Bài học từ du lịch văn hóa ở các quốc gia Châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàn Quốc, Thái Lan... là những quốc gia có công nghiệp du lịch văn hóa phát triển rất mạnh, nhiều mô hình đặc sắc và có sức hút. Trong đó, có rất nhiều khía cạnh mà du lịch Việt Nam có thể học hỏi, khai thác kho tàng văn hóa để làm du lịch.
Lễ hội đèn trời nổi tiếng của Thái Lan.
Lễ hội đèn trời nổi tiếng của Thái Lan.

Hàn Quốc: Dùng du lịch để quảng bá văn hóa

Hàn Quốc là một trong những đất nước nổi tiếng trong ngành công nghiệp du lịch và du lịch văn hóa là một nét nổi bật của xứ sở kim chi này. Sức lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong du lịch Hàn Quốc mạnh mẽ đến mức, khi nhắc đến Hàn Quốc, điều đầu tiên mà du khách nghĩ ngay đến có lẽ là những bộ trang phục Hanbok lạ mắt, những cung điện quý phái, sang trọng, những ngôi làng nhỏ bé, cổ xưa...

Có thể nói, thắng cảnh cũng khá được khai thác trong du lịch Hàn Quốc, như những hòn đảo tươi đẹp, những bãi biển thoai thoải, những rừng cây mùa lá đỏ, mùa hoa anh đào hay các thành phố hiện đại, lộng lẫy. Nhưng trên hết, trong mỗi một tour du lịch được xây dựng cho du khách, yếu tố văn hóa được lồng ghép rất nhiều.

Như ngôi làng Bukchon, quê hương của học giả triều đại Joseon nằm ngay tại TP Seoul là một điểm du lịch mà hầu như du khách đến Hàn Quốc đều được giới thiệu đến, không thể bỏ qua. Đến làng Bukchon, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử ngôi làng, gắn với lịch sử triều đại Joseon. Nhờ công tác bảo tồn được thực hiện tốt, đến nay ngôi làng vẫn giữ nguyên được quang cảnh xưa cũ với những kiến trúc nhà mái cong đặc trưng của triều đại trước, nhưng khuôn viên, cổng gỗ, cửa sổ cũng mang nét cổ xưa. Khi đến thăm quan ngôi làng, một hoạt động không thể thiếu của du khách là mặc Hanbok, trang phục truyền thống của Hàn Quốc để chụp ảnh. Cứ như thế, du khách đi sâu vào văn hóa bản địa Hàn Quốc, tìm hiểu lịch sử, lối sống, trang phục của đất nước này.

Tại Hàn Quốc còn khá nhiều điểm du lịch văn hóa rất nổi tiếng được khai thác rất tốt. Cách thức khai thác du lịch văn hóa của người Hàn Quốc cũng khá bài bản, sâu sắc. Khi đến một điểm tham quan văn hóa, du khách đều được thâm nhập, đi sâu vào tìm hiểu lịch sử, văn hóa của vùng đất ấy. Đặc biệt, điểm du lịch văn hóa của Hàn Quốc hầu hết đều không phải là “di tích thinh lặng” mà đang được bảo tồn, đang “sống” hoặc đang được tái hiện trọn vẹn cùng với không gian văn hóa cổ truyền. Ví dụ như các ngôi làng cổ được khai thác trên đất nước Hàn Quốc. Ngoài Bukchon, làng Andong Hahoe cũng nổi tiếng là làng gia tộc duy nhất của Hàn Quốc. Tại ngôi làng hiện còn bảo tồn khá tốt các căn nhà truyền thống từ triều đại Joseon. Đến thăm quan ngôi làng, ngoài thưởng ngoạn cảnh đẹp, kiến trúc, du khách có thể thấy cảnh sinh hoạt của người dân, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu thuộc thời đại đó.

Hay như đảo Jeju, điểm tham quan du lịch nổi tiếng hàng đầu của Hàn Quốc. Đây là một hòn đảo xinh đẹp nổi danh, nhưng thực chất, du khách đến đảo lại ấn tượng sâu sắc bởi nét đẹp văn hóa của người dân sống trên đảo.

Nổi bật là làng dân tộc Seongeup thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, được coi là bảo tàng sống ngoài trời, tái hiện lại cuộc sống của người nông dân Hàn Quốc chân thực và sinh động hàng trăm năm trước.

Ngôi làng này từng là thủ phủ của bộ tộc Cheongeui – Hyeon, ngôi làng là nơi lưu giữ và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống lịch sử của Hàn Quốc nói chung và của người dân sống trên đảo Jeju thế kỷ 19 nói riêng, một điểm đến mà du khách nào đến tham quan Jeju cũng đều ghé đến.

Jeju còn được khai thác hết tiềm năng văn hóa đặc sắc của mình để phục vụ du khách và được quảng bá rộng rãi như sự độc đáo của hệ thống canh tác nông nghiệp truyền thống Jeju Batdam; hoạt động của nữ thợ lặn Haenyeo ở đảo được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cạnh đó còn rất nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc được tổ chức hoành tráng, hút khách như Lễ hội Lửa, Lễ hội hoa cải dầu, Lễ hội hoa anh đào...

Làng Bukchon, điểm đến văn hóa nổi tiếng tại Hàn Quốc.

Làng Bukchon, điểm đến văn hóa nổi tiếng tại Hàn Quốc.

Du khách đến Seoul còn bị thu hút bởi nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức ở các cung điện lớn, như lễ thờ cúng tổ tiên tại đền Jongmyo thuộc Thủ đô Seoul được tổ chức vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 5 hàng năm hay các hoạt động biểu diễn nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc...

Có thể thấy, Hàn Quốc đã làm rất tốt công tác quảng bá văn hóa thông qua du lịch. Và ở một chiều ngược lại, nhờ vào những nét đẹp văn hóa được bảo tồn và nâng tầm, du khách biết nhiều đến Hàn Quốc và thêm yêu mến đất nước này.

Thái Lan: Nâng tầm văn hóa, vươn ra thế giới

Nếu như Hàn Quốc luôn thực hiện rất tốt, chỉn chu công tác bảo tồn văn hóa, đưa văn hóa vào du lịch thì tại Thái Lan, bản sắc văn hóa đã trở thành một phần của đời sống, nói một cách khác, du khách đến Thái Lan sẽ được thụ hưởng những nét đẹp văn hóa xứ sở Chùa Vàng tỏa lan trong mọi hoạt động hàng ngày.

Điều này du khách đã có thể cảm nhận được khi mới đặt chân lên máy bay của những hãng hàng không Thái. Từ trên máy bay, du khách đã cảm nhận được một nét đẹp trong văn hóa của đất nước này: Văn hóa chào hỏi, khi mỗi một tiếp viên hàng không như một “đại sứ du lịch”, luôn nở nụ cười và cúi đầu, chắp tay chào hỏi du khách đúng kiểu truyền thống đất nước.

Đến sân bay, người ta cũng dễ dàng chứng kiến cảnh những người làm du lịch Thái Lan chào đón, đeo vòng hoa sứ trắng - loại hoa được yêu thích ở xứ Chùa Vàng - cho du khách đặt chân đến.

Là một đất nước có lịch sử lâu đời, Thái Lan sở hữu nhiều cung điện lịch sử với công trình xây dựng độc đáo, đẹp mắt mang đậm nét văn hóa Thái Lan. Các cung điện này đều được đưa vào khai thác du lịch với giá vé không rẻ, nhưng du khách đăng kí vào xem rất đông.

Cạnh đó, du lịch chùa cũng là một hoạt động không thể thiếu của du khách khi đến đất nước này. Hàng chục đến hàng trăm ngôi chùa ở mỗi vùng đất với những kiến trúc, cách thức hoạt động khác nhau đủ làm hút hồn bất cứ du khách nào đặt chân đến. Điều thú vị là tại Thái Lan, quốc gia Phật giáo, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những nét đẹp văn hóa mang tính tín ngưỡng đạo Phật như những nhà sư khoác y khất thực trên phố, những người dân cung kính quỳ dâng vật thực, hay những gia đình làm nghi thức rửa chân cho các nhà sư đức hạnh...

Những điệu múa Thái cũng là nét đặc trưng văn hóa được khai thác nhiều trong du lịch. Du khách đến đất nước này có thể dễ dàng được thưởng thức múa Thái tại các trung tâm văn hóa nghệ thuật, các bữa tiệc, nhà hàng...

Người Thái là một trong những dân tộc làm du lịch văn hóa rất tài tình, họ có thể khiến cho nhũng lễ hội truyền thống của đất nước trở nên nổi tiếng, được du khách quốc tế biết đến và say mê. Như Tết Thái - Lễ hội té nước Songkran thực chất diễn ra ở không chỉ Thái Lan mà còn một số quốc gia khác như Lào, Campuchia. Thế nhưng, giờ đây khi nhắc đến lễ hội té nước, người ta đều nghĩ ngay đến Thái Lan và mỗi dịp lễ hội đều thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham gia. Điều tương tự cũng diễn ra với Lễ hội Đèn trời Yi Peng. Xuất phát điểm là lễ hội địa phương của người Lanna phía Bắc Thái Lan, thế nhưng giờ đây lễ hội đèn trời đã được biết đến trên toàn bộ thế giới, xuất hiện cả trong nhiều bộ phim Hollywood, khiến bao người mơ ước được đặt chân đến.

Trước bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa cần được chú trọng đặc biệt. Du lịch văn hóa có thể giúp thu về một nguồn ngân sách khổng lồ, đồng thời góp phần để cho các loại hình bản sắc dân tộc được lên ngôi. Du lịch văn hóa đang góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa nguyên bản, đặc sắc thông qua các hoạt động tham quan, đề cao, đóng góp chi phí cho các hoạt động bảo tồn.

Những gì mà các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan đã thực hiện để phát triển ngành du lịch văn hóa thực sự là những bài học rất trực quan sinh động và hữu ích mà Việt Nam có thể học hỏi. Nếu so sánh về tiềm năng văn hóa, Việt Nam có một nguồn tài nguyên khổng lồ và đa dạng, không kém cạnh nước bạn. Quan trọng là giờ đây chúng ta làm như thế nào để nâng tầm văn hóa, để đưa văn hóa vào phát triển du lịch một cách vừa chuyên nghiệp, vừa hiệu quả, vừa không mất đi nét đẹp bản sắc mà còn nâng tầm và góp phần quảng bá văn hóa Việt.

Đọc thêm