Bài học bảo vệ thương hiệu xuyên quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cho đến nay, đã xảy ra rất nhiều vụ kiện đình đám xuyên quốc gia liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu xuất phát từ những sơ suất không đáng có. Đó là những bài học lớn trong vấn đề bảo vệ thương hiệu mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần học cho mình, ngay từ khi bước chân vào con đường kinh doanh.
Kẹo dừa Bến Tre từng giành thắng lợi “vang dội” trong vụ khiếu nại chống hàng giả tại Trung Quốc. (Tư liệu)
Kẹo dừa Bến Tre từng giành thắng lợi “vang dội” trong vụ khiếu nại chống hàng giả tại Trung Quốc. (Tư liệu)

Suýt mất thương hiệu ở nước ngoài chỉ vì sơ suất

Thương hiệu quốc gia sớm “va vấp” với vấn đề thương hiệu là cà phê Trung Nguyên, một trong những thương hiệu Việt Nam sớm vươn ra thị trường quốc tế.

Được thành lập năm 1996, cà phê Trung Nguyên lúc khởi đầu chỉ ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nhờ cách làm độc đáo, tiên phong thị trường về sự phong phú chủng loại cà phê lẫn cách kinh doanh cà phê nhượng quyền mới lạ thời điểm ấy, Trung Nguyên đã nhanh chóng mở rộng hệ thống đại lý lên gần 400 quán cà phê trong nước, theo hình thức nhượng quyền thương mại. Đồng thời, cà phê Trung Nguyên đã xuất hiện tại Singapore, Nhật, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Australia ...

Dù phát triển “thần tốc”, nhưng thời điểm ấy Trung Nguyên vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài. Năm 2000, một doanh nghiệp ở Mỹ là Rice Field Corp (ở tiểu bang California) hợp tác để nhập khẩu cà phê Trung Nguyên vào Mỹ. Tuy nhiên, khi Trung Nguyên tính đến chuyện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, thì bất ngờ phát hiện Rice Field Corp đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ với cơ quan chức năng của Mỹ đối với những nhãn hiệu: “Trung Nguyên - Cà phê hàng đầu Buôn Ma Thuột” và nhãn hiệu “Trung Nguyên” (bằng Tiếng Việt) ngay sau thời điểm hai bên bắt đầu hợp tác.

Tháng 8/2001, Trung Nguyên nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký với nhãn hiệu “Trung Nguyên - nguồn cảm hứng sáng tạo mới” (bằng Tiếng Anh) và yêu cầu tuyên bố vô hiệu đối với hồ sơ của Rice Field Corp... mặt khác, Trung Nguyên song song tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field.

Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu. Rice Field nhận làm đại lý phân phối Café Trung Nguyên tại Mỹ. Thiệt hại ước tính của Trung Nguyên trong vụ việc này lên đến gần 1 triệu USD

Rút kinh nghiệm từ sai lầm, Trung Nguyên sau đó đã liên tục đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới.

Một vụ kiện tranh chấp thương hiệu cũng rất đình đám là vụ “Bà Hai Tỏ kẹo dừa” kiện giành lại thương hiệu tại Trung Quốc. Năm 1998, khi đang có doanh số tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc rất cao, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre của bà Nguyễn Thị Tỏ (tức Hai Tỏ) bỗng sụt giảm nghiêm trọng. Tìm hiểu, bà được biết có doanh nghiệp tên Rừng Dừa tại Trung Quốc làm giả thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre. Tháng 8 năm 2008, bà được biết Rừng Dừa đã đăng kí độc quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc được 8 tháng, chỉ còn ba tháng nữa là được cấp bằng độc quyền. Bà Hai Tỏ đã lặn lội sang tận Trung Quốc, cùng người phiên dịch đến trình bày sự việc tại Cục Quản lý hành chánh Công thương nhãn hiệu hàng hóa quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nêu rõ những thiệt hại về kinh tế và luật pháp mà doanh nghiệp làm giả gây ra tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời đề nghị hai vấn đề: từ chối cấp nhãn hiệu hàng hóa cho Doanh nghiệp Rừng dừa, dựa trên phân loại nhóm 30 (chủng loại kẹo theo quy định của quốc tế) và phê duyệt cho nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre với hình phân biệt là người đàn bà đeo kính.

Tháng 5 năm 1999, 8 tháng sau đăng kí, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre được cấp bằng độc quyền sáng chế, cho phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời sản phẩm của doanh nghiệp Rừng Dừa được xác nhận là hàng nhái, không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Bà Tỏ đem giấy tờ chứng nhận đến tận Đảo Hải Nam, nơi có công ty Rừng Dừa thuyết phục nhờ chính quyền địa phương xử lý toàn bộ số sản phẩm giả và đã được chính quyền địa phương hỗ trợ. Thậm chí, đài truyền hình của đảo Hải Nam còn làm đoạn phóng sự vinh danh quá trình giành lại thương hiệu của “người đàn bà xứ dừa”. Đây là một trong những chiến thắng mang lại nhiệt huyết cho hành trình đưa thương hiệu “xuất ngoại” đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Một trong những câu chuyện xâm hại thương hiệu dai dẳng nhất có thể kể đến thương hiệu “nước mắm Phú Quốc”. Nước mắm Phú Quốc đã được công nhận xuất xứ tại 28 nước thành viên liên minh châu Âu, đã có 450.000 lít với tên gọi “nước mắm Phú Quốc” được bán ra tại thị trường này.

Tuy đã được bảo hộ, nhưng nước mắm Phú Quốc vẫn là một trong những thương hiệu bị xâm phạm nhiều hàng đầu.

Năm 2021, một hãng luật Việt Nam tại nước ngoài đã thông báo thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã bị xâm phạm tại Hồng Kông (Trung Quốc) dưới tên của công ty Viet Huong Trading Company Limited. Tiếp đó, nhiều doanh nhân Việt khi tham gia các hội chợ, đi mua sắm tại nước ngoài cũng nhiều lần phát hiện nước mắm Phú Quốc có mặt tại một số nước lân cận, nhưng chỉ là hàng nhái của nước sở tại. Nhiều nhất là tại Thái Lan, nước mắm Phú Quốc bán nhan nhản nhưng lại “made in Thailand”.

Thực tế, đây không chỉ là câu chuyện dành riêng cho nước mắm mà còn của nhiều thương hiệu Việt Nam khác đang bị xâm phạm hàng loạt trên thị trường các nước lân cận như xoài Cát Hoà Lộc, gạo ST25 và một số loại mì ăn, bún khô các loại… Và hành trình để “đòi lại” thương hiệu có chỉ dẫn địa lý tại các nước là một hành trình rất đỗi gian nan, kéo dài, chưa biết khi nào mới thực hiện rốt ráo được.

Bài học không bao giờ cũ

Trả lời báo chí về thực trạng các thương hiệu Việt bị “nhái” nhan nhản tại nước ngoài, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ rằng, những đặc sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các địa phương như xoài cát Hoà Lộc, bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc, bún bò Huế... bị xâm hại thương hiệu nhiều nhất. Theo ông Huy, những thương hiệu gắn liền với địa phương, quốc gia nhưng lại chưa được bảo hộ đúng mức ở thị trường nước ngoài nên dễ bị mượn danh, lợi dụng.

Quay lại với câu chuyện bà Hai Tỏ, người đàn bà miệt vườn xứ dừa, giới chuyên môn đánh giá, nguyên nhân bà thắng kiện tại Trung Quốc là bởi doanh nghiệp của bà đã có được căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên... Tuy nhiên, thực tế là nếu chủ doanh nghiệp Kẹo dừa Bến Tre có ý thức về thương hiệu sớm, đăng kí sở hữu tại thị trường Trung Quốc sớm hơn nữa thì có lẽ còn tránh được nhiều rắc rối đã xảy ra.

Theo các chuyên gia, mặc dù vấn đề bảo hộ thương hiệu, nhất là bảo hộ tại nước ngoài khá “nóng”, có nhiều bài học nhãn tiền từ các vụ kiện lớn nhỏ xưa nay, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của việc đăng kí bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như các doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức bảo vệ nhãn hiệu. Nhiều doanh nghiệp trong nước chờ cho đến khi có thị trường xuất khẩu rồi mới đăng ký nhãn hiệu. Cạnh đó còn có tâm lý lo ngại thủ tục khó khăn và tốn kém, chưa nhìn thấy được lợi ích cụ thể.

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP HCM, thường thì doanh nghiệp quan tâm đến việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm hơn là bảo vệ sản phẩm cho đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng mới cuống quýt tìm cách “chữa cháy”.

Theo luật sư Hiệp, sản phẩm của doanh nghiệp cũng giống như đứa con của mình. Doanh nghiệp nên bảo vệ nó hiệu quả nhất trước khi nhờ đến cơ quan pháp luật có thẩm quyền. Lực lượng thanh tra, kiểm tra tương đối mỏng trong khi hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả trong và ngoài nước ngày càng tinh vi thì việc phát hiện và xử phạt không đơn giản. Doanh nghiệp nên tạo ra những đặc điểm riêng cho sản phẩm của mình để tránh làm giả, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan và đặc biệt là có lực lượng kiểm tra và phát hiện hàng giả để có biện pháp bảo vệ sản phẩm của mình.

Đọc thêm