Đại hội XIV sẽ có những quyết sách rất mới cho kỷ nguyên mới
Chia sẻ về chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, nhiều chuyên gia pháp luật đầu ngành, đại biểu Quốc hội đánh giá cao chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và tin tưởng công tác xây dựng pháp luật sẽ thay đổi tích cực trong thời gian tới.
GS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhắc đến trong bài phát biểu vừa qua của Tổng Bí thư tại Học viện Chính trị Quốc gia cho biết kỷ nguyên mới bắt đầu từ Đại hội XIV. Như vậy, Đại hội XIV sẽ có những quyết sách rất mới và theo GS. TS Phan Trung Lý, những thảo luận về vấn đề này sẽ góp phần rất tích cực để làm nên những chủ trương mới, những đường lối mới cho giai đoạn mới.
|
GS.TS Phan Trung Lý cho rằng, hiện nay, chúng ta đang ở trong giai đoạn giao thời, chuyển đổi từ một giai đoạn này sang một giai đoạn khác nên cần có nhiều thảo luận về vấn đề trên thì mới xác định được hướng đi sắp tới như thế nào, cái gì có thể tiếp tục thực hiện và cái gì cần phải đổi mới.
Về đổi mới tư duy, theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhìn lại quá trình Đổi mới của chúng ta đã được 40 năm, từ những năm 80 của thế kỷ trước. Lúc đó, chúng ta xác định đổi mới kinh tế, đổi mới tư duy và bây giờ chúng ta trở lại đổi mới tư duy, và ở đây cụ thể là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
“Như vậy, phải chăng là tư duy xây dựng pháp luật đang lạc hậu, chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới chung?”, GS.TS Phan Trung Lý nêu vấn đề và cho rằng, cần phải có một bước đột phá trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Bởi xây dựng pháp luật gồm nhiều công đoạn, nhiều bộ phận hợp thành nên trước tiên chúng ta cần lắng nghe được đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nói chung của Việt Nam trong giai đoạn mới là gì, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nhưng từng bộ phận, từng công đoạn của nó là gì và cái gì là quan trọng.
Theo đó, về đổi mới tư duy, GS.TS Phan Trung Lý cho rằng trước hết, cần phải xem là chúng ta tư duy về hệ thống pháp luật hiện nay ra sao và cách làm luật của chúng ta hiện đã đáp ứng được yêu cầu chưa? Mối quan hệ giữa hệ thống pháp luật của Việt Nam với pháp luật thế giới, pháp luật quốc tế như thế nào? Cách làm luật của chúng ta hiện nay với giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra ra sao?
GS.TS Phan Trung Lý cũng lưu ý các nhà lãnh đạo nói rằng phải tháo gỡ điểm nghẽn, do đó, cần làm rõ điểm nghẽn là gì, có phải cả thể chế là điểm nghẽn không hay trong cả thể chế có một số điểm nghẽn, một số điểm nghẽn này là những gì?
Đặc biệt, GS. TS Phan Trung Lý nhấn mạnh “Pháp luật vẫn là pháp luật, luật phải là luật, không yêu cầu luật rộng hay luật hẹp; luật phải được ban hành theo quy trình nhất định và phải được thực hiện nghiêm chỉnh, vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh”.
“Các nhà lãnh đạo nói rất hay ở chỗ luật không nhất thiết phải thật dài, lê thê; luật có thể 1 điều, 2 điều, đó chính là chúng ta đổi mới tư duy”- GS. TS Phan Trung Lý nhận xét. Từ đó, theo ông, thời gian tới, chúng ta cần cụ thể đổi mới tư duy trong quan niệm hệ thống pháp luật, giữa pháp luật với các quy phạm khác (quy phạm xã hội, quy phạm đạo đức).
|
GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật không phải là vấn đề mới nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có căn cứ để thực hiện việc đổi mới tư duy, khi đang chứng kiến sự phát triển không lường trước của nền kinh tế số, thương mại hóa toàn cầu. Tuy nhiên, thực sự bứt phá và đổi mới được, chúng ta phải xác định những vấn đề còn “vướng”.
“Tư duy đầu tiên phải nói là tư duy về chính sách và tư duy về lập pháp. Tư duy này đòi hỏi chúng ta phải ‘biến’ chủ trương, chính sách của Đảng thành những quy định pháp luật, nêu rõ quyền và nghĩa vụ đến đâu. Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi tư duy cơ quan quản lý lĩnh vực nào thì xây dựng luật cho lĩnh vực đó bởi nếu vẫn theo tư duy này thì không tránh được tư duy ngành, tư duy cục bộ”, GS.TS Hạnh nêu ý kiến.
Về tư duy hành pháp, Chính phủ là cơ quan thực thi pháp luật, được quyền ban hành các quy định. Tuy nhiên, GS Hạnh nhận thấy, Chính phủ “đang phải làm công tác xây dựng pháp luật quá nhiều", nên đưa Chính phủ về đúng vị trí là cơ quan hành pháp, ban hành quy định "nhắm" vào thực hiện các luật của Quốc hội.
Về tư duy đạo đức, GS Hạnh nhấn mạnh, đạo đức là dân chủ, phát huy các giá trị tự điều chỉnh trong xã hội. Với tư duy về cán bộ, thời gian tới, chúng ta cần phát huy hơn nữa yếu tố dân chủ trong nguyên tắc dân chủ tập trung.
GS. TS Hoàng Thị Kim Quế - Trường Đại học luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ sự vui mừng khi các nhà khoa học đã “gặp nhau” trong việc đưa các ý kiến về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Bà cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những việc cần làm trong bài phát biểu mang tính vừa tổng quan, vừa quán triệt ý nghĩa lớn lao về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới.
Theo GS Quế, thông điệp từ bài viết của Tổng Bí thư là “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, “chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển” rất được lòng dân. Pháp luật phải ứng phó, không phải “hộ đê”, nhưng làm luật cũng không được quá cảm xúc. Pháp luật có nhiều đặc tính, trong đó phải có tính chuẩn mực – “luật phải ra luật”, phải có tính khả thi, ổn định. Vì vậy, các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư rất đúng, rất trúng cả về lý luận và thực tiễn, đồng thời phải liên kết thông điệp “từ bỏ tư duy quản không được thì cấm” đến nguyên tắc “vàng” là người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.
Cần mạnh dạn đi qua những lối mòn tư duy
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) thực sự rất ấn tượng với bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, trí tuệ của Tổng Bí thư. “Đúng là chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển, chỉ khi mạnh dạn đi qua những lối mòn tư duy thì mới có thể mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước”, nữ Đại biểu Đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Chia sẻ suy nghĩ của mình, Đại biểu Mai quan niệm, về đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung. Đại biểu cho rằng, đây là định hướng đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế và kiến nghị cần thể chế hóa kịp thời định hướng này để tạo căn cứ cho việc tổ chức thực hiện theo đúng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng rà soát những văn bản liên quan để có điều chỉnh cho phù hợp. Lấy ví dụ, hiện nay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn đang quy định: “văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì có thể thi hành được ngay”, nên theo Đại biểu Mai, cũng cần xem xét điều chỉnh những quy định tương tự.
Về trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, Đại biểu Mai cho biết, theo quy định hiện hành, văn bản hướng dẫn phải được ban hành đồng thời, có hiệu lực đồng thời với văn bản luật. Tuy nhiên, tại Báo cáo số 524 của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 đã nhận định: Việc ban hành văn bản chi tiết còn hạn chế, tình trạng chậm ban hành chưa được khắc phục, năm 2024 số văn bản còn nợ chiếm 13,94%, 51 văn bản không có hiệu lực đồng thời, 18 văn bản hướng dẫn chưa được ban hành. Đại biểu Mai nhận thấy, tới đây khi chúng ta đổi mới theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc thì trách nhiệm xây dựng pháp luật sẽ đặt lên vai Chính phủ nhiều hơn, số lượng văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhanh và tính chất cũng phức tạp hơn vì không chỉ đơn thuần là hướng dẫn.
Đại biểu Mai nhấn mạnh, đổi mới là yêu cầu tất yếu, cuộc sống là dòng chảy bất tận và không bao giờ dừng lại, cho dù đổi mới ở khía cạnh nào, màu sắc nào, cho dù là Quốc hội hay Chính phủ. “Chúng ta có quyền tin rằng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của Đảng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu và sẽ tiếp tục hoàn thiện được một thể chế mà ở nơi đó sẽ có những đòn bẩy kinh tế, tạo cảm hứng cho phát triển và cũng là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, vị Đại biểu Đoàn Hà Nội bày tỏ.
Đề cập về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật từ thực tiễn cơ sở, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) đồng tình cao với định hướng của lãnh đạo Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới trong công tác lập pháp của Quốc hội. Theo đó, xây dựng các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Đây là vấn đề rất lớn, quan trọng cần tạo sự đồng thuận từ nhận thức đến hành động.