Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự: Cần quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

(PLVN) -Sáng 30/10, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Một số khó khăn, vướng mắc của Luật Thi hành án dân sự và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp nêu rõ, sau hơn 14 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật Thi hành án dân sự vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, việc thực hiện còn có khó khăn, vướng mắc như trình tự, thủ tục thi hành án còn phức tạp, kéo dài, công tác phối hợp và trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự chưa hiệu quả…Hội thảo mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án dân sự và tổng hợp những đề xuất, kiến nghị để góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật. PGS.TS Nguyễn Minh Hằng cho biết thêm hiện nay, dự thảo Luật Thi hành án dân sự đang được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và trình Quốc Hội xem xét vào năm 2025.

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu khai mạc.

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu khai mạc.

Hội thảo là hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI. Đồng thời là dấu ấn thể hiện sự hợp tác toàn diện, sâu rộng giữa Học viện Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về việc kê biên quyền sử dụng đất

Về những khó khăn, vướng mắc trong việc kê biên quyền sử dụng đất (QSDĐ) của người phải thi hành án, TS. Bùi Nguyễn Phương Lê, Trưởng Khoa Đào tạo các chức danh thi hành án dân sự nêu rõ, QSDĐ luôn là đối tượng tác động của hoạt động thi hành án dân sự, thậm chí, xuất phát từ đặc tính không thể di dời được của QSDĐ, trong trường hợp thi hành nghĩa vụ trả tiền thì QSDĐ còn là đối tượng tác động chủ yếu của loại hình thi hành án dân sự này. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định về điều kiện kê biên QSDĐ, Chấp hành viên cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong trường hợp QSDĐ đang đứng tên người được thi hành án; việc kê biên QSDĐ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc kê biên QSDĐ thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất; trường hợp kê biên đối với với QSDĐ thuê.

TS. Bùi Nguyễn Phương Lê trình bày tham luận.

TS. Bùi Nguyễn Phương Lê trình bày tham luận.

Do đó, để hoạt động kê biên QSDĐ được thực hiện hiệu quả, TS. Bùi Nguyễn Phương Lê cho rằng, trong trường hợp kê biên QSDĐ khi tài sản đứng tên người được thi hành án, pháp luật về công chứng cần bổ sung các quy định về các giấy tờ thay thế khi xem xét để chứng nhận các giao dịch và xem xét để cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người đã nhận chuyển QSDĐ. Cụ thể, đối với trường hợp giấy chứng nhận đứng tên người khác nhưng có các giấy tờ chứng minh nó thuộc sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì cũng được xem xét để chứng nhận giao dịch và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người đã nhận chuyển quyền.

Trong trường hợp kê biên QSDĐ chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, TS. Bùi Nguyễn Phương Lê cho rằng pháp luật thi hành án dân sự vẫn cần tiếp tục quy định cho phép Chấp hành viên được kê biên đối với trường hợp này. Tuy nhiên, khi sửa đổi cần có sự thống nhất giữa pháp luật thi hành án dân sự, Luật Đất đai và Luât Công chứng thì mới giải quyết được các vướng mắc khi kê biên QSDĐ trong trường hợp này. Vì vậy, cần sửa đổi điều kiện chuyển nhượng QSDĐ trong Luật Đất đai theo hướng bổ sung trường hợp cho phép chuyển nhượng không cần giấy chứng nhận QSDĐ đó là trường hợp đảm bảo thi hành án. Đồng thời, pháp luật công chứng cần có hướng dẫn về các giấy tờ cần phải có trong hồ sơ công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ chưa có giấy chứng nhận QSDĐ để đảm bảo thi hành án.

Ngoài ra, về vấn đề kê biên QSDĐ chung của người phải thi hành án với người khác, theoTS. Bùi Nguyễn Phương Lê pháp luật về thi hành án dân sự cần có quy định bổ sung quy định về việc xác định giá trị tài sản trước khi kê biên trong trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản mà các tài sản đó không đủ để thi hành án như trường hợp xác định giá trị tài sản trước khi kê biên.

Nghiên cứu chỉnh sửa thủ tục định giá tài sản

Về thực trạng quy định của pháp luật về định giá tài sản trong thi hành án dân sự, TS. Lê Thị Hương Giang, Trưởng Bộ môn đào tạo nghề đấu giá, Học viện Tư pháp cho biết, trong thực tiễn thực hiện vẫn còn một số bất cập như: Thủ tục định giá tài sản thi hành án dân sự bị kéo dài, chưa đẩy nhanh được tiến trình xử lý tài sản kê biên; bất cập trong việc thực hiện các quy định về Chấp hành viên tự xác định giá khởi điểm tài sản kê biên để đưa ra đấu giá; việc tài sản thi hành án bị giảm giá nhiều lần khi chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực mới bán được tài sản kê biên là chưa phù hợp.

Để hoàn thiện pháp luật về định giá tài sản kê biên trong pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam, theoTS. Lê Thị Hương Giang cần nghiên cứu chỉnh sửa thủ tục định giá tài sản thi hành án dân sự theo hướng nhanh gọn, linh hoạt, trao quyền chủ động cho Chấp hành viên để tránh việc kéo dài thủ tục định giá trong tiến trình xử lý tài sản kê biên.

Theo đó, cần thiết bãi bỏ quy định đương sự thỏa thuận về giá khởi điểm tài sản kê biên hoặc tổ chức thẩm định giá; Bổ sung quy định Chấp hành viên thực hiện việc chấm điểm và lựa chọn tổ chức thẩm định giá theo quy định của Chính phủ (giao Chính phủ quy định chi tiết việc chấm điểm và lựa chọn tổ chức thẩm định giá).

Đồng thời, bãi bỏ quy định về Chấp hành viên tự xác định giá khởi điểm tài sản kê biên để đưa ra đấu giá, khôi phục lại cơ chế thành lập Hội đồng định giá để xác định giá khởi điểm trong trường hợp không có tổ chức thẩm định giá định giá tài sản. Trong giai đoạn hiện nay khi các tổ chức thẩm định giá phát triển rất mạnh cả về số lượng và chất lượng thì việc tồn tại hình thức Chấp hành viên xác định giá trị tài sản kê biên là không phù hợp với thực tiễn. Bổ sung thêm căn cứ định giá lại tài sản khi đã hết thời hạn sử dụng theo quy định của chứng thư và quy định giá theo chứng thư thẩm định giá là giá khởi điểm để tổ chức đấu giá.

Cần quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

Về vấn đề bảo vệ quyền dân sự của các cá nhân, cơ quan, tổ chức với sự tham gia của người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong thi hành án dân sự, PGS.TS. Bùi Thị Huyền, Trưởng bộ môn - Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu rõ, Luật Thi hành án dân sự quy định việc đương sự có quyền uỷ quyền cho người khác làm đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án được uỷ quyền tham gia kê biên, uỷ quyền xử lí tài sản để được xuất cảnh... Tuy nhiên, các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo uỷ quyền của đương sự trong thi hành án dân sự chưa được quy định trong một điều luật thống nhất. Bên cạnh đó, Luật Thi hành án dân sự cũng chưa có điều luật quy định về người đại diện theo pháp luật của đương sự và người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự. Các quy định về người đại diện theo pháp luật của đương sự về nguyên tắc được xác định theo các quy định từ Điều 134 đến Điều 143 Bộ luật Dân sự năm 2015.

PGS.TS. Bùi Thị Huyền phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Bùi Thị Huyền phát biểu tại Hội thảo.

Do đó, PGS.TS. Bùi Thị Huyền nhấn mạnh pháp luật thi hành án dân sự cần có quy định cụ thể về nội dung, phạm vi, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền của đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự. Việc quy định các nội dung liên quan đến người đại diện của đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự phải dựa trên các nguyên tắc của pháp luật dân sự. Đồng thời, để bảo đảm sự tương thích với pháp luật tố tụng dân sự cũng như bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp, cần ghi nhận sự tham gia thi hành án dân sự của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Tại Hội thảo, các đại biểu kiến nghị các nội dung cụ thể như: nên quy định trách nhiệm, quyền hạn của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là tham gia giải quyết, xử lý, thanh lý tài sản từ khi được Tòa án chỉ định cho đến khi chấm dứt việc phá sản; thống nhất pháp luật áp dụng cho toàn bộ quá trình thi hành quyết định tuyên bố phá sản; cần có một cơ chế riêng trong thủ tục thi hành án để xử lý đối với loại tài sản hình thành trong tương lai; cần nghiên cứu chỉnh sửa thủ tục định giá tài sản thi hành án dân sự theo hướng nhanh gọn, linh hoạt, trao quyền chủ động cho Chấp hành viên để tránh việc kéo dài thủ tục định giá trong tiến trình xử lý tài sản kê biên...

Đọc thêm