Bài học hôm qua, hôm nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã đến lúc phải thay đổi tư duy không phải cứ đến đầu tư là “khoái”, mà phải biết lựa chọn nhà đầu tư nào cho có hiệu quả chứ không phải “xí phần” đất rồi kiếm người khác bán lại lấy lời.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Bình Dương.

Thứ Bảy tuần trước, trong nhiều nội dung lưu ý tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh thu hút đầu tư không bằng mọi giá; phát triển hệ sinh thái công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; đẩy mạnh phát triển các ngành chế biến, chế tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh.

Có lẽ, điều này không chỉ dành riêng cho tỉnh Bình Dương mà là chỉ đạo chung của người đứng đầu Chính phủ đối với cả nước.

Mặc dù đã có hệ thống pháp luật về môi trường, nhưng có thời gian dài, do “sốt ruột” với thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước; “sốt ruột” với tăng trưởng GDP và “chuyển dịch” cơ cấu kinh tế nên nhiều tỉnh, thành phố đã phải “trả giá”. Trả giá về hiệu quả đầu tư đã “đau” nhưng trả giá về đánh đổi môi trường “đau” hơn, gây hệ lụy lâu dài. Rất nhiều dòng sông đã và đang trở thành dòng sông “chết”, ô nhiễm bụi, khói, tiếng ồn, nước ngầm cũng đã trở nên báo động.

Hơn 2 năm qua, dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ thành công trong kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư kinh doanh. Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam để chuyển hướng sản xuất, mở rộng quy mô, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế đó, việc nhiều tỉnh, thành quy hoạch mở rộng và lập thêm khu công nghiệp, khu chế xuất mới để đón làn sóng FDI “chảy” vào Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện việc thu hút FDI phải có chọn lọc để vừa tạo môi trường đầu tư bình đẳng giữa các doanh nghiệp, vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế...

Bài học của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, thời gian qua được báo chí nói nhiều, cho thấy rằng, về thu hút FDI, cần chọn lọc, thẩm định kỹ để tránh những dự án không mang lại cho kinh tế, kể cả giá trị cạnh tranh cho Việt Nam. Hàng hóa sản xuất bằng nguyên liệu trong nước nhưng giá cao hơn hàng hóa nhập khẩu, thì đó là “nỗi đau” thực sự. Thực tế còn cho thấy, có những doanh nghiệp trong nước hợp tác với doanh nghiệp FDI, sau một thời gian thì bị mất đơn hàng về tay các doanh nghiệp FDI.

Nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, ngoài việc khắc phục những “điểm nghẽn” về chính sách, luật pháp, còn cần có chính sách hỗ trợ bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng thời cần có chọn lọc để thu hút FDI có chất lượng về dòng vốn, về công nghệ, để không chỉ hoạt động có hiệu quả mà còn bảo vệ, thân thiện hơn với môi trường.

Đã đến lúc phải thay đổi tư duy không phải cứ đến đầu tư là “khoái”, mà phải biết lựa chọn nhà đầu tư nào cho có hiệu quả chứ không phải “xí phần” đất rồi kiếm người khác bán lại lấy lời. Doanh nghiệp đến đầu tư, dù là FDI hay trong nước cũng phải lan tỏa đổi mới, sáng tạo, bền vững.

Đọc thêm