Ngân sách Nhà nước được ví như “miếng bánh”, mỗi người ăn đều phải nhìn nhau vì “cái bánh” bỗng chốc không thể nở ra để mỗi người được thêm dù một phần ít ỏi. Trong bối cảnh kinh tế năm 2013 vẫn chưa thể phục hồi mà nguy cơ còn khó khăn hơn thì việc thu ngân sách chắc chắn vẫn là thách thức lớn để đạt mục tiêu Quốc hội giao (816 nghìn tỷ đồng).
Ảnh Internet |
Nhiều năm nay, khi kinh tế bắt đầu vào thời kỳ khó khăn, Chính phủ đã phải thực hiện hàng loạt giải pháp “thắt lưng buộc bụng” để ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Một trong những giải pháp đó là việc thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11, trong đó có thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua rất nhiều công trình xây dựng bị cắt giảm nguồn vốn, buộc phải giãn, hoãn tiến độ hoặc ngưng trệ thi công…
Đành rằng, trong bối cảnh khó khăn chung, đồng tiền có hạn thì “tiết kiệm là quốc sách”, tuy nhiên, cắt giảm cũng tạo ra những hệ lụy và đặc biệt là sự lãng phí tiền của của nhà nước, DN và người dân. Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội khi thẩm tra việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ 2012 đã thừa nhận ”Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng cắt giảm nên nhiều dự án, công trình phải giãn, hoãn, ngừng thi công do quyết định đầu tư dàn trải trong những năm trước cũng gây nên tình trạng công trình dở dang nhiều, nợ khối lượng XDCB cao và lãng phí lớn».
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhiều lần chia sẻ rằng, cũng vì đồng vốn có hạn nên bố trí như thế nào là cả vấn đề nan giải. Bản thân ngành này cũng phải chịu áp lực rất lớn vì trong khi các công trình đã dàn trải, đã làm dở dang rồi mà bị đột ngột cắt thì chắc chắn sẽ khó khăn. Vấn đề là nếu có nhiều tiền mà không cắt giảm thì quá tốt…Nhưng điều “ước” đó chắc chắn sẽ chưa thể thành hiện thực khi dự báo kinh tế năm 2013 sẽ “chạm đáy” khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc các công trình dang dở vẫn đắp chiếu nằm đó…
Dưới con mắt nhiều chuyên gia, sâu xa của vấn đề là ở chỗ chúng ta làm chưa tốt khâu quy hoạch, chưa tính toán được dự án nào cần làm trước, dự án nào cần làm sau, vì thế nên cứ có tiền là đầu tư, đến khi kinh tế suy thoái bị cắt giảm dẫn đến ngưng trệ hàng loạt. Bên cạnh đó, việc cắt giảm một cách “cào bằng” cũng là nguyên nhân dẫn đến lãng phí khi nhiều công trình chuẩn bị hoàn thành, sắp đưa vào khai thác sử dụng thì đột ngột bị cắt. Việc chưa có tiêu chí rõ ràng cho việc cắt giảm cũng là nguyên nhân của những bất cập trong lãng phí đầu tư công.
Tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã hiến kế, Chính phủ nên rà soát lại tất cả các dự án đang đình hoãn và nên có một gói hỗ trợ để giải quyết dứt điểm các công trình này. Đó cũng là một ý tưởng tốt để vực dậy các công trình đang dang dở, hạn chế lãng phí. Tuy nhiên, nguồn tiền lấy từ đâu ra cũng là vấn đề cần phải tính toán khi “miếng bánh” ngân sách nhìn đi nhìn lại vẫn chỉ có vậy trong khi nhu cầu Bộ, ngành, địa phương nào cũng rất lớn.
P.V.