“Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác”!

(PLVN) - Ngày nay, không chỉ cuộc sống thực làm chúng ta bực bội (sếp, đồng nghiệp, kẻ đi đường...) mà cuộc sống ảo còn làm chúng ta phát cáu hơn. Ai đó trong phần bình luận, trong dòng trạng thái, trên tít báo đang phát biểu một cái gì đó ngu ngốc và bạn lại nổi máu “anh hùng” muốn đòi lại công bằng, trí tuệ và tình yêu cho thế giới. Thế là đôi khi ta mất cả ngày hậm hực về một câu “troll” của ai đó cách bạn cả trăm km. “Bãi rác” đã được nhân rộng, thay vì cách ly.

Cuốn sách “Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác” dạy chúng ta cách phản ứng với những người “độc hại” và làm sao để khiến cuộc sống của mình hạnh phúc, vui vẻ và tích cực hơn, dù vẫn phải xử lý “rác”.

 

Tất nhiên bạn không thể bắt những người khác ngừng “xả rác”, nhưng bạn có thể “bớt gom rác” để khiến cuộc đời trong lành hơn! Tất cả chúng ta đều có thể dễ dàng biến thành “chiếc xe rác”, lúc này hay lúc khác. Điều đó xảy ra khi chúng ta ôm giữ trong lòng nỗi tức giận, thất vọng, lo lắng, oán hờn. Đến khi “cái gánh” đó trở nên quá nặng nề, chúng ta ắt phải phát tán “rác” ra môi trường xung quanh như một cách để tự giải thoát.

Người ta thường nói, khi phải đối mặt với những chuyện không như ý muốn, ta cần học cách “vứt bỏ”. Nhưng đó không phải là chiến lược đúng đắn khi đối đầu với “chiếc xe rác”. Thay vào đó, chúng ta cần học cách “bỏ qua” những biểu hiện tiêu cực đó. Bởi vì để vứt bỏ một điều gì thì trước đó bạn đã để nó thẩm thấu vào cuộc sống của mình rồi. Cho nên dù bạn có thể vứt bỏ những điều không hay đó thì ký ức về một “chiếc xe rác” vẫn sẽ lưu lại trong tâm trí bạn.

Những suy nghĩ tiêu cực này sẽ không thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn, nếu bạn biết cách kìm hãm chúng. Do đó, đừng tiêu tốn thời gian hay năng lượng để lo nghĩ về những “chiếc xe rác” ấy nữa, mà hãy dành nguồn lực quý giá đó để nghĩ đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn.

Chìa khóa của vấn đề là đừng cố gánh lấy những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Như câu chuyện về cách hành xử của người lái xe taxi trên đường phố New York, khi ông không chỉ tránh gây xích mích mà còn không hề tức giận, bất chấp thái độ lỗ mãng của người đàn ông kia. Ông không để cho những hành vi tồi tệ của người khác ảnh hưởng đến công việc của mình. Nói cách khác, ông không dừng lại để hứng “rác” của người khác, ông chỉ đơn giản là bỏ qua nó.

Chắc chắn mỗi chúng ta đều dành thời gian để nghĩ về tương lai, về những mục tiêu đã đề ra và sẵn sàng đối mặt với những chướng ngại vật có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Thậm chí, người ta còn xem xét đến hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra từ những hành động của mình. Lên kế hoạch cho tương lai là điều nên làm, tuy nhiên việc ngẫm nghĩ về khả năng xuất hiện của một “chiếc xe rác” sẽ không mang lại lợi ích gì cả, mà chỉ khiến bạn không thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui trong hiện tại và quên việc lập kế hoạch cho ngày mai.

“Tất cả chúng ta đều có thể dễ dàng biến thành “chiếc xe rác”, lúc này hay lúc khác. Điều đó xảy ra khi chúng ta ôm giữ trong lòng nỗi tức giận, thất vọng, lo lắng, oán hờn. Đến khi “cái gánh” đó trở nên quá nặng nề, chúng ta ắt phải phát tán “rác” ra môi trường xung quanh như một cách để tự giải thoát”.

Bởi vậy, chúng ta không thể tránh được những sự việc khiến ta phiền muộn, buồn bã hay thất vọng - đó là một phần của cuộc sống. Quan trọng là bạn đừng để những suy nghĩ tiêu cực đó làm tiêu tốn thời gian và năng lượng của bạn.