định, bệnh nhân đã quay lại viện để tìm gặp và cảm ơn tôi và các đồng nghiệp. Khi đó nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh hơn, yêu đời hơn tôi cảm thấy công việc của mình thật ý nghĩa và tự dặn lòng mình càng phải cố gắng hơn để cứu chữa được nhiều bệnh nhân hơn”, nữ bác sĩ nói.
|
Bác sĩ Trần Thị Kim Dung tham gia báo cáo với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh: NVCC |
Mặc dù đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng với mong muốn được cứu chữa, đồng hành cùng bệnh nhân, bác sĩ Dung đã xin ở lại và trực tiếp tham gia điều trị tại Trung tâm hồi sức tích cực - vòng cuối điều trị COVID-19 nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Phổi Đồng Tháp. Chị là người hỗ trợ cuối cùng rời khỏi Đồng Tháp, khi tình hình dịch bệnh đã tạm được kiểm soát.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại miền Nam, thời điểm bác sĩ Dung trở về cũng là lúc miền Bắc bắt đầu bùng phát dịch. Không biết mệt mỏi, chị lại tiếp tục tham gia vào công tác chống dịch bệnh đầy khó khăn, nguy hiểm.
Tuổi trẻ cống hiến hết mình để không hối tiếc
Ngoài các hoạt động chuyên môn, bác sĩ Trần Thị Kim Dung còn tham gia nhiều hoạt động của Đoàn thanh niên, của Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp và Công đoàn Cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, chị còn là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ thông tin, triển khai hiệu quả bệnh án điện tử toàn diện…
Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau nhiều năm công tác, đặc biệt là những cống hiến trong giai đoạn dịch COVID-19, Trần Thị Kim Dung vinh dự là thành viên trẻ tuổi nhất số trong 133 cá nhân, tập thể được nhận bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được tham gia báo cáo với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Hơn thế, chị cũng là một trong số 5 cá nhân và tập thể vinh dự được đại diện báo công lên Bác.
Nhìn vào bảng thành tích đáng tự hào vậy, nhưng bác sĩ Kim Dung luôn khiêm tốn cho rằng những cống hiến ấy còn rất nhỏ bé trên con đường đi của mình và luôn ý thức được rằng cuộc sống và vũ trụ rộng lớn. "Khi còn trẻ, còn có thể cống hiến tôi luôn cố gắng làm việc hết mình, chỉ có như vậy tôi mới thấy cuộc sống ý nghĩa và không phải tiếc nuối về tuổi trẻ của mình".
Không chỉ là một bác sĩ hết lòng vì người bệnh, một cán bộ công đoàn năng nổ, Trần Thị Kim Dung còn là tấm gương sáng trong thi hành pháp luật. Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chị luôn tuân thủ những quy định chống dịch của Bộ Y tế, tích cực tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Trong công việc hiện tại, chị đều luôn tuân thủ đúng những quy định của pháp luật, đặt nhiệm vụ cứu chữa người bệnh lên hàng đầu
Chị quan niệm “Pháp luật của nhà nước là ngọn đèn soi sáng, là lẽ phải nên tôi luôn làm việc đúng theo hiến pháp và pháp luật. Khi làm việc theo đúng pháp luật tôi cảm thấy yên tâm vì luôn được đồng hành và bảo vệ, cho dù là bất cứ ở đâu, bất cứ thời điểm hay hoàn cảnh nào. Mỗi người đều có những công việc, cuộc sống riêng nhưng chỉ cần luôn cố gắng hết mình, làm việc với tình yêu, nhiệt huyết và tuân thủ đúng pháp luật thì tôi tin rằng cuộc sống sẽ luôn trọn vẹn, ý nghĩa”, bác sĩ Trần Thị Kim Dung khẳng định.