Bài học lớn sau những bức thư tuyệt mệnh của con nhỏ

Trước những vụ tự tử bất thường của những người trẻ thời gian gần đây, xin đừng trách họ dại dột. Tâm hồn người trẻ mong manh, dễ vỡ. Hãy nghe và hiểu những ẩn ức trong tâm hồn chơi vơi của họ. Hãy đưa tay cho họ nắm khi cần và cùng vượt qua những khó khăn...

[links()]Trước những vụ tự tử bất thường của những người trẻ thời gian gần đây, xin đừng trách họ dại dột. Tâm hồn người trẻ mong manh, dễ vỡ. Hãy nghe và hiểu những ẩn ức trong tâm hồn chơi vơi của họ. Hãy đưa tay cho họ nắm khi cần và cùng vượt qua những khó khăn... 

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Internet

1.  Từ đầu năm đến nay, các vụ tự tử trong giới trẻ liên tiếp xảy ra. Một điều đáng lưu ý là các vụ tự tử thường xảy ra với các nữ sinh, và đây không phải là những học sinh cá biệt, nếu không muốn nói là có học lực khá, giỏi. Đáng nói hơn, ở nhiều vụ, sau khi các em có biểu hiện u uất, bất mãn và tự tử thì gia đình mới nhận thấy có gì đó bất thường, đi tìm rồi thốt lên: “Chuyện chẳng có gì, đâu có ngờ…”.

Gần đây, trong số gần 1.000 bức thư gửi đến cuộc thi “Bố mẹ ơi, con muốn nói” do Cty Sách Thái Hà tổ chức, có tới 87% bài viết là nỗi khổ tâm, bức xúc của các em về những điều người lớn làm. Có những dòng tâm sự thấm đẫm nước mắt mà mỗi người nghe, người đọc đều thấy day dứt. Có những em bé học tiểu học mà suy tư và buồn bã nhiều như đã trưởng thành. Không ít các em nhỏ đều chung cảm giác cô đơn ngay trong mái nhà của mình.
“Con cảm thấy tương lai của mình mờ mịt quá. Bố mẹ ơi! Con sợ phải khóc, con sợ phải cười, con sợ ở cùng bố mẹ, con sợ lời nói của mẹ, con sợ ánh mắt của bố, con sợ gia đình mình.” - một học sinh trường THCS Phong Hải, Thừa Thiên Huế tâm sự. Rồi nữa, không ít bạn trẻ đồng loạt lên tiếng: “Tôi cảm thấy bế tắc, cảm thấy cô đơn, cảm thấy giữa tôi và cha mẹ đang có khoảng cách, không biết làm thế nào cho gần lại...”. 
Trong cuộc sống quá nhanh và gấp gáp, cũng như những giá trị vật chất được lên ngôi, cha mẹ đã vô tình quay cuồng trong vòng xoáy đó mà quên những đứa trẻ “mồ côi trong mái ấm” luôn thèm sự yêu thương của cha mẹ. Và cha mẹ, dù thương con nhưng vì điều kiện nên đã vô tình thờ ơ và coi sự quan tâm động viên về tinh thần là điều xa xỉ. Mặt khác là sự ảnh hưởng của lối sống hiện đại: sách báo, tivi, phim ảnh... cho các em thấy cuộc sống mình cần có thay đổi. Về cái chết, về kiếp khác, về thiên đường... 
Có thể nói, sự khủng hoảng lứa tuổi mới lớn của các bạn trẻ ngày nay không chỉ là ngỗ ngược, bất cần và lánh xa người lớn... mà còn là khủng hoảng giá trị, khủng hoảng niềm tin khi họ chịu sự tác động không phải chỉ đơn giản từ các yếu tố tâm lý mà còn là tác động của các yếu tố xã hội...
Hiện nay giới trẻ chịu áp lực của một môi trường chứa đựng nhiều rủi ro, điều đó cứ ám ảnh và gây lo ngại cho các em khi đến trường, khi sinh hoạt ở một nơi công cộng nào đó, tạo ngộ nhận về giá trị cuộc sống nhưng lại không biết cách sẻ chia, không tìm được chỗ dựa tinh thần đúng nghĩa...
2. Câu chuyện đau lòng ở Trường THCS Phan Chu Trinh tỉnh Đắk Nông cũng có thể xảy ra ở các nơi khác. Khi mà ngoài yếu tố gia đình, trong nhà trường các môn học đạo đức và công dân của chúng ta không ổn, mở rộng ra cho các môn học xã hội nhân văn cũng có những vấn đề bất cập.
Học sinh phổ thông bây giờ cắp sách đến trường chỉ có một áp lực, nhưng đó là một áp lực khủng khiếp, không phải tất cả học sinh nào cũng đều vượt qua được, đó là áp lực phải học giỏi những môn thi vào đại học và căn bệnh thành tích trong nhà trường.
Và những môn học như đạo đức, công dân, văn, sử, địa, thể dục, kỹ thuật... đều được học sinh, phụ huynh, thậm chí một bộ phận thầy cô giáo xem là môn phụ, học cốt để đối phó. Thử hỏi như vậy thì làm sao nhân cách của các em không bị lệch lạc cho được?. Những bài học về yêu thương, về tình người, về sự cố gắng vượt qua gian nan; những bài học về cuộc sống thực, về cái hiện hữu cần được nhấn mạnh và chú trọng để định hướng tâm hồn, lý tưởng sống, trách nhiệm cho giới trẻ đã trở nên quá đỗi xa xôi. 
Cùng với đó, gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, cố ép học bất chấp khả năng thực tế trong khi giới trẻ lại không có nơi để xả những ấm ức trong lòng.  Không phải cha mẹ, người thân mà buồn thay, máy tính và mạng xã hội lại trở thành "máu thịt" của giới trẻ.
Chúng suy nghĩ rồi gõ bàn phím nhiều hơn là trò chuyện trực tiếp, trút tâm sự trên mạng với những người xa lạ trong khi khép kín với những người thân. Đôi khi, không phải vì phụ huynh là những cha mẹ tồi, mà như một đặc điểm tâm lý dễ hiểu, bọn trẻ cảm thấy an toàn hơn khi chia sẻ tâm sự và những suy nghĩ của mình với những người lạ. 
Rõ ràng, những bài học lớn thường bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt, như việc phụ huynh dành thời gian để cùng con chia sẻ mọi vấn đề hay chỉ đơn giản là cùng ăn, cùng chơi, cùng trò chuyện, cùng thu vén công việc trong nhà để từ đó cùng cảm thông, chia sẻ niềm vui và những lo toan. Bởi ở đây, những bài học về yêu thương, chia sẻ và những giá trị mà mỗi con người  sẽ nhận được ngay từ những năm tháng ấu thơ dưới mái nhà ấm áp...

Sự thật từ lá thư tuyệt mệnh

Không chỉ ở Việt Nam, hiện tượng người trẻ tự tử ở nước ngoài cũng diễn ra khá nhiều, đôi khi chỉ vì những lý do rất cỏn con. Có thể thấy điều này qua một số lá thư tuyệt mệnh

Vì bị bạn bắt nạt

Ngày 27/11/2011, cư dân tại thị trấn nhỏ Ste-Anne-des-Monts, thành phố Quebec, Canasa bàng hoàng trước tin cô nữ sinh Marjorie Raymond (ảnh), 15 tuổi tự vẫn.  Trong bức thư tuyệt mệnh để lại cho mẹ, Raymond nói rằng cô buộc phải tự tử vì không thể tiếp tục chịu đựng việc bị bạn học cùng lớp bắt nạt suốt 3 năm qua.

“Rời bỏ thế giới này là điều vô cùng khó khăn đối với tôi nhưng tôi nghĩ rằng đó là việc cần thiết để thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đó là lỗi của những con người luôn đố kỵ và chỉ muốn hủy hoại hạnh phúc của chúng tôi”. 

Vì đánh mất… điều khiển cửa cuốn

Dư luận Trung Quốc những ngày đầu tháng 3 này xôn xao về việc 2 bé gái 12 tuổi Xiao Mei và Xiao Hua, sống tại Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến nhảy xuống hồ tự tử. Lý do dẫn đến quyết định dại dột của 2 bé gái được làm rõ sau khi các Điều tra viên tìm được 2 bức thư tuyệt mệnh do các em để lại.

Trong bức thư cuối cùng để lại cho gia đình, Xiao Hua nói rằng cô bé đã đánh mất chìa khóa cửa cuốn của gia đình. Cô bé sợ mẹ sẽ tức giận và phạt nặng nên đã quyết định tử tự. Trong khi đó, Xiao Mei khẳng định không thể sống thiếu người bạn thân nhất nên đã cùng Xiao Hua nhảy xuống hồ.

“Người chị em tốt của con đã đánh mất chìa khóa nhà và rất sợ bị mắng. Bạn ấy muốn chết và con đã quyết định sẽ chết cùng bạn ấy. Mọi người đừng quá đau buồn nhé. Chúng con tuy không sinh cùng tháng, cùng năm nhưng chúng con muốn chết cùng giờ, cùng ngày” .

Bố không hề muốn có sự tồn tại của con trên cuộc đời này

“Con luôn cảm thấy lạc lõng, chẳng ai quan tâm đến việc con sống hay chết. Tất cả những thứ mà con đã làm được chỉ là gây rắc rối. Chết chính là lối thoát duy nhất. Mẹ à, con ước mình có thể là một người giống như cha mẹ mong đợi. Con không xinh đẹp, không thông minh, năng động và bố không hề muốn có sự tồn tại của con. Con ước rằng mình chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc đời này”, một thiếu nữ viết cho mẹ trong lá thư tuyệt mệnh của mình.

P.V.

Đọc thêm