Bài học từ vụ người ngay lỡ tay đánh chết trộm chó

(PLO) - Gần đây, ở nhiều địa phương đã xảy ra một số vụ án mạng đáng tiếc xuất phát từ việc người dân quá khích khi hành xử với kẻ trộm, nhẹ thì gây thương tích, nặng thì đoạt mạng kẻ gian. Tình trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc mỗi người phải tự trang bị cho mình các kiến thức pháp luật cơ bản để tránh phạm tội một cách đáng tiếc…
Bị cáo Nguyễn Văn Lạm
Bị cáo Nguyễn Văn Lạm
Vụ án mà TAND tỉnh Hà Tĩnh đã xét xử sau đây là một ví dụ điển hình. Bị cáo Nguyễn Văn Lạm (SN 1995, ngụ xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã bị tuyên mức án 10 năm tù về tội “Giết người” do đã đâm chết kẻ trộm. Phát hiện anh Chu Văn Quang (SN 1983, trú xóm 8, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh) lén lút trộm cắp sắt trên công trường mà mình làm bảo vệ, Lạm đã hành xử quá khích, lỡ tay đoạt mạng anh này.
Đánh chết cho chừa thói tắt mắt
Vụ việc xảy ra vào 21h30 ngày 27/5/2014, tối đó, Chu Văn Quang và Phan Mạnh Hùng (1995, ngụ xã Đức Long, huyện Đức Thọ) rủ nhau đi xe máy đến địa bàn xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh) - nơi có công trình đang thi công dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1A để lấy trộm sắt tại công trường.
Theo cáo trạng, lúc xảy ra vụ trộm, bị cáo Nguyễn Văn Lạm đang ở phòng trọ thì nhận được điện thoại từ nhân viên bảo vệ gọi lên công trường để phối hợp bắt quả tang kẻ trộm. Do trước đó công trường đã nhiều lần bị mất trộm sắt nên Lạm rất bức xúc. Nghe điện thoại xong, Lạm chuẩn bị hung khí rồi gọi thêm những công nhân cùng phòng trọ dậy đi bắt trộm cùng mình. Lạm mang theo một con dao bầu, mục đích để “phòng thân” và để dọa kẻ trộm.
Khi phát hiện có người truy đuổi, anh Chu Văn Quang và Phan Mạnh Hùng chạy bán sống bán chết. Khi anh Quang chạy về phía Lạm thì Lạm hô to: “Đứng lại, đứng lại!” nhưng anh này vẫn cố chạy lách qua. Sẵn đang cầm dao trên tay, Lạm đâm với một nhát từ sau lưng phía bên trái tên trộm. Anh Quang chạy được thêm một đoạn nữa rồi ngã quỵ xuống đường. Biết mình đã lỡ tay gây án, Lạm sợ hãi vội vứt dao rồi bỏ chạy về phòng trọ trốn. Còn về anh Quang, sau khi bị đâm gục bên đường đã được mọi người đưa đi cấp cứu, song do vết thương quá nặng nên tử vong. Sau khi gây án, mặc dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng Lạm đã tác động gia đình vay mượn bồi thường cho gia đình nạn nhân 120 triệu đồng. 
Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, TAND tỉnh Hà Tĩnh xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xét bị hại có lỗi nên đã tuyên phạt Nguyễn Văn Lạm 10 năm tù giam, tuyên buộc bị cáo phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của nạn nhân theo quy định của pháp luật. Theo dõi phiên tòa, nhiều người không nén được tiếng thở dài tiếc cho bị cáo, chỉ vì thiếu kiềm chế mà phạm tội một cách đáng tiếc.
Xử lý kẻ gian thế nào để không phạm pháp?
Trước thực tế nhiều vụ án đáng tiếc người ngay xử lý kẻ trộm theo hướng tiêu cực nên từ bị hại đã trở thành bị cáo, Luật sư Đỗ Thị Minh Thu (Đoàn Luật sư Nam Định) khuyến cáo: Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, người dân phải bình tĩnh, khôn khéo và nhanh nhạy trong cách ứng xử. 
Theo Điều 82 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì  đối với người đang thực hiện hành vi tội phạm, ngay sau khi thực hiện hành vi tội phạm, đang bị đuổi bắt sau khi thực hiện tội phạm, cũng như đang bị truy nã thì mọi công dân đều có quyền bắt và dẫn giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. 
Các cơ quan chức năng trên phải lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang và chuyển đến cơ quan điều tra có thẩm quyền. Người dân cũng có thể báo tin tố giác tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Khi bắt người phạm tội quả tang, mọi công dân đều có quyền tước vũ khí, hung khí của người phạm tội nhưng tuyệt đối không được quyền đánh đập, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng phạm tội.
Theo Luật sư Minh Thu, người dân tuyệt đối không được quyền có bất cứ hành vi nào nhằm hành hung, xúc phạm, làm nhục kẻ trộm cắp. Mọi hành vi  xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm kẻ trộm cắp đều vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ, tính chất, hành vi trên sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định tại Bộ luật Hình sự về các tội danh tương ứng như: “Bắt người trái pháp luật”, “Làm nhục người khác”, “Cố ý gây thương tích” hoặc “Giết người”.
Trường hợp kẻ trộm có hung khí nguy hiểm, có vũ khí nóng, có thủ đoạn xảo quyệt khiến người dân vì quá sợ hãi bị đe dọa đến tính mạng của bản thân nên buộc phải có hành vi đánh, tấn công kẻ trộm thì cũng chỉ được phép hành động trong giới hạn mà pháp luật cho phép. Nếu việc tấn công, chống trả vượt quá giới hạn thì người tấn công có thể bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hoặc “Giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Đọc thêm