Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội: Không ngừng đổi mới và phát triển

(PLVN) - Ngày 3/11/2024, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức gặp mặt truyền thống 45 năm ngày thành lập (10 /11/1979 – 10/11/2024 ) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Sau 45 năm thành lập, Khoa Pháp luật kinh tế đã chủ động, sáng tạo, phát triển không ngừng, có nhiều đóng góp trong thực hiện sứ mạng, tầm nhìn của Nhà trường. Nhân dịp này, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Nhà trường.
TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.
TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.

PV: Thưa TS. Đoàn Trung Kiên, được biết Khoa Pháp luật Kinh tế là một trong những khoa thành lập từ những ngày thành lập Trường Đại học học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường Đại học học Luật Hà nội), ông có thể làm rõ hơn về quá trình 45 năm hình thành phát triển của Khoa?

Khoa Pháp luật Kinh tế được thành lập ngày 10/11/1979 là một trong 4 khoa chuyên môn đầu tiên của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội). Từ những ngày đầu vô cùng thiếu thốn về cơ sở vật chất, hệ thống học liệu, đội ngũ giảng viên… cùng với Nhà trường, Khoa Pháp luật kinh tế từng bước vượt qua thời gian khó khăn, không ngừng đổi mới và phát triển trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, thể hiện ở những thành tựu nổi bật của cả người dạy và người học.

Xuất phát từ một chuyên ngành đào tạo của mã ngành luật học, năm 1979, Khoa Pháp luật kinh tếchỉ đảm nhiệm giảng dạy 04 môn học thuộc chuyên ngành Luật Kinh tế (Luật Kinh tế; Luật Đất đai, rừng, mỏ nước; Luật Lao động và Luật Hợp tác xã), đến nay, Khoa có 07 bộ môn chuyên môn gồm: Bộ môn Luật Thương mại, Bộ môn Luật Lao động, Bộ môn Luật Tài chính Ngân hàng, Bộ Môn Luật Môi trường, Bộ môn Luật Đất đai, Bộ môn Kinh tế học, Bộ môn Luật cạnh tranh. Mỗi bộ môn đảm nhiệm giảng dạy trên dưới 10 môn học.

Khoa Pháp luật Kinh tế là đơn vị có mã ngành đào tạo riêng, là đơn vị duy nhất của Trường xây dựng và vận hành 02 chương trình đào tạo đại học là Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế và Chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Luật Kinh tế. Với quy mô tuyển sinh từ 350 – 550 chỉ tiêu hằng năm, điểm tuyển sinh đầu vào ngành Luật Kinh tế của Trường luôn ở mức cao nhất trong các khối ngành luật trên phạm vi cả nước.

Hội thảo Nâng cao chất lượng đào tạo ngành Luật Kinh tế của trường Đại học Luật Hà Nội trong bối cảnh tự chủ đại học.

Hội thảo Nâng cao chất lượng đào tạo ngành Luật Kinh tế của trường Đại học Luật Hà Nội trong bối cảnh tự chủ đại học.

Bên cạnh đó, chương trình cao học Luật Kinh tế (định hướng nghiên cứu), cao học Luật Kinh tế (định hướng ứng dụng), chương trình đào tạo tiến sỹ ngành Luật Kinh tế cũng luôn thu hút người học, có độ cạnh tranh cao trong tuyển sinh. Điều này khẳng định uy tín đào tạo của Khoa Pháp luật kinh tế nói riêng và Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung.

Đặc biệt, với đội ngũ 68 giảng viên, Khoa Pháp luật kinh tế đang là khoa chuyên môn có đội ngũ giảng viên hùng hậu, trong đó có những chuyên gia có kiến thức chuyên sâu các lĩnh vực pháp luật đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật doanh nghiệp, pháp luật tài chính ngân hàng, pháp luật lao động, pháp luật cạnh tranh.

Giảng viên của Khoa đã tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và tương đương, hàng trăm đề tài khoa học cấp Trường, công bố nhiều bài viết đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành luật có uy tín ở trong và quốc tế; biên soạn giáo trình cho tất cả các môn học bắt buộc của Trường và tham gia biên soạn, thẩm định nhiều giáo trình của cơ sở đào tạo khác. Đặc biệt, cán bộ, giảng viên của Khoa đã xuất bản nhiều sách chuyên khảo, sách hướng dẫn học tập, trong đó có nhiều sách do Trung ương đặt hàng trong các lĩnh vực chuyên ngành Luật Kinh tế.

PV: Xin ông cho biết thêm về những thành tích nổi bật của Khoa Pháp luật kinh tế trong quá trình 45 năm hình thành và phát triển?

Trong quá trình 45 năm xây dựng và phát triển, Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đãluôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao, nhiều năm liền được tặng thưởng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giấy khen của Hiệu trưởng về thành tích xuất sắc trong công tác và thành tích xuất sắc đột xuất, theo chuyên đề.

Các thành tích của Khoa Pháp luật kinh tế được thể hiện ở nhiều phương diện. Cụ thể, Khoa là đơn vị duy nhất trong toàn trường đã xây dựng và phát triển được 02 chương trình đào tạo đại học: chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế (hệ tiêu chuẩn) và chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế Chất lượng cao. Khoa giữ vai trò chủ trì và triển khai 04 chương trình đào tạo sau đại học là: Chương trình đào tạo thạc sỹ ngành Luật Kinh tế định hướng nghiên cứu, Chương trình đào tạo thạc sỹ ngành Luật Kinh tế định hướng ứng dụng, Chương trình đào tạo thạc sỹ ngành luật kinh tế - chuyên ngành chính sách và pháp luật về biến đổi khí hậu theo định hướng nghiên cứu và Chương trình đào tạo tiến sỹ ngành Luật Kinh tế.

Nghiên cứu khoa học cũng là thế mạnh nổi trội của Khoa Pháp luật Kinh tế. Khoa luôn là đơn vị dẫn đầu toàn Trường trong hoạt động này. Khoa có nhiều giảng viên có uy tín cao trong nghiên cứu khoa học, tham gia sâu rộng vào việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và đề xuất các biện pháp nhằm tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật trong lĩnh vực kinh tế.

Thành tích nổi trội, có tính đột phá trong nghiên cứu khoa học của Khoa là đề xuất được nhiều giải pháp quan trọng, thiết thực trong việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (sửa đổi); Luật Nhà ở 2014 (sửa đổi); Luật Thủ đô 2012 (sửa đổi). Cả 04 Luật này được Quốc hội thông qua năm 2023 và năm 2024.

Lãnh đạo trường ĐHLHN làm việc với cán bộ chủ chốt Khoa pháp luật kinh tế.

Lãnh đạo trường ĐHLHN làm việc với cán bộ chủ chốt Khoa pháp luật kinh tế.

Bên cạnh đó, Khoa đặc biệt chú trọng tới đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đất nước với định hướng chủ đạo là đổi mới nội dung, chương trình dạy học, cập nhật những kiến thức mới mang tính thời sự nhất trong lĩnh vực kinh tế cung cấp cho người học; đổi mới các phương pháp giảng dạy nhằm thích ứng đa dạng với đối tượng người học; nâng cao khả năng ứng dụng và thực hành Luật cho người học... Cùng với đó, Khoa quan tâm, chú trọng tới phát triển và ươm mầm tài năng cho sinh viên chuyên ngành Luật kinh tế thông qua các hoạt động đa dạng như nghiên cứu khoa học, hướng dẫn và định hướng cho sinh viên tham gia các cuộc thi tranh biện, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Trường, các cơ sở đào tạo Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp… tổ chức.

Trong suốt 45 năm qua, Khoa Pháp luật kinh tế đã đào tạo được hàng chục ngàn lượt sinh viên, học viên ở các trình độ, các hệ đào tạo, góp phần xây dựng, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ pháp luật, tư pháp, bổ trợ tư pháp cho đất nước. Nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Khoa đã và đang giữ trọng trách trong các cơ quan, bộ máy Nhà nước ở Trung ương và địa phương; đang là các nhà giáo, nhà nghiên cứu, các luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên… danh tiếng của đất nước. Khoa Pháp luật Kinh tế và Trường Đại học Luật Hà Nội có quyền tự hào về điều này và cần coi đây là nguồn động lực to lớn cho hành trình phấn đấu, rèn luyện của các thế hệ giảng viên trẻ và sinh viên, học viên.

PV: Khoa Pháp luật Kinh tế cần xác định nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn phát triển tiếp theo là gì, thưa ông?

Khoa Pháp luật Kinh tế được kế thừa những thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên giảng viên đầu ngành, đặt nền móng vững chắc từ những ngày đầu thành lập Khoa. Bên cạnh đó, trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là đổi mới về kinh tế, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường và tiếp đó là sự phát triển nhanh của các quan hệ kinh tế trong bối cảnh hội nhập và phát triển về khoa học công nghệ, sứ mệnh của Khoa Pháp luật kinh tế luôn gắn liền và đặt trong bối cảnh có những thay đổi căn bản, không ngừng của khoa học luật kinh tế.

Trước những yêu cầu đặt ra cho Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đề án xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật ban hành theo Quyết định số 1156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung và Khoa Pháp luật kinh tế nói riêng cần phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nỗ lực đổi mới, sáng tạo không ngừng để thiết kế chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá; tiếp tục rà soát cập nhật đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng 02 chương trình đào tạo chuyên ngành luật Tài chính – Ngân hàng và chuyên ngành Pháp luật kinh doanh bất động sản để tuyển sinh từ năm 2025, Khoa cần chú trọng chuẩn bị các nguồn lực để tăng cường giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh, tiến tới thiết kế các chương trình đào tạo tiên tiến giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, các Chương trình đào tạo tăng cường các ngoại ngữ khác (Nhật, Pháp, Trung) đáp ứng nhu cầu và định hướng học tập đa dạng của người học nói riêng và nhu cầu đang dạng về nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, Khoa Pháp luật kinh tế cần tiếp tục phát huy vị thế và truyền thống của Khoa trong nghiên cứu khoa học, chú trọng hơn nữa các nghiên cứu cơ bản có chiều sâu, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tăng cường chất lượng và số lượng các sản phẩm khoa học và công bố quốc tế… góp phần vào thành tích chung của Trường Đại học Luật Hà Nội, cũng như công cuộc xây dựng và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm