Tuần qua, dư luận không thể không quan tâm đến câu chuyện Formosa “hậu thảm họa”. Đó là việc xử lý trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan đến thảm họa. Báo chí lại có dịp lật tung lên các “kiểu tiền trảm hậu tấu của ông Võ Kim Cự”.
Dù chưa xin ý kiến các bộ, ngành về việc đầu tư của Formosa nhưng ông Võ Kim Cự đã cam kết cho thuê đất 70 năm và sau đó tiếp tục xác nhận nhiều ưu đãi “thái quá” với doanh nghiệp này; đặc biệt là cho xả thải ra biển trước khi được điều chỉnh, ưu đãi thuế. Nhiều bài học đau xót về cán bộ, chứ không riêng thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội, lòng tin.
Vấn đề là bài học “tiền trảm hậu tấu” liên tục xảy ra, hành nan y...
Báo chí hôm kia, hôm qua loan tin UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép phá 116 ha rừng phòng hộ ven biển tại xã An Phú, TP Tuy Hòa để Công ty TNHH New City Việt Nam thực hiện dự án Khu du lịch cao cấp New City Việt Nam. Khu rừng phòng hộ ven biển này bao nhiêu mồ hôi nước mắt của dân đã đổ xuống để trồng và chăm sóc từ năm 1976 nay bị phá trắng.
Theo quy định, với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên, phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, từ tháng 10/2016, Phú Yên đã cho phép chặt phá khu rừng trên và đến cuối tháng 2/2017, UBND tỉnh mới có công văn giao Sở TN&MT rà soát các thủ tục để UBND tỉnh bổ sung hồ sơ, tài liệu trình Thủ tướng chấp thuận chuyển mục đích đất rừng phòng hộ.
Nói tóm lại, phá trước trình sau. Câu hỏi đặt ra sao người ta quan tâm đến… hoa hậu khiếp thế. Bất chấp tất cả là khiếp rồi.
Câu chuyện thứ ba không kém “nóng” đó là dự án nuôi lợn 1.000 tỷ đồng ở Nghệ An. Dù đang trong quá trình làm giấy phép xây dựng, chưa hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng Dự án trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao Masan Nutri - Farm Nghệ An tại huyện miền núi Quỳ Hợp vẫn rầm rộ thi công, Bộ TN&MT đã “tuýt còi” dự án này. Tóm lại là “tiền trảm hậu tấu”.
Vì “tăng trưởng nóng”, chính quyền các tỉnh, thành phố đã và đang bất chấp tất cả. Ăn phàm vào tương lai, “ăn gỏi” cả môi trường sống.
Kỷ cương của một đất nước được định hình bằng Hiến pháp và hệ thống pháp luật của đất nước ấy. Kỷ cương quan hệ mật thiết với dân chủ. Đáng buồn là cả kỷ cương đang bị tổn thương nghiêm trọng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Không kỷ cương, đất nước sẽ rối loạn”.
Gần đây Chính phủ đã bàn các giải pháp tiếp tục thực thi kỷ cương công vụ, điều hành, trong đó có nhiều chữ được nhân dân trông đợi: tự giác, nêu gương, minh bạch, thực chất, cải cách hành chính, Chính phủ điện tử, kiểm tra giám sát của dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
Bao giờ các địa phương không “nêu gương xấu” bất chấp nỗ lực của Chính phủ?.