Phải “đúng vai thuộc bài”
Đến từ Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị, về mặt tiến độ, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân, song đảm bảo tính kịp thời. Về chất lượng văn bản, theo Đại biểu Mai, rất cần đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ và cần thực hiện nghiêm Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Về nhận diện những điểm nghẽn, Đại biểu Mai kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ những điểm nghẽn, đồng thời cũng nhận diện chính xác những hạn chế do tổ chức thực hiện.
|
Về yêu cầu không luật hóa nghị định, nếu nhìn lại thực tế thì chúng ta thấy rằng trong một số trường hợp vẫn luật hóa những quy định thuộc phạm vi Nghị định và hầu hết những nội dung này đều do cơ quan soạn thảo đề xuất. Qua đó, Đại biểu Mai cho rằng, yêu cầu không luật hóa Nghị định là yêu cầu hoàn toàn đúng.
Vấn đề yêu cầu đúng vai thuộc bài, Đại biểu Mai hoàn toàn tán thành với quan điểm của Tổng Bí thư và cho rằng đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn, đúng vai nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân nhưng đồng thời cũng không bỏ vai, cần thực hiện đúng trách nhiệm Hiến pháp đã quy định, làm trọn bổn phận Đảng đã trao và Nhân dân gửi gắm. Bởi vậy, Đại biểu cho rằng cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định liên quan khác để xác định cụ thể phạm vi ranh giới trách nhiệm, quyền hạn để chúng ta có căn cứ pháp lý thực hiện đúng yêu cầu đúng vai và khi đã đúng vai thì nhất định phải thuộc bài. Vì nếu như đúng vai mà không thuộc bài thì nhất định sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng.
|
Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn có hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô và lãng phí rất phổ biến”, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nêu rõ, vấn đề này tại buổi làm việc về chống lãng phí Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa phân tích sâu sắc những tác hại và sự cần thiết phải đẩy mạnh chống lãng phí. Đồng thời tại phiên thảo luận tổ mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ các công trình, dự án bị bỏ hoang không sử dụng được.
Từ thực tiễn trên, Đại biểu Đoàn Hòa Bình kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra. Thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh. Đặc biệt, có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các VBQPPL không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương tổ chức thực hiện với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
|
Để triển khai tốt định hướng đổi mới như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết Luật Ban hành VBQPPL hiện hành; đồng thời nắm rõ nguyên tắc, xác định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nội dung phân cấp cho Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó là quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khi ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành vì số lượng văn bản cần ban hành là rất lớn.
Cần tập trung hơn vào khâu xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân
Nêu nhiều ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần tập trung hơn nữa vào khâu xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan tổ chức vào các dự thảo VBQPPL và khâu tổng hợp. Theo Báo cáo của Chính phủ, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, có 3001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa và chiếm 18,9% trong số các thủ tục được rà soát, đây là một con số rất lớn. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Theo Đại biểu Nga, con số hơn 3000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và tín hiệu chưa vui.
|
“Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát, tích cực, trách nhiệm và khoa học, nhưng tín hiệu chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng và ban hành VBQPPL thời gian qua”, vị nữ Đại biểu Đoàn Hải Dương phân tích. Đồng thời cho rằng, để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính và lại rà soát để cắt giảm, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng, ban hành VBQPPL, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp.
Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã quy định đầy đủ các bước, trong đó có quy định được đăng tải trên cổng thông tin điện tử, tuy nhiên hiệu quả của công việc này chưa cao. Có những cổng thông tin của các Bộ, ngành có rất ít người dân truy cập để ý kiến, phản hồi về dự thảo các VBQPPL. Theo Đại biểu Nga, một trong những lý do chính là hình thức xin ý kiến các tầng lớp Nhân dân vào dự thảo các VBQPPL của chúng ta hiện nay còn rất hàn lâm. Chúng ta chỉ đăng tải đầy đủ toàn văn dự thảo mà nội dung xin ý kiến có khi chỉ tập trung vào một số vấn đề, nhất là đối với các dự án luật sửa đổi hoặc các VBQPPL khác có nội dung sửa đổi những quy định hiện hành. Trong khi đó, điều người dân có thể quan tâm là sự phân tích sâu, kỹ, ngắn gọn những thay đổi, bổ sung của quy định và nguyên nhân cũng như các lợi ích, tác dụng của việc phải thay đổi, bổ sung, điều này phù hợp với số đông Nhân dân và như thế người dân có thể dễ dàng đóng góp ý kiến hơn là chỉ được đọc toàn văn các dự thảo VBQPPL.
Góp thêm ý kiến về cắt giảm thủ tục hành chính, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số hài lòng của người dân, hạn chế tình trạng càng tinh giản thủ tục thì càng có nhiều thủ tục thay thế hơn.
Với tư cách người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có Công văn số 15/CTQH ngày 29/10/2024 về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Để tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm soạn thảo, trình, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết, các vị đại biểu Quốc hội và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, thẩm tra, tiếp thu hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua bảo đảm các yêu cầu như xây dựng, ban hành luật, nghị quyết ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội; tuyệt đối không luật hóa quy định của nghị định, thông tư; loại ra khỏi dự thảo luật những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ và các cơ quan khác…
Công văn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, vai trò trung tâm trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, với tinh thần chuyên nghiệp, khoa học, kỹ lưỡng nhưng không cầu toàn; bám sát yêu cầu của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, tập trung nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến các dự thảo luật, nghị quyết nhằm tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, bất cập, nhất là các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, bảo đảm các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, đồng bộ thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, đưa nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.